Trang trại du lịch đồng quê Ba Vì

Mô hình gợi mở đầy tâm huyết

Cách đây 13 năm, “hình thành vùng du lịch nông nghiệp chuẩn mực đầu tiên cho quốc gia, dựa trên nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn và các làng nghề sinh thái cảnh quan nông nghiệp tuyệt đẹp cùng với các cộng đồng dân cư sở hữu nghề truyền thống, các trang trại và cơ sở chế biến thực phẩm đa dạng phong phú” là ý tưởng đầy tâm huyết mà TS Ngô Kiều Oanh - một nhà khoa học nặng lòng với NNNT nói chung, loại hình du lịch NNNT nói riêng ấp ủ. Và Trang trại du lịch đồng quê Ba Vì đã hiện thực hóa ý tưởng đó, như một mô hình gợi mở mang tính khoa học mà bà muốn gửi gắm cho cộng đồng. Để góp viên gạch ban đầu tạo tiền đề cho du lịch NNNT phát triển.
 

Học sinh làm quen với công việc hái chè tại Nông trại đồng quê Ba Vì.
Học sinh làm quen với công việc hái chè tại Nông trại đồng quê Ba Vì.

Nơi trải nghiệm một nông thôn đích thực
 
 Để xây dựng mô hình điểm phát triển du lịch đồng quê trên cơ sở các sản phẩm nông nghiệp, TS Ngô Kiều Oanh đã chọn vùng phụ cận chân núi Ba Vì, nơi hiện hữu bốn làng nghề nông nghiệp truyền thống với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp để đặt nền móng ban đầu cho trang trại. Tọa lạc trên một khu đồi nhỏ với diện tích gần 20.000m2, bao quanh là địa hình thiên nhiên nông nghiệp tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước thuộc châu thổ sông Hồng, du khách có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa hình dạng bậc thang thấp, phía sau là sắc xanh ngút ngàn của cánh rừng nguyên sinh thuộc dãy núi Ba Vì với ba đỉnh cao hơn 1.100 mét. Cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ nguyên vẹn, với khu rừng trúc cùng nhiều cây đại thụ nhiệt đới có tuổi đời vài ba trăm năm. Những loài cây thân thuộc như thị, xoài, muỗm, bồ kết, mít tỏa bóng mát bên những loài hoa quê kiểng như mười giờ, thủy tiên cùng những rặng dâm bụt, tường vi mềm mại.
 
 Đến với không gian đồng quê yên bình, trong trẻo này, khách được nghỉ ngơi trong nhà gỗ cổ, nhà sàn và cả khu nhà xây mới hiện đại với trang thiết bị đạt chuẩn; được thưởng thức những bữa ăn tươi lành, chất lượng từ các sản vật an toàn vùng quê tùy theo mùa. Đến với trang trại, du khách cũng được thụ hưởng và trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch nông nghiệp đúng nghĩa. Rời phố thị đông đúc, ô nhiễm khói bụi cùng tiếng ồn, những cư dân đô thị lần đầu được tản bộ qua cánh đồng lúa hay đạp xe dã ngoại trên đường làng. Được trực tiếp cấy lúa - tát gầu dây - xay lúa giã gạo. Được học tráng bánh cuốn - úp nơm bắt cá - trồng hái rau và thưởng thức luôn những sản phẩm do mình vừa làm ra, vừa thu hoạch. Được tham gia những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co hay lạc vào phiên chợ quê mộc mạc nhưng ấm áp tình người. Và cuối cùng, được mua những sản vật đặc trưng, chất lượng sản xuất ngay tại chỗ về làm quà.

Mô hình gợi mở đầy tâm huyết -0
 Du khách nhí vô cùng thích thú khi lần đầu được dùng nơm úp cá mương. 

 Không chỉ có vậy, khách đến đây còn có cơ hội lựa chọn một trong sáu chương trình du lịch vệ tinh từ hạt nhân trung tâm - trang trại cho một ngày khám phá. Họ có thể khám phá Làng cổ Đường Lâm cách đó 14 km, với chùa Mía cùng ngôi đình Mông Phụ nổi tiếng và những ngõ cổ nhà cổ sở hữu tường đá ong. Tới Làng chè Ba Trại với chín ngôi làng truyền thống có diện tích gần 500 ha, thăm Vườn quốc gia Ba Vì hay khám phá Làng thảo dược người Dao; thăm quan các trang trại liên kết (nông trại nuôi bò sữa, đà điểu, ong mật và Trung tâm nghiên cứu dê - cừu - thỏ) hoặc chèo thuyền thúng hít căng lồng ngực hương sen giữa Đầm sen vườn Vua Hùng cũng là những sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách. 
 
 Xây dựng mô hình mang tính tiên phong và lan tỏa
 
 Từ năm 2008, TS Ngô Kiều Oanh đã chính thức khởi động ý tưởng khoa học nhằm xây dựng vùng sản xuất và cung cấp thực phẩm tập trung đa dạng gốc thiên nhiên tươi sạch, an toàn tại năm huyện vùng đệm bao quanh chân núi Ba Vì (gồm các huyện Ba Vì - Phúc Thọ - Thạch Thất - Đan Phượng và thị xã Sơn Tây). Sau bao năm tận tụy với vai trò cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vào thời điểm cầm sổ hưu, bà mới thực sự có thời gian để biến đam mê một đời theo đuổi thành hiện thực.
 
