Phát huy thế mạnh, hướng tới tiêu chí bền vững

Tổ chức Du lịch thế giới khẳng định, du lịch NNNT là phương tiện hội nhập, trao sức mạnh và tạo ra thu nhập cho những cộng đồng nông thôn, cư dân bản địa và những nhóm yếu thế. Vì vậy, chọn phát triển du lịch NNNT sẽ đem lại lợi ích cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch, góp phần phát triển nông thôn mới bền vững trong mối liên kết với khu vực đô thị. Từ góc nhìn của những khách mời có nhiều năm đồng hành và gắn bó với du lịch NNNT, nhiều giải pháp hữu hiệu đã được các chuyên gia đưa ra, để loại hình giàu tiềm năng có thể phát triển thực sự bền vững.

PGS, TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Rất cần sự đồng bộ trong quy hoạch tổng thể
 
 Phát triển du lịch NNNT không phải là hướng đi mới xuất hiện gần đây. Chúng ta đã nhận thấy tiềm năng và thế mạnh khai thác du lịch NNNT của một đất nước nông nghiệp sở hữu nền văn minh lúa nước từ cả chục năm trước. Nhưng khoảng cách từ tiềm năng ban đầu đến khả năng phát triển mạnh mẽ thường khá xa, bởi để có thể đạt ngưỡng mong đợi, du lịch NNNT phải hội đủ những điều kiện nhất định (hạ tầng giao thông, điều kiện lưu trú, nhu cầu trải nghiệm của du khách được đáp ứng một cách chuyên nghiệp, bài bản và đạt chuẩn).

Phát huy thế mạnh, hướng tới tiêu chí bền vững -0

 Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành và liên vùng nên để phát triển cần sự chung tay của hàng loạt bộ ngành (như giao thông vận tải, ngân hàng, tài chính, y tế, văn hóa...), với sự phối hợp nhịp nhàng và được quy hoạch đồng bộ. Hoạt động du lịch vô cùng nhạy cảm, khi ngay lập tức hứng chịu tác động rất nặng nề của mọi biến cố, từ thiên tai đến dịch bệnh. Bởi vậy, việc tính toán tỷ trọng hợp lý của du lịch trong cán cân kinh tế địa phương phải được cân nhắc rất kỹ. Bởi nếu lệ thuộc quá nhiều vào hoạt động kinh doanh du lịch, nếu dồn trứng vào cùng một giỏ sẽ rơi vào thế bị động, trở tay không kịp khi những cú sốc như đại dịch Covid-19 sẽ còn có thể lặp lại trong tương lai.
 
 Tôi có cảm giác hiện nay du lịch NNNT được đề cập tới như một trào lưu mang tính thời thượng. Ngay cả những thành tựu tích cực mà chương trình xây dựng NTM mang lại bộ mặt mới, khang trang cho những xóm thôn làng bản cũng khiến tôi có đôi chút lo lắng, khi bản sắc thôn dã đậm đặc vốn được du khách vô cùng ưa thích có thể phai nhạt vì quá trình bê tông hóa, vì phải bảo đảm đủ những tiêu chí đạt chuẩn đề ra. Mong muốn du lịch NNNT phát triển rộng khắp nhưng cũng phải tính đến sức chứa của điểm đến, cả ở khía cạnh vật lý lẫn tâm lý. Phải biết bao nhiêu là đủ và đến đâu là quá nhiều để không rơi vào tình trạng quá tải dẫn đến mất cân bằng sinh thái, môi trường cũng như cảnh quan, nếp sống của cư dân.
 
 Phát triển du lịch NNNT là ý tưởng tốt, là việc cần làm ngay nhưng mọi quyết sách, bước đi cần cẩn trọng, đúng đắn ngay từ đầu, đừng vừa làm vừa sửa bởi đây là việc rất khó, không hề đơn giản. Để hướng tới tiêu chí bền vững, thiết nghĩ rất cần có quy hoạch ở tầm vĩ mô mang tính đồng bộ. Để bảo đảm sự vào cuộc nhịp nhàng của các bên liên quan, rất cần vai trò điều phối tổng thể của một diễn đàn chung như Ủy ban quốc gia về du lịch hay những ý kiến tham vấn, đóng góp tâm huyết của Hội đồng tư vấn du lịch. Nếu coi đây là việc chung, tất cả cùng xắn tay vào thì sẽ có thể giải quyết từng bước thực trạng phát triển manh mún, tự phát, đơn lẻ và thiếu đồng bộ của du lịch NNNT hiện nay.
 
 Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tập huấn nhằm thay đổi nhận thức cho cả bốn chủ thể trực tiếp tham gia vào lĩnh vực du lịch tiềm năng này bao gồm: các cấp chính quyền tại địa phương - các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ - bà con nông dân sở tại và cả đối tượng khách du lịch cũng cần được đầu tư sâu rộng, bài bản và đạt hiệu quả. Với các dự án nước ngoài hướng tới cái đích thay đổi nhận thức cộng đồng trong hoạt động du lịch mà tôi từng tham gia, chi phí cho khâu tập huấn, truyền thông luôn chiếm phần nhiều. Điều đó cho thấy, nâng cao nhận thức cộng đồng luôn được đánh giá có vai trò cực kỳ quan trọng. 
 
 Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam: Phải gìn giữ môi trường để phát triển bền vững

Phát huy thế mạnh, hướng tới tiêu chí bền vững -0

 Hiện trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của chúng ta luôn rơi vào tình trạng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nếu chỉ trông chờ vào canh tác, sản xuất sản phẩm NNNT đơn thuần, người nông dân khó có thể bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình. Bởi thế, phát triển du lịch NNNT là một giải pháp tăng thu nhập và sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả, giúp cộng đồng cư dân nông thôn có thể sống đủ, thậm chí sống khỏe trên chính mảnh đất của mình.
 
 Sản phẩm du lịch NNNT cụ thể có thể bán được cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên thanh bình tuyệt đẹp, là không gian sống khoáng đạt cùng môi trường không khí trong lành. Cộng thêm cơ hội được tìm hiểu đời sống và văn hóa nông thôn đặc sắc, được thưởng thức sản phẩm an toàn, được ngủ sạch - ăn ngon và mua được nhiều sản phẩm chất lượng, có thương hiệu về làm quà là những thỏi nam châm tỏa ra lực hút khó cưỡng với du khách thành thị, vốn chọn NNNT để trải nghiệm sự khác biệt.
 
 Để phát triển loại hình đầy tiềm năng này, vai trò điều phối, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý là đặc biệt quan trọng. Cần hoạch định chính sách hỗ trợ hiệu quả như: mời chuyên gia tư vấn định hướng, xây dựng mô hình điểm hiệu quả giúp cư dân học hỏi và nhân rộng tại từng thôn xã, cho vay vốn ban đầu, tạo thị trường cùng tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm, đào tạo kiến thức và nghiệp vụ làm du lịch chuyên nghiệp cho bà con. Ở tầm vĩ mô hơn, cần xác định vị trí từng địa điểm tiềm năng, kết nối lộ trình toàn tuyến để tạo thành chuỗi điểm đến và cung ứng sản phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo và hấp dẫn. Với những dự án có quy mô lớn, cần khuyến khích và kêu gọi sự vào cuộc của những nhà đầu tư xứng tầm. Cũng cần thay đổi tư duy cũ, rằng du lịch NNNT đồng nghĩa với giá rẻ, chất lượng tầm tầm và đặt ra mục tiêu ngày càng nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm, hướng tới thu hút phân khúc khách chất lượng cao. Tôi biết ở Bắc Mê - Hà Giang đã có điểm lưu trú đạt tới mức giá hơn 20 triệu đồng cho một đêm nghỉ trong nhà trình tường. Những khu nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp, quy mô khiêm tốn vài chục phòng với mức giá rất cao cũng đã xuất hiện.
 
 Đặc thù của du lịch NNNT là đưa du khách về trải nghiệm tại chỗ, mà yêu cầu của khách (về vệ sinh môi trường, nét đặc sắc của đời sống sinh hoạt bản địa, bản sắc văn hóa riêng có của từng tộc người trong cộng đồng dân cư...) ngày càng cao nên gìn giữ môi trường cảnh quan, thiên nhiên là yếu tố quan trọng sống còn giúp loại hình này phát triển bền vững. Phải cân nhắc kỹ lưỡng về sức chịu đựng cũng như chịu tải của môi trường bằng cách trân trọng gìn giữ môi sinh, giám sát xả thải nghiêm ngặt, phân bố lượng khách hợp lý để tránh quá tải điểm đến... 
 
