Phát hiện sớm, điều trị ngay

Nằm dài trên hàng ghế dành cho bệnh nhân ở tầng 2, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia trong một buổi sáng của tiết giao mùa giở oi giở lạnh, H. chàng trai 16 tuổi đến từ Đà Nẵng không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Đang là học sinh trung học, H. có những biểu hiện mất ngủ, thiếu tập trung kéo dài. Lúc nào em cũng thấp thỏm một nỗi lo sợ mơ hồ. Tình trạng bất thường không dứt, gia đình đưa em vào Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng kiểm tra. H. được chẩn đoán trầm cảm, điều trị ngoại trú. Sáu tháng sau, trong lần tái khám, mẹ H. đưa con ra Hà Nội gặp các chuyên gia y tế đầu ngành, cho đỡ nỗi canh cánh bất an...

Các y, bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.
Các y, bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Không chừa một ai?

Những trường hợp như H. tiếc thay lại không hề cá biệt tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Trực tiếp có mặt ở Viện vào thời khắc đông đúc nhất trong ngày, lắng nghe câu chuyện của nhiều bệnh nhân mới thấy, những lời đồn thổi mang màu sắc dị đoan mà vô số người ngồi lê đôi mách rỉ tai nhau, đều có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày và được soi chiếu dưới góc độ khoa học. Sau hơn nửa tháng nằm viện, thần sắc của T.T.M.T ở Nam Định đã linh hoạt, tươi tắn hơn rất nhiều. Theo phác đồ bác sĩ đưa ra, cô còn phải nằm điều trị thêm chừng ấy thời gian nữa. Mạch lạc, rành rẽ, T. mường tượng lại những ngày tháng khủng khiếp của mình: Đang là nhân viên chăm sóc em bé và bà mẹ sau sinh, T. chợt có ý định chuyển đổi công việc. Cô muốn học nghề spa và mở một spa nhỏ của riêng mình. T. bảo, mấy ngày đó cô hay lên youtube xem những clip bói toán. Rồi không hiểu sao, tự dưng cô thấy mệt mỏi, lúc nào cũng thấy có tiếng nói bên tai, tay chân không thể kiểm soát được. Cô bị đau lưỡi, đau miệng, phải chịu đựng nhiều điều khó tưởng tượng ra, có lúc không cả tự chủ được bài tiết. Gia đình đành phải nhốt cô vào phòng riêng, khóa cửa, cấm tiệt dùng điện thoại. Lo lắng sốt ruột, người nhà còn đi lễ cầu cứu khắp nơi nhưng các triệu chứng xấu vẫn không ngừng diễn tiến. Cuối cùng, gia đình đưa cô lên Hà Nội, nhập Viện Sức khỏe tâm thần. T. được chẩn đoán trầm cảm loạn thần. Sau ba ngày được thăm khám, uống thuốc, T. bảo cô thấy đỡ hẳn, không còn những ý nghĩ tiêu cực, không thực hiện các hành động kỳ lạ nữa... Ăn được, ngủ được, tâm trạng đã gần trở về giai đoạn chưa phát bệnh, cô đang tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của thầy thuốc để sớm được ra viện, hội nhập với cuộc sống bình thường...

Kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành, có vô cùng nhiều triệu chứng thể hiện các rối loạn tâm thần thường thấy trong cuộc sống. Bệnh nhân tâm thần không còn được mặc định là những người dễ bị kích động, quần áo rách rưới đi lang thang ngoài đường, luôn tìm cách hủy hoại cuộc sống của chính mình hay tạo ra những hành vi nguy hiểm khác cho người chung quanh..., mà trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, các biểu hiện rối loạn do nguyên nhân stress đã là các rối loạn tâm thần thường gặp. Hơn 10 năm sau ngày cắt polip dạ dày (năm 2007), chị L.T.Q ở Hà Nội đã phải bền bỉ uống thuốc điều trị rối loạn trầm cảm. Mất ăn mất ngủ sau khi chữa trị dạ dày, tình trạng của chị L.T.Q căng thẳng đến độ ngất xỉu, gia đình phải gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Từ chuyên khoa thần kinh, chị L.T.Q đã được chuyển sang chuyên khoa tâm thần. “Giờ cũng ổn rồi, ăn ngon ngủ ngon, thậm chí còn không dám ăn nhiều vì sợ béo. Nhưng thuốc vẫn phải dùng hằng ngày, liều lượng ít đi vì thể trạng đã ổn định”, chị L.T.Q lạc quan... Cũng phát hiện trầm cảm, đi khám lần đầu khi chồng mắc bệnh trọng, chị N.T.Q (sinh năm 1974) đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của mình: không ăn không ngủ, bất an nóng ruột, cáu gắt, người ngợm lúc nào cũng bừng bừng, không thích tiếp xúc với người chung quanh, luôn muốn ở một mình, muốn có khoảng riêng không ai xâm phạm đến. Bệnh của chị Q. trở nặng khi chồng mất, và Q. lại tiếp tục chu kỳ trị liệu trong sự chăm sóc về chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa...

