Việt Nam là điểm sáng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

NDO -

NDĐT – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, với sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới về việc kiểm soát chặt rượu, bia cũng như phòng chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin tại hội nghị.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin tại hội nghị.

Ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực. Chỉ còn hai tháng trước khi Luật đi vào cuộc sống, có rất nhiều điều các nhà làm luật một lần nữa muốn nhấn mạnh, để các cơ quan chức năng cũng như người dân hiểu rõ về Luật tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra sáng 16-10.

Luật có một số điểm quy định mạnh mẽ so với quốc tế

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, WHO đánh giá Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam có nhiều điểm mới để các quốc gia khác tham khảo về cả quá trình vận động xây dựng Luật cũng như các nội dung trong Luật. Luật phòng, chống tác hại của rượu bia thể hiện tính toàn diện ở mọi khía cạnh về nguồn lực và các biện pháp tổng thể để giảm sự tiêu thụ sẵn có; giảm khả năng dễ tiếp cận để kiểm soát nguồn tiêu thụ rượu bia và giảm tác hại của rượu bia.

“Điểm tiến bộ của Luật là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, bà Trang nói.

Cũng theo bà Trang, với một đất nước có số lượng xe máy nhiều tới 33 triệu chiếc như Việt Nam, việc quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng 0 như Việt Nam là một quy định hết sức mạnh mẽ.

Về giảm tính sẵn có của rượu bia, hiện nay, Luật đang đưa ra quy định một số điểm không được bán rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan, các địa điểm công cộng… Tuy nhiên, theo bà Trang, hiện nay Chính phủ đang đề xuất sẽ có thêm khoảng hai điểm nữa sẽ bị cấm bán rượu bia là rạp chiếu phim và công viên. “Hiện đã có 123 nước, vùng lãnh thổ đã cấm bán rượu bia tại công viên và có hơn 100 nước cấm bán rượu bia tại các rạp chiếu phim. Khi lấy ý kiến bộ, ngành về điểm này, chúng tôi đều nhận được sự nhất trí cao với đề xuất”, bà Trang cho hay.

Ngoài ra, Luật cũng có biện pháp kiểm soát giảm tiêu thụ rượu bia như việc quy định trách nhiệm chủ phương tiện, chủ kinh doanh phương tiện vận tải trong việc kiểm soát các lái xe phương tiện của mình không được uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.

Không lo nhầm lẫn nồng độ cồn trong thực phẩm lên men

Trước thực tế việc sử dụng một số thực phẩm có đường dễ lên men hoặc các sản phẩm trái cây như nho, sầu riêng… dễ tạo hàm lượng cồn nhất định cho người sử dụng, bà Trang cho rằng, nồng độ cồn tự nhiên thấp, không đáng kể. Do đó, bà Trang cho biết, trong quá trình thông tin, giáo dục truyền thông để luật đi vào cuộc sống, Bộ Y tế cũng sẽ phổ biến những kiến thức khoa học để lực lượng chức năng sẽ có những xử lý hợp lý cũng như người dân nắm được thông tin.

Còn hai tháng nữa, Luật sẽ có hiệu lực, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vẫn bảo vệ lợi ích người dân lên trên hết. Để luật đi vào thực tế cuộc sống đạt hiệu quả cao cần hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia.

TS Kidong Park, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong kiểm soát một trong những yếu tố nguy cơ chính trong các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam. Kinh nghiệm triển khai chính sách phòng chống tác hại của rượu bia của một số quốc gia cho thấy cần kiểm soát chặt quảng cáo, tăng giá bán rượu bia, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, hạn chế sự sẵn có của rượu bia. Để thực hiện điều này cần cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, phổ biến cho người dân về nội dung của Luật, thực thi nghiêm khắc các quy định của Luật...

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ sáu đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.