 TS Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia tư vấn độc lập về du lịch NNNT: Cần xây dựng mô hình làng du lịch NNNT thông minh.

Phát huy thế mạnh, hướng tới tiêu chí bền vững -0

 Trong cuộc hội thảo bàn về “thực trạng và tiềm năng phát triển mô hình du lịch NNNT” do Bộ NN&PTNT tổ chức tháng 11-2020, nhiều vấn đề được đặt ra trong đó có đề xuất nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch NNNT một cách bền vững, lâu dài. Một trong những giải pháp đó chính là cần xây dựng làng du lịch thông minh trong không gian nông thôn, gắn chặt với các sản vật nông nghiệp nổi bật của địa phương. Như chúng ta đã biết, chương trình OCOP rất cần thị trường du lịch để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Chương trình xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí xây dựng “miền quê đáng sống” cũng rất cần phát triển du lịch để tạo động lực và cảm hứng cho cộng đồng cư dân tại chỗ.
 
 Đối với nông nghiệp, khi tiến hành bất cứ một chương trình mới nào cũng cần xây dựng mô hình thí điểm mang tính tiên phong và lan tỏa. Sự gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp trong giai đoạn này là rất thuận lợi vì có chương trình chuyển đổi số quốc gia được ứng dụng rộng rãi với tên gọi là “làng du lịch NNNT thông minh”. Lý do là quá trình nối kết cho sản phẩm du lịch mang tính cộng đồng mạnh mẽ này chỉ có thể thực hiện được bằng việc sử dụng tiến bộ của công nghệ số và truyền thông, để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn được gọi là Hệ thông tin điện tử Quản lý và quảng bá cho cả hai sản phẩm nông nghiệp -
 du lịch.
 
 Mô hình này chính là hệ thống hữu cơ tổng thể kết nối các thành tố bằng công nghệ số, dựa trên hạ tầng xây dựng NTM nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm công tác quản trị để mọi hoạt động vận hành theo các quy trình mang tính hệ thống, logic, khoa học và bảo đảm tính chuẩn chỉ, phù hợp, bền vững, đồng thuận cho công tác quy hoạch. Các quy trình xây dựng mô hình làng du lịch NNNT thông minh nhằm phát triển sản phẩm du lịch NNNT một cách bền vững, lâu dài gồm có: Một là xác định mục tiêu chiến lược lâu dài về phát triển kinh tế du lịch. Hai là xây dựng song song hai hệ thống gồm hạ tầng cứng (hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm, xử lý rác thải...) và hạ tầng mềm (đời sống văn hóa và tinh thần, hương ước nông thôn, thiết chế an ninh trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, an ninh giao thông ...) theo chuẩn NTM. Ba là xây dựng hạ tầng về công nghệ thông tin, trong đó liên tục cập nhật ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ số để làm khung nối kết các thành viên tham gia hệ thống làng thông minh; đạt được sự vận hành nhuần nhuyễn mang tới sự bình đẳng, minh bạch, sức mạnh nội sinh, cởi mở, hấp dẫn của hệ thống. Bốn là phát triển ứng dụng công nghệ thông tin như hệ thống quan trắc, robot nông nghiệp, thiết bị bay Drone giám sát, máy móc thông minh, hệ thống đặt phòng, đặt tour và quản lý khách thông minh...
 
 Đây là một giải pháp rất khả thi do điện thoại di động và mạng thông tin số đã phủ sóng trên toàn quốc một cách rộng rãi. Nhưng thành công chỉ đến nếu được đầu tư bài bản lâu dài, với sự vào cuộc của nhiều bên. Trong đó, cột trụ là chính quyền, đầu kéo là doanh nghiệp, HTX là tổ liên kết, thực hiện là toàn thể cộng đồng cư dân dựa trên yêu cầu hài hòa và minh bạch lợi ích - vốn quyết định tính bền vững, căn cơ lâu dài của sản phẩm du lịch NNNT.