Nỗ lực cân bằng chất lượng y tế giữa các vùng miền

NDO -

NDĐT - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, bằng những giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong xóa bỏ sự chênh lệch về cơ sở vật chất, nhân lực y tế, chuyên môn giữa vùng khó khăn và vùng thành thị, tin rằng, chất lượng y tế giữa các vùng miền sẽ tiến tới cân bằng trong thời gian tới.

Thầy thuốc Trạm y tế xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) khám sức khỏe cho trẻ em.
Thầy thuốc Trạm y tế xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) khám sức khỏe cho trẻ em.

Trong những năm qua, ngành y tế là một điểm sáng trên thế giới khi đạt được được các mục tiêu thiên niên kỷ, xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn và đạt tỷ lệ cao trong bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng y tế tại tuyến cơ sở vẫn là bài toán đối với ngành y tế. Vì thế, những năm qua, vị tư lênh ngành y tế đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, giải quyết một số mặt về chuyên môn, nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng và tài chính để giúp y tế cơ sở có được những bước chuyển mình.

Về chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bằng các đề án chuyển giao kỹ thuật từ Trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và gần đây là tuyến xã, nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện được các kỹ thuật cao mà không chuyển lên trên, giúp cho bệnh nhân được hưởng thụ dịch vụ tại chỗ.

Ngành y tế cũng đã thực hiện đào tạo mô hình bác sĩ y học gia đình cho gần hết các trạm y tế xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tham gia đề án này. Đặc biệt, để tăng cường nhân lực cao cho tuyến dưới, ngành y tế đã có một đề án có tính chất vận dụng cụ thể và thực tiễn Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm nước ngoài là chọn các bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau sáu năm học đại học, những bác sĩ này sẽ được đào tạo thêm hai năm chuyên khoa. Sau đó, họ sẽ được phân công công tác về 61 huyện nghèo trong cả nước.

Đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã tạo ra bước ngoặt lớn cho y tế tại tuyến dưới, giúp giảm chuyển tuyến cho tuyến trên. Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ này đã thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại địa bàn. Có nhiều ca phẫu thuật khó mà trước đây buộc phải chuyển lên tuyến trên thì nay đã được xử lý kịp thời ngay tại y tế cơ sở. “Có những bác sĩ sau khi về địa bàn vùng sâu, vùng xa đã thực hiện phẫu thuật gần 1.000 ca/năm, tại những huyện như Mường Tè, Mù Căng Chải... Chúng tôi chú trọng phát triển đề án theo hướng, những bác sĩ này có quyền lợi được nhận làm việc ngay từ đầu nhưng phải thực hiện nghĩa vụ ba năm ở các vùng sâu, vùng xa”, Bộ trưởng nói.

Về thực hiện phụ cấp, đối với cán bộ công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó của nông thôn mới đang được phụ cấp 80% lương theo Nghị định 64. Các y tế thôn bản, nhân viên y tế thôn bản được phụ cấp một lần lương cơ bản so với vùng thành thị chỉ được phụ cấp một nửa lương. Cô đỡ thôn bản cũng được hỗ trợ nửa hệ số lương. Đây chính là những lực lượng hỗ trợ ngành y tế rất nhiều trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, vùng sâu, vùng xa là những vùng được hưởng trái phiếu Chính phủ để xây dựng mới nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện hiện đại và các trạm y tế xã cũng nhận được đầu tư từ nhiều dự án ODA không còn hoàn lại của Liên hiệp châu Âu (EU). “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng hai ODA vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và ADB để xây dựng khoảng gần 2.000 trạm y tế ở các tỉnh khó khăn theo mô hình y học gia đình và theo mô hình quốc tế. Chúng tôi đang triển khai 26 trạm y tế xã mẫu trong cả nước và sắp tới sẽ khai trương để làm mẫu cho cả nước”, Bộ trưởng cho hay.

Việc hỗ trợ tài chính cho y tế vùng sâu, vùng xa cũng được Chính phủ và ngành y tế chú trọng, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đối với những địa bàn này, Nhà nước gần như mua toàn bộ mệnh giá thẻ bảo hiểm cho người nghèo, cận nghèo, diện chính sách. Vì thế, những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt gần 100%. Do đó, người dân đến khám ở các cơ sở y tế gần như được chi trả 100%, với người nghèo thì không phải đồng chi trả.

"Chúng tôi cũng đang có chính sách giá dịch vụ tiến tới tính đúng, tính đủ và giúp cho các cơ sở y tế có thể thu được nguồn thu đầy đủ, giúp nâng cao thu nhập. Cùng với đổi mới các biện pháp nâng cơ sở xanh - sạch - đẹp, đổi mới cơ chế tài chính, đặc biệt là đổi mới thái độ của đội ngũ cán bộ y tế, đến nay tỷ lệ hài lòng với các dịch vụ y tế của người dân những vùng này đạt hơn 80%", Bộ trưởng nói.