Thăm khám y tế phải là lựa chọn hàng đầu

Theo các bác sĩ trong ngành tâm thần học, con người có nhiều trạng thái cảm xúc khi nghe những tin buồn, tin “sét đánh”, những cú sốc trong cuộc sống. Khi bất chợt đón nhận một nỗi buồn đau thống khổ, có người nằm lăn ra đất bất tỉnh, mặt tái xanh không còn hột máu; có người đi đi lại lại khóc lóc kể lể; có người vẫn bình tĩnh lo liệu công việc như không có gì xảy ra. Khoa học đã chỉ ra, con người thời điểm đối diện với bất hạnh, các chất dẫn truyền thần kinh trung gian trong não, các chất sinh hóa não thay đổi đã gây ra các triệu chứng như vậy. Người ngất xỉu mặt cắt không còn giọt máu là do chất serotonin trong máu giảm; người đi đi lại lại khóc lóc kể lể nồng độ dopamine tăng lên; còn người giữ được bình tĩnh tức là cơ thể vẫn bình thường. Các triệu chứng bất thường đều do các chất dẫn truyền thần kinh trung gian trong não gây ra, triệu chứng kéo dài 15 phút, nửa tiếng, một tiếng, một ngày, một tuần, hai tuần... là bình thường, nhưng dài hơn nữa thì có thể là bệnh lý, phải thăm khám điều trị... Nồng độ cơ chế sinh hóa của não khiến bệnh nhân phải dùng thuốc lâu, thậm chí dùng thuốc suốt đời...

Các rối loạn tâm thần gia tăng cũng một phần nguyên nhân từ việc sử dụng chất gây nghiện bừa bãi, chơi game kéo dài, áp lực học tập, công ăn việc làm, những bất ổn trong đời sống riêng như mất việc, li dị, gặp các tai ương hoạn nạn hay diễn tiến cuộc đời không như ý muốn..., người sống một mình cô độc, người sau các phẫu thuật lớn, phụ nữ sau sinh, phụ nữ tiền mãn kinh... Muôn vàn các mối lo bủa vây đè nặng lên mỗi ngày thường của từng cá nhân. Nhiều câu chuyện thương tâm đã xảy ra mà căn nguyên từ những trường hợp trầm cảm, loạn thần, rối loạn tâm thần không được phát hiện kịp thời...

Một báo cáo khoa học của Viện Sức khỏe tâm thần từng đưa ra con số giật mình: Có khoảng 30% người Việt Nam có triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó 25% có triệu chứng trầm cảm. Mỗi năm có chừng 36.000  tới 40.000 ca tự sát. Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo, trầm cảm là căn bệnh phổ biến và là gánh nặng đứng thứ hai toàn thế giới. Là một bệnh lý phức tạp, tác động sâu sắc tới sự phát triển bền vững của toàn xã hội nhưng bệnh lý rối loạn tâm thần, trầm cảm lại chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù nhận thức của xã hội đã thay đổi nhiều. Áp lực dành cho đội ngũ y, bác sĩ tâm thần học rất lớn khi cả nước mới có chừng 1.000 bác sĩ chuyên khoa trong khi bệnh nhân nhập viện điều trị cả nội trú và ngoại trú liên tục tăng. Phát hiện sớm bệnh tình để có phác đồ điều trị thích hợp, tránh bệnh trở thành mãn tính cũng là mối lo của các thầy thuốc. Coi trầm cảm, rối loạn tâm thần là một bệnh lý thông thường để thăm khám nếu có các triệu chứng bất thường, điều trị và tuân thủ chỉ định của thầy thuốc nếu phát hiện bệnh, là giải pháp hữu hiệu hàng đầu ngăn ngừa mối nguy bệnh tật có thể đe dọa bất kỳ ai...