Báo Anh đánh giá cao mô hình chống Covid-19 của Việt Nam

NDO -

NDĐT - Mới đây, tờ Thời báo Tài chính (FT) của Anh có bài viết nhan đề "Việt Nam, một hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 với chi phí thấp", trong đó đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch đang bùng phát trên toàn cầu.

Việt Nam áp đặt biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam.
Việt Nam áp đặt biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Mở đầu bài viết, FT cho biết, trong khi phần lớn trong số 96 triệu người dân Việt Nam đang tưng bừng đón Tết Nguyên đán 2020, tại một cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên chiến với đại dịch Covid-19. Khi đại dịch đang bùng phát tại khu vực biên giới Trung Quốc, Thủ tướng Phúc cảnh báo nó sẽ sớm lan sang Việt Nam. Hồi tháng 1, ông tuyên bố: "Chống dịch như chống giặc".

Kể từ đó, Việt Nam đã chứng tỏ cho thế giới thấy một mô hình kiềm chế dịch của một đất nước với nguồn tài nguyên có hạn với một đội ngũ lãnh đạo có quyết tâm cao. Thay vì triển khai việc xét nghiệm đại trà, được xem là điểm mấu chốt trong nỗ lực chống lại sự bùng phát dịch tại Covid-19 ở Hàn Quốc, một quốc gia giàu có, thì Việt Nam lại tập trung vào việc cách ly những người bị nhiễm và tìm kiếm những người đã tiếp xúc, kể cả những đối tượng tiếp xúc thứ hai và thứ ba.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cho Trung tâm Hoạt động khẩn cấp Việt Nam - một cơ quan tương đương Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, nói: "Xét nghiệm diện rộng là rất tốt, nhưng còn tùy thuộc vào tài nguyên của mỗi đất nước. Điều quan trọng là, bạn cần phải biết số người có thể đã tiếp xúc với người bệnh, hoặc quay trở về từ vùng dịch, sau đó tiến hành xét nghiệm những người này".

Ngoài việc tích cực tìm kiếm và theo dõi lịch trình những người đã tiếp xúc với người bệnh, các biện pháp của Chính phủ Việt Nam còn bao gồm việc cách ly bắt buộc 14 ngày, kêu gọi các sinh viên y khoa và các bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu tham gia chống dịch. Ông Carl Thayer, giáo sư trường ĐH New South Wales (Australia) cũng đánh giá cao những nỗ lực này và cho rằng Việt Nam có một "Chính phủ nhất quán, hiệu quả trong việc phản ứng với những thảm họa tự nhiên".

Cuối tuần qua, Việt Nam cũng đã áp đặt biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam và hủy tất cả các đường bay quốc tế. Ông Phu nói: "Chúng tôi phải huy động toàn xã hội với những khả năng cao nhất để cùng chống lại đại dịch, và điều đặc biệt quan trọng là phải tìm kiếm những ca mắc bệnh và đưa vào cách ly".

Đến ngày 23-3, Việt Nam thông báo đã có 123 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có ca tử vong nào. Các ca nhiễm được phát hiện gần đây nhất phần lớn thuộc "làn sóng thứ hai", là những người đã bị nhiễm bệnh trở về từ nước ngoài. Đến ngày 20-3, Việt Nam xét nghiệm được 15.637 người, chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 338.000 người được xét nghiệm ở Hàn Quốc. Theo FT, cũng giống như các nơi khác ở Đông Nam Á với số ca được xét nghiệm thấp, số người nhiễm bệnh thực có thể cao hơn nhiều so với con số thông báo. Nhưng phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Nước này đã ngừng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc từ ngày 1-2 và đóng cửa các trường học ở hai thành phố lớn nhất đất nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Và trường học ở hầu hết các tỉnh cũng đều được yêu cầu đóng cửa từ sau Tết.

Ngày 13-2, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên sau Trung Quốc cô lập một khu vực dân cư rộng lớn. Chính phủ đã áp đặt lệnh cách ly kéo dài 21 ngày đối với một khu vực ở tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc Hà Nội, nơi có hơn 10 nghìn người dân sinh sống, sau khi phát hiện một số ca bệnh là công nhân trở về từ Vũ Hán.

FT cho biết, vào thời điểm nước láng giềng Thái Lan đang bị chỉ trích vì những phản ứng sai lầm với dịch Covid-19, và Myanmar vừa công bố hai ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên hôm 23-3, thì những phản ứng của Việt Nam đang nhận được sự đánh giá cao của các quan chức y tế thế giới. Ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội đã ca ngợi Việt Nam về "sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch".

Tuy nhiên, sự thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế dịch Covid-19 phụ thuộc một phần vào sự huy động các nhân viên y tế và quân đội, sự giám sát và mạng lưới thông tin, các biện pháp khó có thể áp dụng được tại các nước châu Âu và Mỹ. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam thường xuyên đưa ra các thông điệp và các quan chức đã rất minh bạch thông tin về đại dịch. Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi các tin nhắn có nội dung là các tin tức liên quan tới dịch Covid-19 và các khuyến cáo bảo vệ sức khỏe.

Một cuộc khảo sát gần đây do hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam thực hiện đã cho thấy phần lớn những người được hỏi "có nhận thức cao" về các triệu chứng của Covid-19. Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc chống lại đại dịch Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn, thể hiện qua các bài viết ca ngợi các nhân viên y tế và hình ảnh tuyên truyền với nội dung "Ở nhà là yêu nước". Việt Nam cũng nghiêm khắc trong việc chống lại việc phát tán "tin giả". Hơn 800 người đã bị phạt vì đưa các tin giả về dịch Covid-19.

Người dân Việt Nam cũng giúp chính quyền biết được những người đã lây nhiễm virus. Ông Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hàng xóm biết rõ nếu bạn quay trở về từ nước ngoài. Nếu có một người lây nhiễm trong khu vực, họ sẽ báo cáo ngay".

Trả lời câu hỏi của FT, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thu Hằng khẳng định Việt Nam "đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và phù hợp" nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19. Bà nói: "Cho tới nay, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp và chưa có trường hợp tử vong".