TS, BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia:

Rối loạn tâm thần liên quan đến stress đáng báo động

Liên tục có mặt tại Viện từ 6 giờ sáng hằng ngày, trực tiếp khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân, bận rộn với nhiều công việc chuyên môn và quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, TS, BS Nguyễn Doãn Phương (ảnh bên) vẫn dành thời gian chia sẻ cùng Nhân Dân hằng tháng nhiều vấn đề thiết thực:

Các cơ sở y tế Việt Nam đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
Các cơ sở y tế Việt Nam đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

Rối loạn sức khỏe tâm thần nhiều năm trở lại đây đã được coi như nguy cơ có thật, tác động sâu sắc tới cuộc sống riêng của cá nhân cũng như cộng đồng và xã hội, phải vậy không thưa ông?

Theo phân loại bệnh quốc tế về các rối loạn tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các rối loạn tâm thần lần thứ X (ICD-X)  rất đa dạng, phổ biến với nhiều mã bệnh khác nhau. Thí dụ, bệnh lý loạn thần: bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời; các rối loạn về cảm xúc: trầm cảm, hưng cảm; các rối loạn liên quan đến rối loạn sử dụng chất ma túy, các rối loạn nhân cách, rối loạn tâm thần liên quan đến bệnh thực tổn... Đặc biệt, ngày nay khi áp lực cuộc sống lớn, từ áp lực học tập, công việc và các tác động từ thiên tai, thảm họa..., các rối loạn tâm thần liên quan đến stress rất đáng báo động với nhiều biểu hiện lâm sàng như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn sự thích ứng... Các rối loạn tâm thần này gây tác động sâu sắc không chỉ cho bản thân người bệnh với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau từ giảm hiệu suất làm việc, học tập, giảm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, mất việc, nguy cơ tan vỡ hôn nhân, bị kỳ thị, giảm chất lượng cuộc sống... Nặng nề nhất là người bệnh có thể xuất hiện ý định và hành vi tự sát. Người nhà người bệnh, xã hội và cộng đồng cũng bị ảnh hưởng nặng nề liên quan tới việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh, chi phí điều trị trực tiếp, gián tiếp cho các rối loạn tâm thần ngày càng tăng. Các rối loạn tâm thần có thể gặp ở mọi nhóm tuổi từ khi sinh ra đến khi trở về với thế giới bên kia, đặc biệt là nhóm tuổi trẻ, nhóm tuổi lao động và do vậy cũng làm giảm sản xuất của cải vật chất cho gia đình và xã hội...

Rối loạn tâm thần liên quan đến stress đáng báo động -0
 

Tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, do những nguyên nhân nào, thưa ông?

Thực tế là các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng gần đây được chẩn đoán và điều trị nhiều hơn. Có nhiều yếu tố giải thích về tình trạng này. Một là sự phát triển của chuyên ngành tâm thần được thể hiện qua số lượng nhân viên y tế từ bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý, điều dưỡng làm việc trong lĩnh vực tâm thần ngày càng tăng, nhiều phòng khám chuyên khoa và bệnh viện tâm thần được xây dựng và phát triển. Hai là nhận thức của người dân cũng như các ngành đoàn thể về các vấn đề rối loạn tâm thần cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn, người dân đã chủ động đi khám chuyên khoa tâm thần từ sớm thay vì như trước đây người bệnh với các rối loạn tâm thần không biết là khám ở chuyên khoa nào hoặc người bệnh sợ bị kì thị thường không khám chuyên khoa tâm thần, đến khám khi biểu hiện bệnh thường đã muộn. Ba là vai trò của truyền thông, giáo dục sức khỏe tâm thần hiện nay có rất nhiều biện pháp được áp dụng rộng rãi, từ cung cấp thông tin về tư vấn chăm sóc các rối loạn tâm thần thường gặp trên các trang báo mạng, hoặc các trang mạng xã hội tới các câu lạc bộ về các rối loạn tâm thần được triển khai tại các cơ sở điều trị tâm thần. Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, hiện đang tổ chức và duy trì câu lạc bộ người bệnh sa sút trí tuệ, câu lạc bộ người bệnh tâm thần phân liệt, câu lạc bộ người bệnh tăng động giảm chú ý, câu lạc bộ người bệnh rối loạn lo âu... cho người bệnh và người nhà người bệnh rất hiệu quả.

Ông từng nói rằng, “người bệnh ở Viện Sức khỏe tâm thần hiện nay đã đồng ý đưa hình ảnh cá nhân của mình lên phương tiện thông tin đại chúng, đánh dấu một bước tiến mới về quan niệm bệnh lý bệnh  tâm thần”. Điều này chứng tỏ nhận thức của cộng đồng về bệnh tâm thần đã cao hơn, cởi mở hơn, những định kiến giảm dần đi?

