Vì sao test nhanh không có giá trị phát hiện người mang virus SARS-CoV-2?

NDO -

“Sử dụng test nhanh để phát hiện người đang mang virus SARS-CoV-2 không có giá trị. Dùng xét nghiệm phát hiện kháng thể mà đi tìm kháng nguyên là không đúng. Nếu có dương tính, thì coi như cũng là “vồ hụt””, GS Nguyễn Anh Trí khẳng định. 

GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: NVCC)
GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với GS, Anh hùng Lao động (AHLĐ) Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14, để cung cấp thông tin cho người dân hiểu đúng về các xét nghiệm Covid-19 cũng như sự cần thiết phải chung tay, góp sức của mỗi người dân vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. 

“Test nhanh không có giá trị sàng lọc, phát hiện người mang virus SARS-CoV-2”

Phóng viên: Gần đây nhất, quyền Bộ trưởng Y tế không đồng ý cấp test nhanh cho các địa phương. Việt Nam đang đi đúng hướng làm các xét nghiệm để phát hiện virus SARS-CoV-2?

GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Tôi thấy quyết định của quyền Bộ trưởng - GS, TS Nguyễn Thanh Long là rất đúng. Điều đó, có thể hiểu rằng Bộ trưởng đã thấy sử dụng test nhanh để phát hiện người đang mang virus SARS-CoV-2 là không có giá trị.

Và qua theo dõi báo chí, trên TV và trên mạng, cũng như trao đổi với các nhà chuyên môn đều có chung quan điểm như vậy.

Theo tôi, SARS-CoV-2 là một loại Corona virus, có bản chất di truyền ARN. Virus này được coi như kháng nguyên. Một người bị nhiễm SARS-CoV-2 thì sau 7 - 15 ngày mới sinh ra kháng thể để chống lại virus.

Người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì thường ủ bệnh khoảng 5 đến 14 ngày (có trường hợp muộn hơn) mới có thể phát ra thành bệnh Covd-19. Nhưng điều rất nguy hiểm là trong thời gian ủ bệnh thì người mang virus đã có thể phát tán virus ra trong cộng đồng rồi. Bởi vậy, phải xét nghiệm để phát hiện cho được người đang mang virus SARS-CoV-2 để thực hiện việc cách ly, nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng là rất quan trọng.

Để xét nghiệm nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2, phải sử dụng kỹ thuật Realtime-RT-PCR, là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (viết tắt là: rRT-PCR). Đây là một kỹ thuật theo nguyên lý khuếch đại gien. Cả thế giới làm như thế. Lâu nay, chúng ta cũng đã làm như thế.

Còn xét nghiệm bằng test nhanh - mà hiện tại một số nơi đang dùng - là phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2. 

Sử dụng xét nghiệm này để phát hiện virus SARS-CoV-2 là không phù hợp vì những lý do sau: Dùng xét nghiệm phát hiện kháng thể mà đi tìm kháng nguyên là không đúng. Nếu có dương tính, thì coi như cũng là “vồ hụt”, vì không chắc người đó có còn kháng nguyên không? Và nếu trước đó có thì hậu quả gây lây lan virus đã xảy ra rồi.

Bên cạnh đó, nếu chỉ định xét nghiệm sớm thì luôn âm tính, vì kháng thể bao giờ cũng xuất hiện muộn hơn. 

Nếu có âm tính, thì không thể nào biết được người đó hiện tại có virus trong cơ thể hay không. Người nhận được kết quả âm tính test nhanh sẽ tưởng rằng mình không bị nhiễm virus, không còn mang virus nên nguy cơ cho cả hai phía: Bản thân họ thì chủ quan, dẫn đến họ chưa nhiễm thì sẽ bị nhiễm; hoặc nếu họ có mang virus SARS-CoV-2 trong cơ thể thì sẽ làm lây lan cho cộng đồng. Đây là vấn đề nguy hiểm nhất. 

Như vậy, xin được nhấn mạnh, test nhanh không có giá trị sàng lọc để phát hiện virus SARS-CoV-2 ở người đi về từ vùng dịch. Rất mong các tỉnh, thành phố tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, mà cụ thể là ý kiến chỉ đạo của quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Xét nghiệm bằng test nhanh trong những hoàn cảnh nào:

Thứ nhất, là theo dõi kết quả điều trị ở những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 sau đó có xuất hiện kháng thể không, có còn kháng thể không. Việc này quan trọng để điều chỉnh thuốc men, thay đổi phác đồ cho phù hợp.

Thứ 2, là để điều tra dịch tễ học trong cộng đồng xem trước đó nhân dân vùng đó có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không? Việc này là cần thiết để biết được nguy cơ lây nhiễm ở địa bàn sinh sống, đối tượng dân cư, mùa vụ…từ đó xây dựng chiến lược phòng dịch.

Phóng viên: Vậy theo ông, để không bị lọt người nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng ta cần phải làm gì?

GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Đây là một trận chiến đấu rất cam go và ác liệt, đòi hỏi chúng ta phải hết sức nỗ lực, quyết liệt, bền bỉ, nhưng phải nắm chắc kiến thức để tổ chức làm việc cho đúng, cho hiệu quả. 

