Việt Nam cần siết chặt hệ thống y tế dự phòng

NDO -

 "Với virus biến thể có tốc độ siêu lây nhiễm như hiện nay, không có cách nào khác là các nước phải giữ chặt hệ thống y tế dự phòng. Nếu không dự phòng được thì không hệ thống điều trị nào có thể chịu được, kể cả những nước có y tế tiên tiến nhất như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đó, phải phòng chặt biên giới, ngăn chặn chặt chẽ, phát hiện sớm, truy vết thật nhanh, cách ly một cách phù hợp".Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa nhận định

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Kiên Giang.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Kiên Giang.

80% ca nhập cảnh dương tính với  SARS-CoV-2

Trước tình hình khủng hoảng lây lan dịch Covid-19 tại các nước, Việt Nam dù đang kiểm soát an toàn trong nước nhưng để bảo vệ thành quả chống dịch, luôn luôn không được phép chủ quan. Theo Bộ Y tế, trong đợt dịch này lo ngại lớn nhất chính là các ca bệnh xâm nhập từ biên giới Tây Nam. Hiện nay, 80% trong số các ca nhập cảnh về Việt Nam đều dương tính với SARS-CoV-2. Những ngày qua, Việt Nam vẫn phát hiện nhập cảnh trái phép. Nếu không làm chặt, nguy cơ lọt một ca sẽ tạo ra ổ dịch.

“Đây là giai đoạn căng nhất từ trước đến nay. Thứ nhất, vì dịch ở sát biên giới chúng ta. Thứ 2, việc ngăn chặn qua đường biển và đất liền không dễ dàng so với đường hàng không”, ông Khoa nhận định.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, các giải pháp Việt Nam đưa ra đến giờ hoàn toàn chính xác, luôn đi trước một bước so với khuyến cáo. Việt Nam đã có những biện pháp rẻ nhất, hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch là 5K, phương châm bốn tại chỗ và luôn luôn kiên trì với chiến lược chống dịch từ đầu mùa dịch. 

Về khả năng cung ứng ô-xy y tế của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình Y tế cho biết, hiện nay trong nước đã có thể sản xuất được ô-xy y tế, cung cấp cho các cơ sở y tế, các bệnh viện. 

Theo ông Tuấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng vừa có chỉ đạo yêu cầu rà soát lại toàn bộ năng lực và sẽ phải củng cố toàn bộ hệ thống sản xuất, cung ứng, để đề phòng trường hợp xấu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát như ở Ấn Độ. Hiện Vụ Trang Thiết bị và Công trình Y tế đang tiến hành rà soát, kiểm tra để có phương hướng đáp ứng kịp thời trong thời gian tới.

Bài học từ sự vỡ trận điều trị tại Ấn Độ -0
 Bộ Y tế thành lập năm đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới Tây Nam. 

Các tỉnh đều cần phải đề phòng

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, kinh nghiệm chống dịch của các nước cho thấy, kể cả các nước có nền y học phát triển, hiện đại như Anh, Mỹ... hay cả những nước y tế còn khó khăn, nếu như để cho y tế dự phòng vỡ trận, số ca mắc cao thì những người nhập viện sẽ nhiều, ngành y tế sẽ không còn khả năng tuyến trên chi viện, tăng cường cho tuyến dưới, từ đó y tế điều trị không còn khả năng chống đỡ nữa.

Do đó, các địa phương sát biên giới Tây Nam cần phải tăng cường cho hệ thống phòng dịch, phát hiện sớm sẽ ngăn chặn được sớm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong khi siết chặt lại công tác dự phòng, ông Khoa cũng cho rằng, các địa phương phải có phương án sẵn cho điều trị trong trường hợp đợt dịch bùng lên. Tỉnh nào cũng cần có phương án cụ thể.

“Chúng ta chưa biết dịch xảy ra tại đâu. Dù Tây Nam là địa bàn nguy cơ cao, tuy nhiên, người trở về từ Lào, Campuchia có thể về thẳng các quê hương của họ như Nghệ An, Hà Tĩnh. Nếu không ngăn chặn sớm, một ca bệnh lọt vào cộng đồng sẽ tạo thành ổ dịch rất lớn. Do đó, không tỉnh nào được chủ quan, phải luôn ở trạng thái sẵn sàng, xử lý những ổ dịch nếu xảy ra”, ông Khoa nói.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan