Ai sẽ bảo vệ và chăm lo cho nhân viên y tế?

NDO -

NDĐT - Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, có gần 2.000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo. Trên thế giới, tỷ lệ cán bộ y tế bị bạo hành gấp bốn lần so với bình quân các ngành nghề khác. Thực trạng này được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra câu hỏi "Ai sẽ bảo vệ và chăm lo cho nhân viên y tế"?

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu.

Đây là những chia sẻ tâm huyết của ông Ngọ Duy Hiểu tại hội thảo “An toàn vệ sinh lao động - phòng, chống bạo hành tại các cơ sở y tế” nằm trong chuỗi chương trình “Bảo vệ blouse trắng” do Công đoàn Y tế Việt Nam, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức sáng nay, 29-10 tại Hà Nội. Hội thảo chung tay giải quyết hai chủ đề về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bạo hành.

Cán bộ y tế và những nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường

TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta cũng thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị… Họ còn đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm.

“Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao. Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp”, bà Bình cho hay.

Hiện nay, danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung sau 23 năm ban hành, nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng từ các danh mục này.

Theo PGS, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp, làm ca, trực đêm, gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân…

“Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vi sinh vật dễ mắc bệnh lao nghề nghiệp, viêm gan B, C, nhiễm HIV, bệnh leptospira nghề nghiệp. Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý dễ mắc phóng xạ, điếc do tiếng ồn và đục thủy tinh thể. Nhóm bệnh liên quan do cả yếu tố hóa học, bụi dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, hen nghề nghiệp…”, ông Hải cho hay.

Một nghiên cứu được khảo sát trên diện rộng cho thấy, có tới 28,6% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 25,6% hệ dự phòng mắc bệnh mãn tính; 17,2% thuộc hệ điều trị dự phòng mắc các bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc; 57,3% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và hệ dự phòng bị tổn thương do bệnh xâm nhập khi tiêm và có nhiều bệnh lý nghiêm trọng và các bệnh chuyển hóa khác.

PGS, TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, kết quả khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện năm 2018 cho thấy, có 0,15% nhân viên có sức khỏe lại IV và 2,88% nhân viên đạt sức khỏe lại 3; có 40,82% nhân viên đạt sức khỏe loại II trong đó các bệnh thường gặp là nhân xơ tuyến giáp và nang keo tuyến giáp.

Nhân viên y tế bị bạo hành gấp bốn lần so với ngành nghề khác

Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao vì quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng kém, thiếu nhân lực y tế và dễ xảy ra những sự cố y khoa. Tình trạng trộm cắp, cò mồi, bắt cóc trẻ sơ sinh, người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, say rượu… hành hung y, bác sĩ… đang ngày càng gia tăng. Trong đó, những nhân viên y tế mới, ít kinh nghiệm ứng xử dễ bị gặp bạo hành tại bệnh viện hơn.

“Trên thế giới, tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành gấp bốn lần so với ngành nghề khác. Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5-2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện trong đó năm 2014 có tới bảy vụ điển hình”, ông Khoa nhấn mạnh. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chưa mang tính răn đe cao. Nhiều nước chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế có thể sẽ bị giam giữ. Trong khi tại Việt Nam pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện.

Ai sẽ bảo vệ và chăm lo cho nhân viên y tế? ảnh 1

TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

TS Phạm Thanh Bình nhận định, tình trạng bạo hành với cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Những vụ bạo hành về tinh thần, mà hậu quả để lại tuy vô hình, song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế.

"Tình trạng làm việc quá tải, tính chuyên nghiệp của cán bộ y tế còn thiếu nên thiếu sự cảm thông, chia sẻ, vi phạm quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của bệnh viện dễ gây ra tâm lý căng thẳng, kích động từ phía bác sĩ và người bệnh, người nhà người bệnh. Các phương án bảo vệ đoàn viên của bệnh viện cũng chưa đầy đủ. Người bệnh và gia đình người bệnh cũng thiếu sự kiềm chế, chưa nhận thức được việc vi phạm pháp luật khi có bạo lực tại bệnh viện dẫn tới gia tăng bạo lực trong môi trường này", bà Bình nhận định.

Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có bốn bác sĩ, 15 điều đưỡng và một bảo vệ bị hành hung. Đã có hai trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, Bệnh viện đa khoa Vũ Thư - Thái Bình năm 2012, mới đây nhất là một đoàn viên là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn - Quảng Nam do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.

Ai sẽ chăm lo cho nhân viên y tế?

Đó là câu hỏi được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đặt ra tại hội thảo. Ông Hiểu nhận định, nhân viên ngành y tế cũng đang làm việc trong môi trường nhiều khó khăn, thậm chí nhiều rủi ro. Ngành y tế hiện nay do thiếu nhân lực cục bộ nên nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện căng thẳng, nhiều người phải đứng mổ hàng chục giờ, xuyên đêm. Có nhiều nhân viên y tế có những giấc ngủ không ngon.

“Nếu có máy đo đếm về tâm lý môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Nhịp tim đập mạnh nhất có lẽ ở bệnh viện. Đây là môi trường thách thức và nhiều rủi ro cho nhân viên y tế. Tôi muốn từ hội thảo này, chúng ta hiểu thêm về công việc của nhân viên y tế và cùng nhau hành động bảo vệ bluose trắng. Công đoàn Việt Nam cùng các cơ quan truyền thông cùng nhau bảo vệ nhân viên y tế để nhân viên y tế bảo vệ sức khỏe chúng ta”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Từ góc độ là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, có nhiều biện pháp từ ngành y tế được triển khai từ nhiều năm qua để giảm tình trạng bức xúc tại bệnh viện. Ngoài củng cố lại cơ sở vật chất và trang thiết bị an ninh, các bệnh viện cũng nâng cao giao tiếp ứng xử cho cán bộ y tế, nâng cao tay nghề của cán bộ y tế; thành lập đội phản ứng nhanh và kết hợp với chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh bệnh viện. Tuy nhiên, việc giảm bớt xung đột giữa bác sĩ và người nhà người bệnh còn quan trọng nhất chính là từ sự đồng cảm, chia sẻ của chính người bệnh và người nhà người bệnh khi đến cơ sở y tế.

Đại diện Công đoàn Việt Nam, TS Phạm Thanh Bình cho biết, tới đây, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm gia, giám sát và đưa ra phương án phòng bạo hành cho cán bộ y tế vào tiêu chí chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh. Công đoàn cũng sẽ trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Y tế, Tổng hội Y học… nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên công đoàn trong ngành y tế. Từ đó, sẽ có những kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền với các vấn đề liên quan tới chính sách…

Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” - Chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động - phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” là hoạt động cao điểm của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019.

Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đều nhận định, việc bảo vệ cán bộ y tế là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, không chỉ của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp công đoàn mà còn của các bộ, ngành, cấp chính quyền vào cuộc, các cơ quan truyền thông lên tiếng chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ, để cán bộ y tế yên tâm làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh của mình.

* Bạo hành bệnh viện: Bất bình thôi, chưa đủ!