 Ngày đó, khi du lịch NNNT vẫn còn là một khái niệm lạ lẫm ở nước ta, bà đã khẳng định, mô hình này sẽ là một lối thoát cho chính sách tam nông, sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả bảo đảm lợi ích kinh tế cho các nông hộ và thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại. Từ góc nhìn của nhà khoa học, bà nhận thấy trên nền các sản xuất cá thể cần phải áp dụng một mô hình quản lý và tổ chức mới về tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiếp thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từng nông hộ phải được nhận lợi ích đích thực từ chính sản phẩm họ làm ra, mỗi nông dân phải trở thành một người lính được tổ chức và trang bị kiến thức để hoạt động trên thương trường một cách hiệu quả.
 
 Nhận thấy cái bắt tay giữa nông nghiệp và du lịch là rất cần thiết, bà bắt đầu tìm tài liệu nghiên cứu, để học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đã có nhiều thập kỷ phát triển từ điểm xuất phát ban đầu tương tự chúng ta. Cho dù quy mô khiêm tốn nhưng bà xác định từ đầu là trang trại phải đạt chuẩn - phù hợp đặc thù Việt Nam nhưng phải theo khung quốc tế. Phát hiện bốn làng nghề truyền thống trong phạm vi bán kính 20 km chung quanh (thuận tiện cho di chuyển, dễ kiểm soát và bảo đảm an toàn cho du khách), bà quyết định xây dựng những tour liên vùng, nơi Trang trại đồng quê Ba Vì hoạt động như một trung tâm điều hành, một đơn vị nối kết tuyến điểm. Không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc (có sự giao thoa giữa Kinh -
 
 Mường -Dao) cùng không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống, trang trại còn là chất keo gắn kết với các cộng đồng thuộc các làng nghề nông nghiệp truyền thống chung quanh và xây dựng các quan hệ liên kết trong - ngoài vùng thông qua thị trường du khách để tìm kiếm và gia tăng giá trị đầu ra cho nông sản đặc hữu. Mô hình của TS Ngô Kiều Oanh đã hội đủ ba tính chất mà du lịch NNNT đòi hỏi, đó là: Cộng đồng - bình đẳng và bền vững.
 
 Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu là du khách nội địa muốn thụ hưởng cái hay cái đẹp của NNNT, du lịch giáo dục - du lịch học đường cũng là cái đích mà bà hướng tới. Hiện, trang trại của bà đã trở thành điểm đến ưa thích của hầu hết các trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội, nơi những đứa trẻ được trải nghiệm, học hỏi kiến thức mới mẻ bổ ích từ mỗi chuyến du ngoạn.
 
 Đòi hỏi mỗi điểm đến trong hành trình phải dung chứa trong mình những câu chuyện sinh động, đội ngũ phục vụ hoạt động du lịch của trang trại đều là người Mường. Bởi chỉ có những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, đã trải nghiệm và gắn bó với hoạt động nông nghiệp từ bé mới trở thành một kho kiến thức về đề tài này. Những hướng dẫn viên này mới có thể chuyển tải cái hay, cái đẹp và cái đặc sắc của đời sống nông thôn và văn hóa bản địa để dẫn dắt và mang lại những gì du khách thực sự mong đợi. Để xây dựng được quy trình đào tạo thích hợp cho đội ngũ này, bà mời một chuyên gia nước ngoài về trang trại vài tháng, nghiên cứu kỹ lưỡng và viết ra một bộ giáo trình riêng để bảo đảm có được một đội ngũ nhân sự bài bản và chuyên nghiệp.
 
 Không chỉ xây dựng sơ đồ tour nông trại rất chi tiết, dễ hiểu (từ khoảng cách, phương thức di chuyển đến các hoạt động trải nghiệm cụ thể) để du khách dễ dàng nắm bắt và lựa chọn trong quá trình lưu trú tại trang trại, TS Ngô Kiều Oanh cùng các cộng sự còn bỏ bao công sức suốt hai năm trời đi thực địa, nghiên cứu, tìm hiểu để cho ra đời một bản đồ “Tuyến du lịch nông nghiệp vùng Xứ Đoài Hà Nội”. Nhìn vào những tuyến điểm du lịch NNNT được thiết lập một cách khoa học, logic trong mối liên kết vùng chặt chẽ, du khách trong và ngoài nước sẽ có được một tư duy rành mạch, khúc triết về lộ trình khám phá Xứ Đoài mà trang trại của bà là một mắt xích quan trọng. Bà tâm sự, “kỳ công lắm, vất vả lắm để có được tấm bản đồ bé nhỏ này nhưng chúng tôi vẫn cố hết sức thực hiện, với mong muốn từng địa phương, từng vùng liên kết và cả nước đều sẽ sở hữu những tuyến du lịch nông nghiệp được quy hoạch khoa học, bài bản như thế này”.
 
 Từ mô hình gợi mở này, khái niệm du lịch NNNT đã dần thành hình và quen thuộc với cộng đồng. Nhiều đại diện đơn vị lữ hành chia sẻ, “đến trang trại mới hiểu thế nào là du lịch nông thôn”. Đã bước sang tuổi 71 nhưng nhà khoa học tâm huyết này vẫn chưa có một ngày nghỉ ngơi. Bà luôn nỗ lực lan tỏa niềm đam mê, chuyển tải những kiến thức quý giá thu lượm được bất cứ lúc nào và ở đâu. Câu nói cửa miệng của bà là: “Muốn làm du lịch NNNT hiệu quả thì phải hiểu, phải yêu nó”. Và bằng mô hình mà bà chăm chút xây dựng suốt 13 năm qua, lộ trình phát triển du lịch NNNT đang từng bước được kéo gần lại.