Kỳ tích ca ghép phổi đầu tiên bằng thực lực của các bác sĩ Việt Nam

NDO -

NDĐT - Ngày 12-12, một bệnh nhân bị mắc bệnh mô bào ở phổi, suy đa tạng, suy kiệt cơ thể đã được hồi sinh nhờ người cho chết não hiến phổi. Ca ghép vừa được thực hiện thành công đầy kỳ tích tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với sự tham gia của toàn bộ ê-kip là các thầy thuốc của Việt Nam.

Bệnh nhân ghép phổi hồi phục tốt sau ca phẫu thuật.
Bệnh nhân ghép phổi hồi phục tốt sau ca phẫu thuật.

Cuộc ghép cân não của chuyên gia nội khoa và ngoại khoa

Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công một loạt các ca phẫu thuật lấy - ghép nhiều tạng hết sức đặc biệt từ một người cho đa tạng chết não. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời sáu tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Lần đầu tiên ở Việt Nam và BV Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành ghép năm tạng cùng một thời điểm cho bốn bệnh nhân gồm một tim, hai phổi, một gan, một thận và kết hợp điều phối xuyên Việt một thận cho bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất trong lần ghép đa tạng này theo GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, là lần đầu tiên BV thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện.

Người hiến tạng là một nam giới, ngoài 40 tuổi ở Ninh Bình bị chết não do bị phình mạch não vỡ, đã điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai không kết quả. Bệnh nhân tha thiết có nguyện vọng ghép tạng ngay từ khi còn khỏe. Khi không may bị chết não, gia đình bệnh nhân đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để hiến tạng.

Bệnh nhân may mắn nhận phổi lần này là NVĐ (17 tuổi) bị suy dinh đưỡng nặng phải thở ô-xy do bệnh mô bào ở phổi (langerhans) giai đoạn cuối. Bệnh nhân có tiên lượng tử vong rất cao trong một vài tháng và chỉ có cơ hội sống sót nhờ ghép phổi.

Năm năm nay, bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng với tình trạng kén hóa và nhiễm trùng phổi rất nặng, đã phải mổ một bên phổi phải và bơm thuốc gây dính màng phổi bên trái do kén khí phổi võ tái diễn. Bệnh nhân điều trị rất nhiều lần tại Bệnh viện Nhi Trung ương và gần đây là BV Bạch Mai.

GS, TS Trần Bình Giang cho biết “Bệnh mô bào ở phổi là một dạng ung thư rất đặc biệt không có giải pháp điều trị triệt để. Bệnh nhân được truyền hóa chất rất nhiều đợt. Bệnh nhân còn kèm bệnh lý sỏi thận phải đã phẫu thuật, sỏi trong gan chưa phẫu thuật và suy chức năng gan do hóa chất. Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần như toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết các nang - kén khí, không còn hoạt động chức năng”, GS Giang nói.

Kỳ tích ca ghép phổi đầu tiên bằng thực lực của các bác sĩ Việt Nam ảnh 1

Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 12 giờ đồng hồ.

Bệnh nhân hiến tạng chết não được phẫu thuật lấy đa tạng từ 8 giờ 30 phút ngày 12-12 và hoàn thành việc lấy tạng lúc 10 giờ 55 phút. Phẫu thuật ghép phổi bắt đầu được thực hiện từ 9 giờ, kết thúc lúc 23 giờ theo đúng quy trình chuyên môn chi tiết.

Sau mổ hai ngày, bênh nhân đã có sức khỏe ổn định, hoạt đông phổi ghép tốt, mô phổi co hồi vừa với lòng ngực người nhận phổi nên đã được ngàng ECMO, mổ đóng vết mổ ngực và mở khí quản chăm sóc phổi.

Tuy nhiên, đánh giá về ca ghép phổi này, TS, BS Trần Bình Giang cho biết thêm, bệnh nhân nhận phổi có cơ thể rất nhỏ bé, chỉ nặng 30 kg, hầu như không còn sức sống. “Sau khi phân tích về thể trạng bệnh nhân, các thầy ở bên BV Bạch Mai và chúng tôi đều chờ xem tôi có quyết định ghép hay không và liệu kết quả ghép sẽ thế nào. Đây là quyết định cân não của chuyên gia nội khoa và ngoại khoa. Chúng tôi cân lên đặt xuống nhiều lần nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định ghép vì nếu không ghép thì cháu bé sẽ chết”, GS Giang cho biết.