Phải nói nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về các rối loạn tâm thần đang tăng lên. Nếu như trước đây khi nói đến bệnh tâm thần người ta nghĩ luôn đến bệnh tâm thần phân liệt, là kích động, là tự sát cho nên sự kì thị rất lớn, không ai muốn người khác biết được mình có bệnh tâm thần. Ngày nay nhận thức về các rối loạn tâm thần tăng hơn, người dân đã biết có rất nhiều rối loạn tâm thần khác như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu... và họ chủ động đi khám, được tư vấn khám sớm. Người bệnh cũng cởi mở hơn, chia sẻ hình ảnh của mình nhiều hơn. Vai trò của cộng đồng, các ngành đoàn thể rất lớn, người bệnh được khám và điều trị sớm với nhiều phương pháp điều trị từ hóa dược đến liệu pháp tâm lý và các phương pháp kích thích não... Người bệnh ổn định hồi phục có thể  hòa nhập với gia đình và xã hội, rối loạn tâm thần được coi như các bệnh lý nội khoa khác như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, nội tiết..., được xã hội thừa nhận, từ đó sự kỳ thị của xã hội đã giảm rất nhiều.

Vậy các lứa tuổi, đối tượng nào dễ mắc trầm cảm hay rối loạn sức khỏe tâm thần?

Ngày nay với rất nhiều yếu tố nguy cơ như áp lực cuộc sống tăng lên, sự phổ biến của các trò chơi trên mạng internet, của các chất ma túy, nhất là các chất ma túy tổng hợp... thì mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác. Thí dụ, lứa tuổi trẻ em thanh thiếu niên khi nhân cách chưa phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Vì vậy khi học tập đạt kết quả không như mong muốn hoặc bị bạn bè tẩy chay... cũng dễ xuất hiện các rối loạn tâm thần. Nhóm tuổi già với sự lão hóa của nhóm tuổi, sự cô đơn, nhiều bệnh cơ thể... là những yếu tố nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm ở người già, sa sút trí tuệ...

Theo ông, cách thức nào hữu hiệu nhất để phòng chống những rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần?

Hiện nay phần lớn các rối loạn tâm thần vẫn chưa có phương pháp dự phòng cấp, dự phòng đặc hiệu. Chính vì vậy làm giảm các yếu tố nguy cơ gây các rối loạn tâm thần như tập thể dục, thể thao duy trì sức khỏe thể chất, ăn ngủ đúng giờ, giảm các căng thẳng trong công việc, trong cuộc sống, không sử dụng các chất ma túy, các chất kích thích... là những cách tốt nhất để phòng các rối loạn tâm thần. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe tâm thần để người dân khi có dấu hiệu bệnh lý được khám và điều trị sớm, mặt khác một số rối loạn tâm thần do nguyên nhân nội sinh như bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm tái diễn... tuân thủ điều trị và khám lại theo hẹn chuyên khoa là cách tốt nhất phòng ngừa tái phát và tái diễn của bệnh.

Trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp... có đông người lao động, có nên tổ chức và duy trì thường xuyên các biện pháp khám, tư vấn, sàng lọc... về sức khỏe tâm thần không, thưa ông?

Đây là phương pháp rất hay và phải được áp dụng, có thể là áp dụng ngay từ khi bắt đầu nhập học đối với các trường học, hoặc khi tuyển lao động đối với các tổ chức lao động. Phương pháp này giúp phát hiện sớm những học sinh, người lao động có vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ đó can thiệp sớm giúp họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên phương pháp này cũng yêu cầu nguồn lực lớn về đội ngũ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực tâm thần, có sự phối hợp hoạt động của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Mặt khác, ngoài việc thăm khám lâm sàng trực tiếp, hiện nay nhiều trắc nghiệm tâm lý đã được xây dựng và phát triển cho mục đích sàng lọc, chẩn đoán rối loạn tâm thần ở cộng đồng. Thí dụ trắc nghiệm PHQ 2 được dùng cho sàng lọc các rối loạn trầm cảm ở cộng đồng, ở những chuyên khoa không thuộc chuyên khoa tâm thần rất tiện lợi và hiệu quả...

Khi có những dấu hiệu thế nào thì một người bình thường cần đi khám tư vấn sức khỏe tâm thần, thưa ông?

Các triệu chứng của các rối loạn tâm thần rất đa dạng, nhiều rối loạn tâm thần được biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể giống với các bệnh lý tổn thương thực thể làm bệnh nhân khám các chuyên khoa thực thể trước sau đó mới được khám chuyên khoa tâm thần. Đây là nguyên nhân làm cho người bệnh tâm thần chậm trễ được khám đúng chuyên khoa, làm giảm hiệu quả điều trị. Việc được khám và điều trị sớm các rối loạn tâm thần rất quan trọng. Đối với người bình thường, khi có những dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, ngủ ít, ngủ nhiều, buồn chán, dễ mệt mỏi, ăn kém, giảm ham muốn tình dục, hay giận dỗi, cáu gắt vô cớ, giảm hiệu suất làm việc, kém tập trung, hay quên, lo lắng nhiều vấn đề, đau mỏi cơ thể kéo dài,... thì nên đi khám chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị.

Trân trọng cảm ơn TS, BS Nguyễn Doãn Phương!