Tôi thấy, hiện nay dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo, chúng ta đang làm đúng. Tôi nghĩ, việc đầu tiên là người dân phải hết sức trung thực và kịp thời khai báo; nếu có nghi ngờ thì phải đến các cơ sở y tế đã được phân công để khám xét; phải thực hiện tốt những khuyến cáo về đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện “giãn cách xã hội”, không tụ tập đông người…

Đây là những việc rất dễ làm, tốn kém ít nhưng hiệu quả rất cao. Hiệu quả dập dịch tốt hay không phụ thuộc trước hết vào nhân dân, vào cộng đồng.

Phải khoanh vùng, dập dịch thật quyết liệt, bền bỉ và nghiêm túc. Tích cực xét nghiệm để phát hiện người mang virus SARS-CoV-2 trong nhóm những người đi từ Đà Nẵng về, và nay là còn thêm ở những nhóm người có là F1 hoặc F2 đang có ở tất cả các tỉnh. WHO đã khuyến cáo: “Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm!”. 

Vì đây là việc làm quyết định để khoanh vùng, để dập dịch. Xét nghiệm sử dụng phải là rRT-PCR. Cần làm nhanh nhất, rộng rãi hơn và đúng theo quy trình của Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Cũng cần nói thêm, xét nghiệm tìm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật rRT-PCR phải được làm ở các cơ sở có đầy đủ điều kiện chuẩn về phòng ốc, máy móc, con người có trình độ và giá xét nghiệm này khá đắt (giao động từ 1,6 - 2,2 triệu đồng/test). 

Bộ Y tế nên khuyến khích các cơ sở y tế công lập và cả tư nhân nữa có đủ điều kiện theo quy định của Bộ, được tham gia vào làm xét nghiệm. Còn để giảm giá được, để làm nhanh hơn và để có thể làm rộng hơn thì nên thực hiện việc trộn (pool) mẫu khi làm xét nghiệm rRT-PCR theo nguyên lý khuếch đại gien. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện pool mẫu để làm xét nghiệm rồi.

Vì sao test nhanh không có giá trị phát hiện người mang virus SARS-CoV-2? -0
 

“Dịch Covid-19 rò rỉ chứ không phải vỡ đê”

Phóng viên: Dịch bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng được nhận định rất phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, ca bệnh nặng hơn. Vòng quay bùng phát dịch lần thứ 2 này liệu có bất ngờ với Việt Nam?

GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Chúng ta đang bước vào vòng quay bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 tại Việt Nam. Việc bùng phát ở Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra và chúng ta không nên ngạc nhiên. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có một hình ảnh so sánh rất hay, chúng ta đang ở vùng trũng, chung quanh nước cao, phải đắp đê chặt lại. Nhưng nước chung quanh to quá, thế giới mỗi ngày ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc thì sẽ bị “rò rỉ”. 

Vừa qua, tôi cho là mới “rò rỉ” chứ không phải “vỡ đê”. Tuy nhiên sự rò rỉ này là nghiêm trọng ở các lý do sau: Dịch xảy ra bởi một chủng virus SARS-Cov-2 ngoại lai đã biến thể, lây lan nhanh hơn trước nhiều.

Dịch xảy ra ở một thành phố du lịch lớn, vào chính vụ du lịch và đặc biệt là sau một thời gian khá dài bị “giãn cách xã hội” nên nhu cầu đi du lịch tăng lên rất cao. Đặc biệt, nó đã xảy ra trước hết và nhiều nhất là trong các bệnh viện nơi có nhiều bệnh nhân nặng.

Vừa qua khi những người đi du lịch từ Đà Nẵng trở về các địa phương, việc cách ly, phân luồng, làm xét nghiệm đã có một chút hơi chưa kịp thời và đúng cách; nên dẫn đến họ đã trở về nhà, về với cộng đồng vì vậy việc kiểm soát dịch có thể là khó khăn hơn. Thực tế thấy dần dần đã có nhiều tỉnh thành công bố có trường hợp dương tính với SARS-Cov-2, đó chính là hậu quả của chút chậm trễ ban đầu này.

Và việc “rò rỉ” này có trở nên “vỡ trận” hay không thì phụ thuộc vào chính thái độ, sự quyết tâm, sự đồng lòng của chúng ta trong giai đoạn này.

Phóng viên: Mới đây nhất, ông có đưa ra quan điểm nhận định về các ca bệnh tử vong không phải do bệnh Covid-19 mà tử vong do liên quan với nhiễm virus SARS-CoV-2? Xin ông có thể lý giải quan điểm này?

GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Đây là vấn đề có tính “chuyên môn”! Tôi xin được chia sẻ thế này, như chúng ta đã biết, từ người lành có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đây là virus gây ra bệnh Covid-19.

Nhưng không phải tất cả những ai nhiễm virus này thì đều bị bệnh Covid-19 cả, phần lớn là tự khỏi hoặc chỉ thể hiện thoáng qua như một dạng cúm nhẹ. Qua các nghiên cứu trên thế giới thì chỉ dao động khoảng 5 - 20% hoặc cao hơn một chút là biểu hiện thành bệnh Covid-19 - với các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm cần có.

