Trồng cây gây rừng & mục tiêu một tỷ cây xanh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc trồng cây gây rừng. Hơn 60 năm qua, Tết trồng cây do Người khởi xướng đã trở thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ, sâu rộng và thiết thực.

Hưởng ứng Tết trồng cây ở Yên Bái. Ảnh: H.Q
Hưởng ứng Tết trồng cây ở Yên Bái. Ảnh: H.Q

Tiếp nối tinh thần đó, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác trồng cây gây rừng gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế và tăng trưởng đã gây áp lực lên đời sống xã hội như tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Những vành đai xanh bảo vệ môi trường không được quan tâm quy hoạch bảo vệ, đặc biệt ở đô thị trẻ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động xấu đến đời sống xã hội bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan: bão, lũ lụt, hạn mặn kéo dài, sạt lở, xâm thực biển...

Trong bối cảnh đó, tại phiên chất vấn cuối cùng của kỳ họp Quốc hội khóa XIV khép lại một năm 2020 nhiều biến động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng một tỷ cây xanh trong năm năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngay Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, khẳng định mục tiêu bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, "tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh".