Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Tự chủ không phải là tự do

Từ đòi hỏi của quá trình phát triển, đến hình thành hệ thống cơ chế, chính sách và ứng dụng vào thực tiễn là một quá trình dài vừa làm vừa rút kinh nghiệm ngay ở bản thân các cơ sở giáo dục lẫn cơ quan quản lý nhà nước như trao đổi của bà Nguyễn Thị Kim Phụng (ảnh bên), Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Tự chủ không phải là tự do

Tự chủ trong giáo dục đại học là một xu thế phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống cũng như hội nhập quốc tế. Giáo dục đại học Việt Nam liệu có “chậm chân” trong thực hiện tự chủ, thưa bà?

Ở Việt Nam, từ năm 1993 đã bắt đầu xây dựng mô hình đại học tự chủ thông qua việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và năm 1995 thành lập ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh trực thuộc Chính phủ. Từ năm 2005 đến nay đã có sáu văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về tự chủ đại học... Theo các quy định đã có, tất cả các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế... Một số cơ sở đã thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực như: Đại học Quốc gia, đại học vùng được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài; Một số trường được tự chủ về tài chính trước Nghị quyết 77 của Chính phủ như các trường ĐH: Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Ngoại thương; hoặc được tự chủ cao về hoạt động chuyên môn như các trường ĐH: Hà Nội, Bách khoa Hà Nội...

Các trường đại học liệu đã tự chủ đúng hướng hay vẫn chủ yếu hướng đến tự chủ tài chính, tập trung vào nguồn thu học phí tiềm ẩn nguy cơ rủi ro? Theo bà, đâu là hướng tự chủ hợp lý cho giáo dục đại học?

Thực tế, hoạt động chuyên môn là lĩnh vực quan trọng nhất cần được tự chủ đầu tiên và các trường đã có quyền tự chủ ở mức độ khá cao trong hoạt động chuyên môn. Về tài chính, tài sản, tổ chức và nhân sự, các trường vẫn phải thực hiện các quy định về thủ tục, thẩm quyền, chế độ tuyển dụng và thôi việc...

Như vậy, để các trường được thực sự tự chủ, trước hết, cần chuyển nhanh từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi và quy định trách nhiệm của các bên trong mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; trong việc thương mại hóa sản phẩm khoa học... để tạo điều kiện tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ cộng đồng... Học phí được tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, công khai, minh bạch để thị trường lựa chọn.

Hướng tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học như bà vừa trao đổi nhưng thực tế không phải trường nào cũng thực hiện nghiêm các quy định. Bởi trong tự chủ, điều quan trọng là cần thành lập Hội đồng trường nhưng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Phải chăng vì Hội đồng trường không có quyền lực thực tế?

Hội đồng trường đã được quy định từ Điều lệ trường đại học năm 2003, tại Luật Giáo dục đại học 2012 nhưng hầu như không được thực hiện. Có nguyên nhân do Hội đồng trường không có thực quyền khi ở trên còn cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý địa phương; trong cơ sở thì Hiệu trưởng là người quản lý điều hành hầu hết mọi hoạt động. Khi tổng kết 5 năm thi hành Luật GDĐH có tới hơn 70% Hiệu trưởng trường ĐH công lập kiêm Bí thư đảng ủy nhưng chỉ 34% số cơ sở GDĐH công lập có Hội đồng trường. Các cơ quan chủ quản, cơ quan thanh kiểm tra, cơ quan kiểm toán... cũng phải quán triệt các quy định nói trên. Ngay từ Luật GDĐH 2012 đã xác định rõ Hội đồng trường có quyền quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường; về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học... nhưng tiếc rằng, một số cơ quan chủ quản vẫn còn “ôm” việc này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) đã giải quyết phần lớn các bất cập, bảo đảm để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường. Luật đã đề cao vai trò của Hội đồng trường, quy định cụ thể quyền quyết định của Hội đồng trường trong lĩnh vực tuyển sinh, mở ngành, học phí... Để thúc đẩy quá trình thành lập Hội đồng trường và thực hiện Nghị quyết 19, cần có hướng dẫn cụ thể quy định “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” trong các trường công lập.

Tự chủ trong giáo dục đại học cũng được hiểu là giảm sự can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước vào công việc cụ thể của các trường. Nhưng cũng không thể coi tự chủ là tự do không có khuôn khổ, thưa bà?

Đúng là có hiện tượng, một số lãnh đạo của một số trường vẫn coi tự chủ là tự do, không phải tuân theo các tiêu chuẩn, quy trình bảo đảm chất lượng được quy định trong các văn bản pháp luật; thiếu công khai, minh bạch thông tin, thiếu dân chủ, có tư tưởng phủ nhận các văn bản dưới luật và không tuân thủ thanh tra, kiểm tra... Điều này cũng khiến dư luận xã hội lo lắng về việc liệu tự chủ có dẫn đến buông lỏng quản lý hay không?

Vì vậy, để các cơ quan quản lý cũng như dư luận xã hội yên tâm, các trường cần có nhận thức đúng, chuẩn bị tốt điều kiện và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, yêu cầu của tự chủ đại học. Thí dụ: Thành lập Hội đồng trường, thực hiện kiểm định chất lượng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, đặc biệt là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật; phân cấp quyền tự chủ đến các đơn vị, cá nhân trong trường để phát huy trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của toàn trường...

Tự chủ không phải là tự do ảnh 1

Ảnh | HẢI THANH

Tự chủ không phải là tự do nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1-7 tới tạo khá nhiều điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ. Vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển hướng thế nào để vừa tôn trọng quyền tự chủ nhưng cũng bảo đảm giám sát các trường gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm và giải trình xã hội?

Bộ sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định về chuẩn chất lượng, các quy định công khai, minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và các chỉ số đầu ra (KPIs) gồm: chất lượng đào tạo (công bố các chương trình đã được kiểm định...; công bố chuẩn đầu ra; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp...); chất lượng nghiên cứu khoa học (số công trình khoa học được ứng dụng và thực tiễn, số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước...); chế độ sử dụng, tuyển dụng cũng như các chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý; chế độ, chính sách đối với người học... để cơ quan có thẩm quyền quản lý, xã hội và người học giám sát chất lượng đào tạo.

Đáng chú ý, công tác kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học được triển khai trong toàn hệ thống, đặc biệt khuyến khích cơ sở tham gia kiểm định chất lượng theo chuẩn khu vực và quốc tế; tăng cường minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng giáo dục đại học để xã hội lẫn người học giám sát. Cũng lưu ý rằng, những nội dung Luật đã quy định, thì các trường được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực mà không cần hướng dẫn hay đợi sửa đổi các quy định trước đó. Một đòi hỏi nữa là vẫn cần sửa hệ thống pháp luật hiện hành cho đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp luật đối với tự chủ đại học.

Trân trọng cảm ơn bà!