Những con đường dân tình nguyện hiến đất

Các con đường nhỏ hẹp ở làng quê sẽ vẫn mãi như vậy nếu không có những người dân tình nguyện hiến đất, góp tiền. Thời buổi tấc đất tấc vàng, nhưng ở nhiều thôn quê trong cả nước, người dân sẵn sàng hiến hàng trăm, hàng nghìn mét đất để làm đường, điều đó đã tạo nên những kỳ tích trong phát triển GTNT...

Người dân nhiều nơi ở thôn quê tự nguyện đập phá bờ rào để hiến đất làm đường.
Người dân nhiều nơi ở thôn quê tự nguyện đập phá bờ rào để hiến đất làm đường.

Hành trình vận động gian nan

Cách đây chưa lâu, con đường vào thôn Mộc, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Đường chỉ rộng 2,7 m, nếu một chiếc ô-tô đi vào, các xe máy phải lùi lại... Chỉ một cơn mưa nhỏ, đường đã ngập ứ nước và rác.

Ông Phùng Văn Hải (sinh năm 1965) vẫn nhớ như in ngày cưới con gái, mùi nước thải đọng tại rãnh hai bên đường bốc lên khiến quan khách phải bịt mũi, nhăn mặt. "Chẳng lẽ cứ chấp nhận đi trên con đường nhỏ hẹp bẩn thỉu này mãi?", ông Hải tự hỏi. Và ông đã có câu trả lời vào cuối năm 2018, khi một người hàng xóm tình cờ nói: "Bác đứng ra vận động dân hiến đất mở đường, may ra làm được đoạn đường này".

Ngay sau đó, ông Hải quyết tâm đến từng ngõ, gõ từng nhà để vận động hiến đất. Nhưng để dân hiến đất chẳng phải dễ khi thôn có 60 hộ thì 30 hộ bị ảnh hưởng nếu mở rộng đường. Từ khi trở thành một huyện của Hà Nội và có lộ trình lên quận trong thời gian sắp tới, giá đất Hoài Đức tăng rất nhanh. Nếu như mỗi hộ ở thôn Mộc hiến nửa mét đất thì họ đã mất đi cỡ vài chục triệu đồng. Chưa kể có gia đình họ xây cổng rất đẹp, tốn kém, có những gia đình nếu mở đường sẽ vướng vào bể nước, hoặc sẽ phải phá tường, ảnh hưởng đến việc kinh doanh...

Ông Hải cứ thế kiên nhẫn đến từng nhà thuyết phục. Có gia đình ông đi tới bốn lần, nhờ cả chính quyền địa phương đồng hành. Ông kể: "Chúng tôi cam kết đập đến đâu chúng tôi xây trả như vậy. Chúng tôi sẽ làm cổng chào, xây lại bể nước, xây tường cho họ... chỉ mong có được cái gật đầu của người dân để làm đường".

Thế rồi, "nước chảy đá mòn", hơn một tháng kiên trì vận động, ông Hải đã có sự đồng tình của tất cả các hộ dân. Ban vận động làm đường gồm ông Hải là người đứng đầu, chỉ huy; một người làm thủ quỹ và hai người khác thay nhau ghi ngày công cho thợ, trông coi công trình.

Cuối năm 2018, bắt đầu tiến hành giải phóng mặt bằng. Đó lại tiếp tục là một hành trình gian nan khi họ phải lo tiền thuê máy xúc, máy cẩu, nhân công phá tường, phá hàng rào. Sau đó, đội lại thuê người, mua vật liệu xây trả lại tường, cổng, hàng rào cho người dân. Ban đầu, chỉ vận động dân hiến 32 cm đất, nhưng trong quá trình làm, để bảo đảm con đường thẳng đẹp, một số hộ dân đã tình nguyện hiến nhiều hơn. Ông Phùng Văn Hải hiến nhiều đất nhất với 8,5 m2 (ông Hải mua năm 2010 với giá 25 triệu/m2). Không những góp của, ông Hải còn bỏ công, khi suốt hai tháng tạm gác việc mưu sinh để đi theo giám sát công trình. Thế rồi, đến đúng ngày 25 Tết âm lịch, con đường hoàn thành khiến tất cả ngỡ ngàng. Rộng 4 m, làn đường bê-tông sạch sẽ, kiên cố chạy dài làm sáng bừng cả thôn Mộc.

Giờ đây, nhìn con đường bê-tông rộng rãi chạy qua nhà, ông Hải lại nhớ những ngày vận động dân hiến đất mở đường và vẫn cảm thấy xúc động: "Chúng tôi không có mục đích gì lớn lao, chỉ mong góp phần nhỏ thay đổi GTNT và làm điều gì đó cho thế hệ con cháu".

Những con đường dân tình nguyện hiến đất -0

Ông Phùng Văn Hải và con đường mới mở rộng của thôn Mộc.

Nhà nhà hiến đất làm đường

Nhờ những người hiến đất làm đường như ông Phùng Văn Hải, GTNT đã vượt thoát khỏi "nút thắt cổ chai" về giải phóng mặt bằng để có những bước phát triển đột phá.

Nam Định là một trong những địa phương điển hình có tốc độ phát triển GTNT nhanh nhất cả nước. Thành công đó có sự đóng góp lớn của những người dân hiến đất làm đường. Chỉ trong 10 năm, địa phương này đã xây dựng được hàng nghìn km đường nông thôn nhưng bước "khởi động" rất nhọc nhằn. Ông Trần Văn Công - Giám đốc Sở GTVT Nam Định cho hay: "Khi mới bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới trong đó có tiêu chí GTNT, Nam Định gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó hệ thống GTNT chưa đạt kích thước tiêu chuẩn nền đường, mặt đường xuống cấp. Các hộ dân sinh sống tập trung dọc các tuyến đường nên việc cải tạo mở rộng rất khó. Nhưng thông qua dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp để tạo ra quỹ đất phát triển GTNT, địa phương đã vận động các hộ gia đình, cá nhân tình nguyện hiến 2.897 ha đất nông nghiệp, gần 210 ha đất thổ cư. Nhờ thế, GTNT ở Nam Định đã có bước đột phá".

