Ca chuyển gốc động mạch đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương

NDO -

NDĐT – Bệnh nhi mới tám ngày tuổi người Lào đã được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương trực cấp cứu kịp thời tại sân bay và đưa em vào phẫu thuật cấp cứu bệnh chuyển gốc động mạch. Đây là ca bệnh thứ 500 được phẫu thuật thành công bệnh lý này tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Lãnh đạo Trung tâm Tim Mạch trẻ em chúc mừng bệnh nhi ra viện.
Lãnh đạo Trung tâm Tim Mạch trẻ em chúc mừng bệnh nhi ra viện.

Ca cấp cứu đặc biệt

Bệnh nhi Palamy Imthapatha, sinh ngày 24-10-2019 có Quốc tịch Lào được các bác sĩ tại đây phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh ngay khi vừa chào đời. Sau khi cháu bé ra đời, các bác sĩ bên Lào đã trực tiếp trao đổi với các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch để có phương án xử lý tốt nhất cho bệnh nhi.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, các bác sĩ tại hai nước đã trao đổi thông tin qua thư điện tử và qua viber để vừa xem các xét nghiệm, phim chụp chẩn đoán cho cháu, để đánh giá xem có cần phải chuyển viện không. “Chúng tôi quyết định sẽ đưa cháu sang Việt Nam khi cháu được tám ngày tuổi. Vừa đến sân bay, tình trạng bệnh nhi trở nặng, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch trẻ em đã trực sẵn ở sân bay và tiến hành các thủ tục nhập viện, rút ngắn thời gian cấp cứu cho cháu bé”, BS Trường cho biết.

Lúc này, trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở, thở nhanh SPO2: 75-88%, mạch 140 lần/ phút. Sau khi tiến hành hội chẩn, xác định bệnh nhi mắc chuyển gốc động mạch, bệnh nhi được các bác sĩ Trung tâm tim mạch trẻ em chuẩn bị phẫu thuật tức thời. Ca phẫu thuật được tiến hành khẩn trương bởi TS, Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm cùng ê- kíp của Trung tâm Tim mạch trẻ em.

“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với ca bệnh này. Đầu tiên là phải tiến hành giữ sự ổn định cho cháu bé trong một đêm vì cháu bé bị rơi vào tình trạng suy sụp tuần hoàn khi chuyển đến viện. Trong lúc phẫu thuật, tình trạng của cháu bé diễn biến rất xấu khi động mạch vành của cháu bé có kích thước rất nhỏ, chưa đến 1 mm và không nhìn rõ được bằng mắt thường. Vì thế, nên trong quá trình chuyển lại vị trí của động mạch vành về vị trí, cháu bé có tình trạng bị xoắn động mạch vành”, BS Trường cho hay.

Ca chuyển gốc động mạch đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương ảnh 1

Bệnh nhi được cấp cứu kịp thời khi tám ngày tuổi.

Trải qua hơn ba giờ phẫu thuật với rất nhiều các kỹ thuật khó ca phẫu thuật đã thành công. Qua thời gian hai giờ thở máy và sáu ngày hồi sức, chăm sóc cách ly hoàn toàn người nhà, bệnh nhi hiện đã ổn định. Sau 20 ngày điều trị, đến ngày 21-11, kết quả siêu âm tim sau mổ cho thấy tim của trẻ hoạt động giống như người bình thường, toàn trạng trẻ ổn định. Hiện tại trẻ đã ăn tốt, ngủ tốt, khoẻ mạnh và dự kiến sẽ ra viện ngày hôm nay, 22-11.

Đây không phải là trường hợp bệnh nhân người Lào đầu tiên được chuyển đến Trung tâm Tim mạch nên các bác sĩ cũng đã có nhiều lần phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Các bác sĩ bên Lào cũng đã được đào tạo và huấn luyện chuyên sâu về chẩn đoán tim bẩm sinh ở trẻ năm năm trước tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Việt Nam chinh phục được kỹ thuật khó ngang tầm thế giới

Với ca phẫu thuật thành công của bệnh nhi người Lào đã đánh dấu cột mốc điều trị thành công ca bệnh thứ 500 mà Trung tâm Tim mạch trẻ em đã tiến hành. Sự thành công của các ca bệnh là minh chứng rõ nét nhất cho trình độ, bản lĩnh của các y, bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch trẻ em trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh trẻ em phức tạp tại Việt Nam.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết, chuyển gốc động mạch là một khuyết tật nghiêm trọng của quả tim, xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra. Chuyển gốc động mạch lớn làm thay đổi đường máu lưu thông khắp cơ thể, gây ra tình trạng thiếu ô-xy trong máu đi từ tim đến các phần còn lại của cơ thể và trẻ sẽ đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong nếu không được điều trị.

“Bệnh lý chuyển gốc động mạch thường được phát hiện trước khi sinh hoặc trong những giờ đầu tiên đến vài tuần sau khi sinh ra. Đây là bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp và khá nặng nề, cần phải tiến hành phẫu thuật ngay trong tháng đầu tiên của trẻ. Nếu không phát hiện kịp, 80-90% cháu sẽ tử vong trong năm đầu. Nếu để quá 2-3 tháng tuổi, có thể sẽ không mổ được nữa”, BS Trường nói.

Ca chuyển gốc động mạch đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương ảnh 2

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em chia sẻ về ca phẫu thuật.

Trong 500 ca phẫu thuật thành công bệnh lý này tại Trung tâm, tỷ lệ thành công vượt 95%, tương đương với tỷ lệ thành công ở trung tâm tim mạch lớn trên thế giới. Trong đó, trường hợp nhỏ nhất 12 giờ tuổi và nhẹ cân nhất được can thiệp là 1,8 kg. Trong số 500 ca can thiệp tim mạch này, có 20-30% bệnh nhi có bất thường động mạch vành cũng được can thiệp thành công.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh lý tim mạch tại Việt Nam là 1-1,5%, tức là cứ 100 cháu ra đời thì gần hai cháu mắc bệnh tim. Trong số đó, có 60% cần phải phẫu thuật can thiệp và 80% các cháu sau này có cuộc sống khỏe mạnh. Trẻ một tháng tuổi có quả tim chỉ nhỏ như quả trứng gà với những mạch máu bên trong chỉ tương tương khoảng 4-5 mm nên khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật sẽ phải dùng kíp lúp tăng phóng đại 4-5 lần so với kích thước thật mới quan sát được tổn thương.

“Khi phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh sẽ giúp cho các bác sĩ can thiệp kịp thời, giúp giảm thiểu tử vong trẻ sơ sinh. Do đó, các phụ nữ khi mang thai có thể phát hiện bệnh tim bẩm sinh này từ tuần thứ 12 trở đi và cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để có những tư vấn, can thiệp kịp thời ngay khi bé vừa chào đời”, BS Trường khuyến cáo.