Bảo đảm an toàn khi triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng

Vắc-xin là giải pháp quan trọng nhất để chiến thắng dịch Covid-19. Do vắc-xin nghiên cứu, phát triển trong nước vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, cho nên giai đoạn trước mắt, việc tiêm cho các đối tượng ưu tiên vẫn là nguồn vắc-xin nhập từ nước ngoài. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho những đối tượng được tiêm.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Ðức Giang (Hà Nội).
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Ðức Giang (Hà Nội).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 13-4 cả nước đã có chín trong tổng số 19 tỉnh, thành phố kết thúc đợt một tiêm vắc-xin phòng Covid-19 gồm: Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ðà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh. Tổng số hơn 60 nghìn người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị cho người mắc Covid-19, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương.

Trong quá trình triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thời gian qua, hệ thống giám sát tiêm chủng ghi nhận khoảng 33% số trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong một đến hai ngày sau tiêm, không cần điều trị gì. Ðây là dấu hiệu thường gặp ở các loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, ho gà, uốn ván... Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn cảm sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định. Sức khỏe của những người này đều ổn định, trở lại làm việc sau một, hai ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tương đương so với số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Ðến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", quy trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới. Ðó là công tác bảo đảm an toàn luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn... Người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi sức khỏe; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm luôn sẵn sàng. Thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử…

Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp lâu dài trong phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 của Bộ Y tế đặt ra mục tiêu có tới 95% số đối tượng có nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng vắc-xin theo từng đợt phân bổ vắc-xin. Bộ Y tế xác định bảo đảm đúng tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhưng công tác bảo đảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Do vậy công tác tập huấn chuyên môn kỹ thuật được tổ chức cho cả hệ thống tiêm chủng trên cả nước. Các điểm tiêm phải khám sàng lọc thật kỹ. Bất cứ trường hợp nào không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, tuyệt đối không được tiêm chủng. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, sẵn sàng xử lý những trường hợp xảy ra phản ứng không mong muốn. Các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên thành lập tổ cấp cứu lưu động, chuẩn bị cơ số thuốc, phương tiên để ứng phó các tình huống có phản ứng sau tiêm. Ðối với các trường hợp có phản ứng sau tiêm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải xử lý ngay, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm an toàn cao nhất cho người tiêm.

Hiện nay vắc-xin phòng Covid-19 đang tiếp tục được nhập về và chuẩn bị phân bổ đợt hai để các địa phương triển khai trên diện rộng. Bộ Y tế đang tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị tiêm. Trên tinh thần, vừa thực hiện vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm và điều chỉnh để phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch, an toàn hơn trong công tác tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng cần thực hiện khám sàng lọc kỹ, triển khai các quy trình theo đúng hướng dẫn, không bị áp lực bởi số lượng tiêm chủng. Việc khám sàng lọc được thực hiện tốt sẽ giảm các trường hợp có phản ứng sau tiêm đến mức thấp nhất, người dân sẽ tin tưởng hơn trong công tác tiêm chủng vắc-xin.