Con đường của xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định trước đây rất nhỏ hẹp, đến nỗi xe trâu đi còn không thể tránh nhau. Xã có chủ trương mở rộng đường rộng lên 7,5 m, dài 1 km, muốn vậy cần hơn 100 hộ dân hiến đất. Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến có ao sát đường, hai vợ chồng già hằng ngày thêm con tôm, con cá để cải thiện thu nhập. Thế nhưng, từ khi có chủ trương mở rộng con đường liên thôn trước cửa nhà, ông bà đã sẵn sàng bỏ hơn 30 triệu đồng để san lấp ao và hiến 32 m2 đất để cùng bà con làm đường. Sau đó, nhiều người dân ở xã Nghĩa Thắng cũng đã tình nguyện hiến đất mở đường như vợ chồng ông Chiến. Nhờ thế xã Nghĩa Thắng đã sớm đạt mức chuẩn quốc gia về tiêu chí giao thông với 100% đường giao thông trục liên xã, trục xóm được cứng hóa, 14/16 km đường trục chính nội đồng xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Tuyến đường dài hơn 200 m từ quốc lộ 24B đến cầu Bà Ban, thôn Đông, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi từ lâu đã đầy ổ gà, ổ voi và trở nên lầy lội nếu có một cơn mưa nhỏ. Xã muốn làm đường nhưng vấp phải câu hỏi muôn thuở: Tiền đâu?

Đúng lúc ấy, lão nông Lê Nhỏ đã tình nguyện ủng hộ 160 triệu đồng. Thoạt nghe cứ ngỡ ông Nhỏ là đại gia, nhưng chẳng phải, lão nông này cũng chẳng dư dả gì. Trải qua tuổi thơ cơ cực, phải vất vả lao động qua nhiều nghề từ làm nông, buôn bán lặt vặt đến làm thợ hồ, ông Nhỏ mới đủ nuôi bốn con khôn lớn. Giờ đây, các con lập gia đình, cuộc sống mới đỡ vất vả, nhưng dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn lao động mưu sinh. Lão nông này một đời tâm niệm, luôn làm những việc có lợi cho bà con, xóm làng. Chính vì vậy, khi nghe chủ trương làm đường giao thông, ông Lê Nhỏ liền bàn bạc với vợ con sẽ đóng góp 160 triệu đồng từ số tiền dành dụm dưỡng già để làm con đường thật chắc chắn. Số tiền đóng góp của ông đã khiến bà con thôn Đông xúc động và họ đã cùng chung tay, góp sức. Cuối tháng 5-2020, tuyến đường dài hơn 200 m từ quốc lộ 24B đến cầu Bà Ban đã hoàn thành. Toàn bộ mặt đường được đổ bê-tông, cầu Bà Ban cũng được làm lại kiên cố. Đi trên con đường mới, lão nông Lê Nhỏ tràn ngập hạnh phúc. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn làm lụng, dành dụm tiền để "lại góp tiền xây đường".

Trong 10 năm thực hiện chương trình phát triển GTNT, sự đóng góp của những người dân như ông Lê Nhỏ đã trở thành một nguồn lực lớn. Trong 366 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD) kinh phí để phát triển GTNT thì có tới hơn 29 nghìn tỷ đồng được người dân quyên góp ủng hộ. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ: "Nhiều điển hình tiên tiến tại các địa phương như ở tỉnh Đồng Tháp có hai người đã vận động nhân dân đóng tiền xây cầu tổng trị giá 20 tỷ đồng, hay như ở Hưng Yên có hai cá nhân ủng hộ 5,5 tỷ đồng xây đường, ở Tuyên Quang cũng vận động các gia đình trong thôn hiến đất xây đường... Có thể thấy, việc huy động các nguồn lực và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành vận động nhân dân các địa phương đều đã thực hiện tốt nhưng còn cần triển khai tốt hơn nữa".

Ngoài ra, số đất mà người dân trong cả nước đã hiến để làm đường nếu quy ra tiền thì đó hẳn là con số khổng lồ. Điều đáng nói là việc hiến đất làm đường chẳng phải chuyện của một số người dân riêng lẻ mà đã lan tỏa thành phong trào rộng khắp. Năm 2017, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều dự án phát triển GTNT như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường liên huyện nối xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ đến xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Trới - Lê Lợi đoạn Đồng Tâm đến ngã tư Bưu điện văn hóa xã Lê Lợi...

Tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án trên là 22.500 m2 với 263 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình triển khai thực hiện, để có được những con đường bảo đảm đúng quy cách, kích thước theo quy định thì không ít cá nhân, hộ gia đình đã tự giác cống hiến đất đai, chặt bỏ cây cối có giá trị lên đến hàng triệu đồng. Việc hiến đất không chỉ giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình công cộng mà còn thể hiện ý thức tham gia của nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực về việc chấp hành pháp luật đất đai, giải phóng mặt bằng trong nhân dân.

Thật khó thống kê chính xác trong 10 năm thực hiện chương trình phát triển GTNT, có bao nhiêu người dân đã hiến đất làm đường, nhưng chắc chắn nếu không có sự tình nguyện ấy, những con đường ở nông thôn sẽ ngắn hơn, sẽ hẹp hơn rất nhiều. Và tinh thần ấy sẽ trở thành động lực để tiếp tục lan tỏa phong trào trong thời gian tới.