PGS, TS Trần Đắc Phu: Dịch tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp

NDO -

Tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh được nhận định là phức tạp nhất từ đầu mùa dịch đến giờ tại địa bàn này, khi vừa qua, TP Hồ Chí Minh phát hiện một số trường hợp F1 không dương tính nhưng F2 lại dương tính.

PGS, TS Trần Đắc Phu: Dịch tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá dịch ở TP Hồ Chí Minh đang rất phức tạp.

Trước hết, virus SARS-CoV-2 đã lây lan cho cộng đồng với nhiều ca mắc. Trong hai ngày gần đây, ghi nhận gần 30 ca mắc Covid-19.

Trong đợt này, TP Hồ Chí Minh ghi nhận tình trạng một số trường hợp F1 không phát hiện dương tính nhưng lại xuất hiện F2 dương tính. Điều này chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian từ lâu rồi.

“Dịch tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp nhất bởi đến nay, ngoài số lượng ca được phát hiện nhiều liên tiếp thì chúng ta cũng chưa tìm ra nguồn lây, dịch đang lây lan trong cộng đồng ở những địa điểm mọi người giao lưu, đi lại nhiều như tại sân bay”, ông Phu nói.

Ông Phu cho biết thêm, những trường hợp ở khu dân cư được phát hiện trong đợt dịch này đều dựa trên các trường hợp F1 của ổ dịch ở sân bay. Nhưng các trường hợp xét nghiệm dương tính ở sân bay chưa chắc là đã bắt nguồn từ BN1979 (ca bệnh được phát hiện đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất). Vì vậy những trường hợp này chưa chắc đã phải là F  của nhau. Điều này cũng khiến ổ dịch phức tạp hơn. Ổ dịch sân bay cũng chưa chắc là ổ chỉ điểm.

Trong đợt dịch này, TP Hồ Chí Minh chưa tìm ra nguồn lây. Khác với Hải Dương khi địa phương này đã sớm khoanh được vùng dịch là Công ty TNHH Poyun, và tiếp theo phong tỏa TP Chí Linh và Quảng Ninh phong tỏa sân bay Vân Đồn. Do đó, việc khoanh trúng ổ dịch rất quan trọng.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, theo ông Phu, TP Hồ Chí Minh phải quyết liệt là xét nghiệm và truy vết. Ngoài những điểm truy vết để xét nghiệm phát hiện những điểm nguy cơ phục vụ cho việc phong tỏa dịch bệnh tránh lây lan còn xét nghiệm tìm những điểm có nguy cơ khác nữa. TP Hồ Chí Minh cần xét nghiệm trên diện rộng nhưng là xét nghiệm diện rộng có chỉ định, chọn điểm để xét nghiệm một cách thông minh.

“Thí dụ vừa rồi chúng ta chọn điểm sân bay để xét nghiệm là một điểm có nguy cơ nên chúng ta mới phát hiện được ổ dịch này để có biện pháp phòng bệnh như thời điểm hiện nay. Hiện chúng ta có phương pháp xét nghiệm gộp mẫu. Phương pháp này rất hiệu quả. Không chỉ tiết kiệm mẫu, chi phí, thời gian, nó còn giúp xét nghiệm nhanh, năng suất”, ông Phu nói.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa hợp lý. Giãn cách và phong tỏa như thế nào là do UBND thành phố cũng như các quận, huyện quy định, đánh giá nguy cơ để thực hiện.

Ông Phu nhận định, dịch lần này có thể lây mạnh và rất nhanh, nếu không xác định, truy vết được các ca lây nhiễm, chúng ta không thể nào dập dịch được. Nếu chúng ta không ngăn được, trong thời gian ngắn, từ F0 sẽ lây ra F1, F2 thậm chí, F3, F4 và chính các F này lại trở thành F0 và trở thành các ổ dịch mới. Từ đó, dịch sẽ lan rộng, chúng ta không kiểm soát được.

Tuy nhiên, ông Phu cũng khuyến cáo, không riêng TP Hồ Chí Minh, nguy cơ dịch Covid-19 xảy ra ở mọi địa phương đều như nhau nếu mọi người chủ quan, không phòng bệnh. Chỗ nào phòng bệnh tốt thì không có nguy cơ, hoặc có nguồn bệnh xâm nhập, chúng ta phát hiện sớm thì khống chế được ngay, chỗ nào phòng bệnh không tốt thì nguy cơ lây lan cao.

“Mặc dù tình hình TP Hồ Chí Minh đang phức tạp nhưng người dân không nên quá hoang mang. Mọi người hãy theo dõi thông tin chính thống, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo. Nếu chúng ta tuân thủ đúng, virus khó có thể xâm nhập”, ông Phu cho hay.

Theo CDC TP Hồ Chí Minh, sáng ngày 9-2, Thành phố ghi nhận thêm hai trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Hai trường hợp này được phát hiện khi thành phố tiếp tục thực hiện xét nghiệm giám sát cho 830 nhân viên sân bay mà chưa làm xét nghiệm trước đó.

Một trường hợp là nhân viên của công ty VIAGS - đã có năm trường hợp lây nhiễm trước đây. Một trường hợp là nhân viên của Vietnam Airlines đã cùng thực hiện giám sát hàng hóa chung với BN1979 vào ngày 30 - 31-1.

Như vậy tính đến ngày 9-2, tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có bảy trường hợp nhiễm Covid-19 cùng chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân đỗ máy bay.

Ngoài bảy trường hợp này, đã có 25 trường hợp nhiễm có liên quan đến nhân viên sân bay đã được báo cáo hôm qua và chiều qua được Bộ Y tế công bố với mã số BN2014 - 2038.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan