Báo chí đã loại bỏ “thông tin sai sự thật” về dịch Covid-19

NDO -

NDĐT – Thông tin xấu, sai sự thật đã không có “đất sống” trên các phương tiện truyền thông trong sự đồng hành của báo chí cùng cả nước chống dịch Covid-19. Sự đồng thuận, hưởng ứng, chung tay, đồng lòng và quyết tâm chống dịch của người dân có được nhờ vào sự góp phần không nhỏ của báo chí và truyền thông trong nửa năm qua.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế.

Cùng cả nước sục sôi chống giặc Covid-19, mặt trận truyền thông cũng nóng bỏng hơn bao giờ hết khi những người cầm bút cũng như những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Nhiều nhà báo nằm vùng ở những điểm nóng nhất của dịch Covid-19 để ghi nhận những khoảnh khắc chân thực, những câu chuyện xúc động tại các tâm dịch, các điểm nóng chống dịch, các khu cách ly. Chúng tôi xin được ghi lại một cuộc trò chuyện ngắn với ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế để nhìn nhận lại một hành trình dài gần sáu tháng qua, báo chí đã đồng hành với ngành y tế trong truyền thông về cuộc chiến với dịch Covid-19.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông Việt Nam trong cuộc chiến chống covid-19, góp phần vào những thắng lợi ban đầu của Việt Nam?

Ông Nguyễn Đình Anh: Truyền thông thời gian vừa qua đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19,… các hoạt động truyền thông về dịch bệnh được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Quan trọng nhất, các thông tin liên quan đến dịch bệnh được công khai, minh bạch, tạo được những dòng thông tin chính thống đến với người dân. Qua đó người dân tin tưởng vào hoạt động phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, tránh sự hoang mang lo lắng đến với người dân. Các thông tin xấu, thông tin độc, sai sự thật và tin đồn cũng đã giảm đi. Nhờ đó, chúng ta có sự đồng thuận và vào cuộc của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phóng viên: Với vai trò là cơ quan phát đi các bản tin chính thức về dịch bệnh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, ông nhận định thế nào về sự phối hợp của báo chí trong việc chuyển tải thông tin dịch bệnh đến người dân?

Ông Nguyễn Đình Anh: Là đơn vị đồng hành và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, tôi đánh giá cao các cơ quan báo chí vào cuộc tích cực ngay từ đầu. Tôi được biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều cơ quan báo chí cắt giảm chi tiêu để hỗ trợ thêm cho phóng viên tác nghiệp để có được bản tin, thông tin, phóng sự, chuyên đề đến với người dân hiệu quả nhất, gây nên hiệu ứng lan tỏa lớn.

Tôi đánh giá cao có những phóng viên không ngại nguy hiểm, xông vào các điểm nóng để có bản tin nóng hổi nhất, cập nhật nhất đến với người dân. Những thông tin, hình ảnh từ các điểm dịch đang điều trị cho bệnh nhân mang đến thông tin chính thống, hiệu quả, tạo sự an tâm, tránh hoang mang.

Cám ơn cơ quan báo chí, phóng viên luôn đồng hành với ngành y tế trong công cuộc phòng chống dịch.

Phóng viên: Thời gian qua có nhiều thông tin không chính xác cho rằng Việt Nam giấu bệnh hoặc nhiều thông tin đưa lên chưa được kiểm chứng. Những thông tin nhiễu này có phải tạo ra áp lực rất lớn đối với những người làm đầu mối cung cấp thông tin?

Ông Nguyễn Đình Anh: Thông tin nhiễu bất cứ lĩnh vực nào cũng có. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, và chúng tôi là người trực tiếp xử lý thông tin chính thống thì khi có thông tin sai lệch, chúng tôi đều có những cuộc làm việc để bóc gỡ thông tin sai sự thật. Những tin đồn được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để, nghiêm minh.

Giai đoạn đầu của dịch bệnh, có nhiều thông tin sai lệch nhưng dần dần với sự vào cuộc truyền thông của các cơ quan báo chí chính chống, người dân tin vào báo chí chính thống nên thông tin sai lệch đã giảm đi.

Phóng viên: Như ông vừa đề cập, trong đợt bùng phát dịch, nhiều nhà báo, phóng viên đã lao vào điểm nóng bất chấp nguy hiểm, cảm nghĩ của ông thế nào về nghề báo - đặc biệt là phóng viên chuyên theo dõi mảng dịch bệnh có thể đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe?

Ông Nguyễn Đình Anh: Trong suốt quá trình truyền thông về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, các phóng viên chuyên bám sát ngành y tế đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm cũng như có nhiều cống hiến.

Thực tế, trong quá trình cung cấp thông tin cho báo chí, chúng tôi cũng có những khó khăn vì có thông tin bị động, phải chờ đợi, không có thông tin ngay và luôn, chính xác cho báo chí. Do đó, nhiều anh em ban đầu nghi ngờ chúng tôi giấu thông tin, nhưng sự thật, chúng tôi luôn mong muốn có thông tin mới nhất, sớm nhất, chính xác nhất đến với độc giả thông qua mạng lưới báo chí.