Những người bị Covid-19 có thể bị tử vong với một tỷ lệ không nhỏ, thường là trên 30% - tùy thuộc vào chất năng lực và chất lượng y tế của quốc gia đó. Nhưng cũng không phải là tất cả đều bị tử vong. Kết quả điều trị của Việt Nam ta trong đợt bùng phát dịch thứ nhất - không một ai tử vong, kể cả người bị bệnh Covid-19 rất nặng - đã cho thấy điều đó.

Ở những người là bệnh nhân có bệnh nền nặng như bệnh máu, tim mạch, đái tháo đường, suy thận…đã điều trị dài ngày khi bị nhiễm SARS-CoV-2 thì nguy cơ tử vong do bệnh nền cao hơn, vì bị ảnh hưởng bởi tác dụng xấu của virus lên hệ miễn dịch, lên sức đề kháng của bệnh nhân. Điều này quốc tế đã đề cập nhiều.

Ở Việt Nam, đến nay có chín người bị tử vong, tất cả số đó đều là bệnh nhân có bệnh nền rất nặng. Họ đã bị nhiễm thêm virus SARS-CoV-2, chứ chưa có trường hợp này chẩn đoán rạch ròi là họ đã bị bệnh Covid-19. Mà thực ra khi bệnh nền đã nặng rồi thì điều này cũng khó.

Vì vậy, công bố khi tử vong của các bệnh nhân vừa qua ở nước ta nên là: Bệnh nhân đã bị tử vong do bệnh nền (ví dụ ung thư máu, nhồi máu cơ tim) và “có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”, hoặc có thể: “có liên quan đến virus Covid-19”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng có khuyến cáo như vậy. Chỉ kết luận bệnh nhân bị tử vong do Covid-19 khi họ chỉ bị Covid-19 mà không có bệnh nào khác kèm theo. 

Việc phát ngôn cho đúng có ý nghĩa rất quan trọng, vì tránh gây ra sự hoang mang không đáng có và sẽ có sự tập trung hơn để dự phòng thật tốt cho nhóm các bệnh nhân trong bệnh viện; đồng thời nếu họ chẳng may bị nhiễm SARS-CoV-2 thì tập trung nguồn lực nhiều hơn, mạnh hơn để điều trị cho họ.

Phóng viên: Hiện nay, Bộ Y tế đang dồn lực chi viện cho Đà Nẵng. Vụ dịch này liệu có dễ dập tắt không, thưa ông?

GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Vụ dịch bùng phát này không dễ chấm dứt được vì sự lây lan trong cộng đồng quá nhiều. Theo báo chí thì ước tính có khoảng một triệu người đã từng lưu lại hoặc đi qua Đà Nẵng trong cả thời gian gần một tháng đó.

Tại Đà Nẵng thì có nhiều nơi có người bị nhiễm, đặc biệt là nhiều bệnh nhân nặng tại các bệnh viện nhiễm. Còn cả nước thì nhiều tỉnh thành có người nhiễm khi đi về từ Đà Nẵng. 

Tới đây, tôi cho rằng sẽ có nhiều tỉnh, thành phố chắc sẽ có thêm người nhiễm. Ít nhất 14 -21 ngày nữa mới khẳng định được quy mô và phạm vi của đợt bùng phát dịch bệnh này. Chúng ta biết thế để không được xem nhẹ, mà cần bình tĩnh và quyết tâm chống dịch hơn. 

 Và tôi muốn nhấn mạnh, việc dập tắt dịch bùng phát ở Đà Nẵng được nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào ý thức của nhân dân, của cộng đồng. Tôi thấy, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã làm hết tất cả trách nhiệm của mình với những chỉ đạo đúng, quyết liệt và bám nắm rất chắc địa bàn cũng như nội dung công việc. 

Xin cảm ơn GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí!

Được biết, ngày 5-8 tại thành phố Đà Nẵng các labo đã thực hiện trộn (pool) mẫu để làm xét nghiệm rRT-PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2, nhờ đó mà thúc đẩy được việc tốc độ làm xét nghiệm cho nhân dân trong thành phố.

Kỹ thuật này trộn khoảng bốn mẫu bệnh phẩm lại, rồi làm xét nghiệm rRT-PCR. Ở mẻ nào dương tính thì mới tách ra làm bốn mẫu riêng. Vì rRT-PCR là một kỹ thuật khuếch đại gien nên có thể làm pool mẫu mà không sợ bị sai lệch kết quả.

Với cách làm này, giá xét nghiệm sẽ được giảm xuống đến mức hợp lý có thể chịu được, và tốc độ làm xét nghiệm cho một quần thể cần phát hiện sẽ được rút ngắn lại (chỉ còn khoảng 1/4 thời gian như cách làm không pool mẫu đang làm).

Tôi biết, nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Israel, Đức , Singapore, Bắc Kinh… đã bắt đầu làm theo cách pool mẫu này. 

Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, lây lan nhiều tỉnh, thành phố