Kỳ tích của ca ghép phổi này, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, ca mổ này hoàn toàn do các bác sĩ của Việt Nam thực hiện theo đúng quy trình chuyên môn và rất chuyên nghiệp.

“Vì thể tích phổi người cho lớn hơn người nhận nên chúng tôi phải tính toán để cắt giảm thể tích phổi vừa với người nhận. Chúng tôi phải cắt gần một thùy phổi bên trái và gần hai thùy phổi bên phải”, PGS Ước cho biết thêm, đặc điểm chăm sóc sau mổ ghép phổi phức tạp hơn nhiều các ghép tạng khác vì nguy cơ nhiễm trùng tạng ghép rất cao. Do đó, các y bác sĩ phải nội soi, đánh giá vệ sinh hàng ngày, hầu hết phải chăm sóc phổi ghép qua mở khí quản.

Diễn biến hậu phẫu của bệnh nhân ghép 2 phổi trong 10 ngày đầu rất thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt. Tuy nhiên toàn trạng bệnh nhân con rất nặng, diễn biến hậu phẫu còn phức tạp do toàn trạng bệnh nhân quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan. Do đó, bệnh nhân này cần thời gian hậu phẫu thường kéo dài 2-3 tháng mới được xuất viện.

Để chuẩn bị cho quá trình ghép phổi lần đầu tiên tại Việt Nam, BV Việt Đức đã cử ê-kíp cán bộ sang Nhật Bản, Anh và Đài Loan (Trung Quốc) học tập về ghép phổi trong một năm. Với sự hoàn thiện quy trình ghép phổi được thực hiện thành công tại BV Việt Đức, PGS Nguyễn Hữu Ước cho biết kỹ thuật này sẽ tạo cơ hội chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân.

Điều phối xuyên Việt ghép thận cho bệnh nhi tại TP Hồ Chí Minh

Ngoài ca ghép phổi đầy kỳ tích tại BV Việt Đức, các bác sĩ đã lấy được thêm 5 tạng từ người cho chết não để cứu sống thêm nhiều người khác. Ca lấy tạng và ghép đa tạng được thực hiện xuyên đêm với 5-6 bàn mổ cùng thực hiện song song với sự tham gia của ê-kíp lên tới 500 cán bộ y tế.

Trái tim của người hiến đã được ghép cho bệnh nhân nam 60 tuổi bị mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối đang điều trị hồi sức tích cực chờ ghép tim tại BV Việt Đức. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao trong vòng một tháng nếu không có tim hiến để ghép. Hiện bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống và sinh hoạt tại phòng cách ly sau ghép tim.

Bệnh nhân được ghép gan là bệnh nhân nữ 63 tuổi bị mắc bệnh u gan, tiến triển sau ghép rất tốt. Bệnh nhân nam 41 tuổi được ghép thận do suy thận giai đoạn cuối.

Một thận đã được điều phối xuyên Việt vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh là một bệnh nhi nam giới 15 tuổi, mắc suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận gấp. Với sự hỗ trợ của Vietnamairlines, một quả thận đã được chuyển vào TP Hồ Chí Minh và ghép thành công cho bệnh nhi. Diễn biến sau ghép ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, ăn uống được.

Các bác sĩ cũng lấy mạch máu, gân của người hiến để lưu trữ trong Ngân hàng mô tại BV Việt Đức.

Theo các số liệu thống kê ở Việt Nam, kỷ lục lấy và ghép nhiều tạng nhất là năm tạng ngày 26-2-2018; có hai ca phép phổi đã được thực hiện tại các Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Quân đội 108 với kíp phẫu thuật là các thầy thuốc Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài về ghép phổi.

Tính đến ngày 21-12-2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, một ca ghép tim và thận, một ca ghép tim và phổi, ba ca ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có một ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (có sáu ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác), một ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.