Tôi rất khâm phục nhiều anh em báo chí đồng hành cùng chúng tôi, sẵn sàng đi đến những vùng dịch nguy hiểm, đến vùng khó khăn. Nhiều anh em cũng giống như các y, bác sĩ, các chiến sĩ ở tuyến đầu, gửi con, xa vợ để tác nghiệp tại những điểm nóng, chấp nhận cách ly để có những thước phim, những câu chuyện, hình ảnh chân thực, xúc động của những người nằm trong diện cách ly.

Mỗi khi có sự kiện bệnh nhân, khi chúng tôi thông báo đến anh em báo chí thì chỉ 15 phút sau, các anh em đều có mặt tại các điểm nóng. Đó là điều chúng tôi đánh giá cao vai trò trách nhiệm của anh em báo chí, thể hiện một điều, khi đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh thì trách nhiệm của mỗi người dân và mỗi cá nhân trong đó có vai trò của báo chí, chiến sĩ thông tin luôn đi đầu để ghi nhận lại, cung cấp những nóng hổi, cập nhật nhất, mới nhất đến đông đảo công chúng

Xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Anh!

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Y tế:

“Báo chí và ngành y tế đã có gần nửa năm đồng hành cùng với nhau trên chặng đường đầy cam go, thử thách và chúng ta cũng đa có những thắng lợi bước đầu trong kiểm soát rất tốt dịch Covid-19.

Tôi cảm nhận sâu sắc hơn vai trò, tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng đối với người dân của các cơ quan báo chí. Ý thức của người dân tăng lên, người dân chủ động hơn, phối hợp hơn, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào các biện pháp Chính phủ chỉ đạo không phải do ngành y tế mà do chính đội ngũ những người cầm bút đã viết những câu chuyện, truyền tải thông tin, cập nhật kiến thức để người dân hợp tác, tự giác hơn.

Ngay trong những đợt truyền thông, chúng ta có nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo và điều chúng tôi cho rằng rất trân quý là sự hợp tác phối hợp rất chặt chẽ của lực lượng y tế và báo chí. Hình ảnh người cầm bút, nhà báo xung phong làm cùng, cách ly cùng để phản ánh những câu chuyện, những thực tiễn và công việc của người chiến sĩ áo trắng là hình ảnh cao quý. Sự hy sinh của các nhà báo rất cảm động. Các đồng chí tự nguyện cách ly tại các điểm nóng, sẵn sàng gửi con cho ông bà, xa vợ chồng, xa gia đình… hay nhiều phóng viên cảm thấy bản thân mình cung cấp thông tin chưa đủ, cần phải có trách nhiệm hơn nữa bằng việc đi kêu gọi quyên góp những trang thiết bị giúp cho tuyến đầu chống dịch.

Vì thế, tôi cảm nhận sâu sắc hơn câu nói của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”, để thấy, khi chúng ta chống giặc, chúng ta không có sự phân biệt, không có khoảng cách giữa ai với ai, kể cả cơ quan quản lý nhà nước với người dân. Đó là điều rất trân quý.

Báo chí đã loại bỏ “thông tin sai sự thật” về dịch Covid-19 ảnh 1

GS, TS Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: VGP)

Và một điểm nữa, chính trong đợt dịch này và từ nay về sau, chúng ta nhận ra, minh bạch hóa, công khai hóa các thông tin là điều cần thiết. Không có câu chuyện nào trên báo chính thống và trên mạng khác nhau. Chúng ta cùng một tư tưởng, cùng một nhận thức, cùng một bài viết, qua đó tác động đến mọi đối tượng trong xã hội. Báo chí chính thống lần này đã có một sức mạnh, tạo dòng chảy chính chủ động chọn vấn đề thông tin, làm cho những thông tin thất thiệt, sai lầm không đúng không có đất sống. Qua đó, chúng tôi kịp thời thông tin rất quan trọng đến người dân.

Chúng tôi cũng học được rất nhiều từ bài viết vì các bạn vì đó là thông tin tổng hợp từ các nguồn tin trên thế giới trong công tác đối phó với dịch bệnh, chúng tôi biết thêm về cách thức phản ứng của các đồng chí lãnh đạo, cách thức chia sẻ thông tin mang tính khoa học của các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi nhận biết được nhiều từ kho tri thức lớn mà báo chí mang lại.

Trong cuộc chiến đại dịch Covid-19, chúng ta có cách đi riêng, làm riêng. Ban đầu có thể có những phản ứng khác nhau, nhưng đến giờ thì chúng ta khẳng định chúng ta đã làm đúng, làm trúng, kịp thời và tất cả mọi thời điểm áp dụng các biện pháp đều rất chính xác”.