Bạo hành bệnh viện: Bất bình thôi, chưa đủ!

NDO -

NDĐT - Khối lượng công việc khổng lồ, những ca trực liên miên cả ngày lẫn đêm, những ca cấp cứu có thể ập đến bất cứ lúc nào, những bữa cơm nuốt vội… đó chưa phải là tất cả áp lực, nhọc nhằn mà những người làm nghề y đang phải gánh chịu. Những năm gần đây, họ - những người làm công việc cứu người - còn phải đối mặt với nguy cơ có thể bị hành hung bất cứ lúc nào. Đáng quan ngại là, cho tới nay, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để loại trừ vấn nạn ấy.

Nhân viên y tế bị bạo hành. (Ảnh minh họa)
Nhân viên y tế bị bạo hành. (Ảnh minh họa)

Báo động tình trạng hành hung y, bác sĩ

Một thực tế đáng buồn là những năm trở lại đây việc hành hung bác sĩ, hộ sinh, y tá… đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Đáng quan ngại hơn nữa là các sự vụ hành hung y bác sĩ diễn ra ngày càng ngang nhiên, nghiêm trọng và không ngừng gia tăng theo từng năm.

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 8 - 38% nhân viên y tế từng bị bạo hành ở nơi làm việc. Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến hết năm 2016, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Năm 2017, có tổng cộng 13 vụ.

Năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ tấn công thầy thuốc nghiệm trọng, trong đó nhiều vụ việc côn đồ vào tận bệnh viện tấn công cả bệnh nhân và thầy thuốc. Theo nghiên cứu về bạo hành y tế của BS Nguyễn Ngọc Thiệu, đã có 36 vụ tấn công nhân viên y tế được ghi nhận từ năm 2011 đến tháng 2-2018, xảy ra trên 20 tỉnh thành, với 50 y, bác sĩ bị tấn công dẫn đến các mức độ chấn thương khác nhau, bị hiếp dâm và cả tử vong, cơ sở khám, chữa bệnh bị đập phá. Tất cả các vụ hành hung trên đều xảy ra ở những cơ sở y tế công lập và do người nhà bệnh nhân gây ra.

Vấn nạn trầm trọng tới mức năm 2018 từng có lúc bác sĩ kêu gọi "xuống đường để bảo vệ đồng nghiệp", đề nghị ngành công an lập chốt bảo vệ bệnh viện. Theo thống kê của của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Đã đến lúc phải nhấn mạnh, vấn nạn hành hung y bác sĩ đã đến mức báo động. Máu bác sĩ vẫn thấm đỏ bệnh án ngay tại nơi đáng ra luôn an toàn để y bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân. Số vụ ngày càng nhiều và ngày càng nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng ngày càng manh động. Một bác sĩ đã từng thốt lên một cách chua chát nhưng có lẽ là sự thật không thể phủ nhận: Bệnh viện đã trở thành… chốn võ đài - nơi bác sĩ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Giải pháp nào bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế

Một câu hỏi nhức nhối đang được đặt ra trước sự gia tăng đến mức báo động của vấn nạn hành hung y bác sĩ: Ai sẽ là người chịu thiệt thòi? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối bệnh viện liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế. Bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo, cũng là nơi để người bệnh tĩnh dưỡng. Khi nhân viên y tế bị hành hung, ngay lập tức sẽ ảnh ưởng đến người bệnh khác trong khu vực đó, đặc biệt trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân khác mà bị hành hung sẽ làm gián đoạn công việc, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Từ thực tế nếu trên, ngày 19-6-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Khoản D Điều 134 trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người "chữa bệnh cho mình". Theo đó, tăng mức phạt đối đa lên tới ba năm tù. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ trưởng Công an đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và các khu vực chung quanh.

Ngành y tế những năm qua đã có rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều phân tích, nhiều chỉ đạo đã được đưa ra để nhằm hạn chế vấn đề. Nhiều bệnh viện đã tăng cường lực lượng bảo vệ, hạn chế người nhà vào khu cấp cứu, điều trị để bảo đảm an toàn cho y, bác sĩ và tạo môi trường tránh nhiễm khuẩn cho người bệnh khi điều trị.

Cơ quan công an cũng đã vào cuộc ráo riết, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật. Nhiều giải pháp cũng đã được đề ra như tăng cường lực lượng an ninh nơi bệnh viện, lập đường dây nóng để cán bộ, nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào tới lực lượng cơ động 113… Thế nhưng, số lượng các bác sĩ bị hành hung không những không giảm bớt mà còn tiếp tục tăng.

Trước câu hỏi, đâu là giải pháp tổng thể hữu hiệu cho vấn nạn này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, để giảm tải tình trạng người nhà bệnh nhân có những hành vi không đúng mực với y, bác sĩ, ngành y tế cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu. Đồng thời, cần phải có sự vận hành nhịp nhàng giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, trong quá trình cấp cứu không nên để người nhà bệnh nhân nhìn thấy để tránh tình trạng hiểu lầm. Hiểu lầm hay nói cách khác là chưa thấu hiểu, chưa chia sẻ được với nhau chính là điểm mấu chốt lớn nhất nếu muốn giải quyết vấn nạn này hiệu quả nhất. Nhìn chung cái gốc của giải pháp vẫn là cần lắng nghe, chia sẻ lẫn nhau.

PGS, TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam bày tỏ lo ngại, tại Việt Nam, khi xảy ra sự việc, xã hội vẫn coi ngành y là ngành phục vụ nên luôn có tâm lý đổ lỗi cho nhân viên y tế. Chính vì những áp lực như vậy nên người bị hành hung ít khi lên tiếng. Trong khi đó, cần phải coi nhân viên y tế trong bệnh viện là người thi hành công vụ, có quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, danh dự như những công dân khác trong xã hội.

"Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã có đã có Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế, tiêu biểu là luật của bang Maharashtra, Ấn Độ ban hành ngày 30-3-2009. Luật có các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với hành vi bạo hành các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù trang thiết bị tài sản của các cơ sở y tế bị phá hoại", PGS, TS Nguyễn Gia Bình nói.

Ngày 26-4-2019, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn ký Kế hoạch liên tịch số 100/KHLT-CĐYT-TCLĐCĐ triển khai Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019. Chương trình nhằm mục đích tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của toàn xã hội đối với những khó khăn vất vả, sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành y tế; tuyên truyền, đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn ngành y.

Chương trình mong mỏi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, mỗi người dân cùng chung tay ủng hộ Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm, tập trung sức lực và trí tuệ chăm sóc người bệnh; mỗi cán bộ, nhân viên ngành y cùng hưởng ứng chương trình bằng việc nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mình để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

Ngày 29-10, diễn ra Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” với chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” tại Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì.