TP Hồ Chí Minh:

Làn gió mới từ mô hình trường tiên tiến, hội nhập

TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế từ năm học 2016-2017. Đến nay, sau bốn năm triển khai, mô hình đã có sức lan tỏa mạnh, tạo ra làn gió mới trong dạy học theo định hướng đổi mới và sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) hào hứng với phần mềm hướng nghiệp qua máy tính.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) hào hứng với phần mềm hướng nghiệp qua máy tính.

Phát huy vai trò tự chủ của các đơn vị

Tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế mà UBND thành phố đã ban hành quy định cụ thể cho từng bậc học, trong đó chú trọng mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh. Cụ thể, ở bậc mầm non có những tiêu chí như: trường học được đánh giá đạt cấp độ hai về kiểm định chất lượng giáo dục, có các dịch vụ cung ứng như hoạt động làm quen ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, thể dục, bơi, đá bóng, võ thuật, tâm lý... Trong khi đó, ở bậc tiểu học, mỗi lớp không được quá 30 học sinh, trường học được tổ chức học hai buổi/ngày, đạt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục. Riêng đối với bậc THCS, mỗi lớp học không quá 30 học sinh, 100% học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên, hơn 90% học sinh sử dụng được tiếng Anh trình độ A2 theo khung năng lực ngoại ngữ quốc gia... Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình nhận xét: “Đây là mô hình hay, thiết thực, ngoài điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên phải đáp ứng theo chuẩn thì với mô hình tiên tiến các trường sẽ dạy theo phương pháp giáo dục hiện đại, tăng cường thực hành, giảm lý thuyết, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”. Theo đó, ngoài mức thu học phí theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục công lập, trường tổ chức theo mô hình tiên tiến sẽ thu thêm khoản phí không quá 1.500.000 đồng/tháng theo quy định của Sở GD-ĐT TP để tổ chức các hoạt động học tiếng Anh, kỹ năng sống, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại...

Ở bậc mầm non, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè) cho biết, sĩ số các lớp học dao động từ 20 - 22 học sinh/lớp. Trẻ được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học thể thao 10 môn phối hợp theo chương trình nước ngoài, tăng cường các giờ học năng khiếu và hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện kỹ năng sống cho học sinh. Bậc tiểu học cũng có những thay đổi tích cực khi thực hiện theo mô hình tiên tiến. Ngoài việc cơ sở vật chất được hiện đại hóa như gắn thêm bảng biểu cường lực, màn hình thông minh đa điểm chạm, lớp học được trang bị thêm sàn gỗ, tủ đựng đồ cá nhân cho học sinh, kệ truyện tranh, học sinh còn được tăng cường các giờ học tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài, học tin học theo chuẩn quốc tế, các hoạt động năng khiếu, phát triển kỹ năng sống, toán tư duy lego... Các trường có xu hướng tăng cường thêm mô hình câu lạc bộ năng khiếu, tổ chức các buổi học trải nghiệm, ngoài việc được tham quan, tìm hiểu cách bài trí thực phẩm và trực tiếp mua sắm tại siêu thị, học sinh sẽ được hướng dẫn cách chế biến một món ăn hoàn chỉnh. Chương trình học còn thiết kế dạy một số kỹ năng khác như cắm hoa trang trí bàn ăn, thiết kế và làm thiệp gửi tặng mẹ và cô giáo. Thông qua hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ được rèn kỹ năng tính toán, lựa chọn thực phẩm an toàn, ngoài ra còn tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, biết giúp đỡ, hỗ trợ bạn khi gặp khó khăn...

Bậc THCS có nhiều đơn vị trường học triển khai thành công mô hình này, như Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8). Điều dễ nhận thấy nhất đối với học sinh ở đây là sự năng động, tự tin qua các giờ học năng khiếu như mỹ thuật, tin học, thể dục thể thao. Sự ra đời của lớp học STEM với nhiều hoạt động tương tác, hoạt cảnh, trò chơi và sáng tạo trên internet đã giúp học sinh phát triển hàng loạt kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, suy luận, phát huy được sự sáng tạo, tư duy logic. Riêng ở bậc THPT, năm học 2019-2020, toàn thành phố có bốn trường triển khai mô hình tiên tiến hội nhập gồm THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền, THPT Nguyễn Du và Trường Trung học thực hành Sài Gòn.

Tại Trường THPT Nguyễn Du, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã và đang phối hợp với Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh xây dựng chuyên đề Giáo dục văn hóa vào chương trình giảng dạy. Ngoài các mục tiêu bổ sung kiến thức, chuyên đề còn nhằm xây dựng cho học sinh các kỹ năng tự học và quản lý bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác. Ngoài ra, trường cũng vừa hợp tác với một đơn vị tư nhân tổ chức các tiết học giáo dục hướng nghiệp cho học sinh với sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm hướng nghiệp. “Trước đây, chúng tôi tổ chức nhiều hình thức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh như tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm ở sân trường, mời chuyên gia về trường tư vấn cho từng khối lớp, tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm điều kiện làm việc thực tế tại một số doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước... Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm đổi mới hoạt động hướng nghiệp”, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết. Theo đó, mỗi học sinh được cung cấp một tài khoản cá nhân và chủ động đăng nhập. Khi sử dụng phần mềm, học sinh sẽ trả lời hơn 100 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 40-50 phút về sở thích, tính cách, mục tiêu cá nhân để từ đó phần mềm đưa ra gợi ý 5-10 nghề nghiệp phù hợp ở nhiều lĩnh vực, liệt kê chi tiết về mức lương, điều kiện làm việc, nhu cầu thị trường, yêu cầu bằng cấp để học sinh so sánh, tham khảo.

Theo Ths Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 vào năm học 2020-2021. Theo kế hoạch, chương trình sẽ chính thức áp dụng ở bậc THPT, cụ thể là lớp 10 từ năm học 2022-2023. Trong đó, ngoài các môn học thuộc chương trình giáo dục bắt buộc, chương trình còn có thêm các nội dung giáo dục địa phương và chuyên đề tự chọn. Điều này đặt ra thử thách mới đối với việc xây dựng chương trình giảng dạy ở các trường THPT. Ngoài ra, theo bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, mô hình trường tiên tiến chính là một trong những hình thức phát triển tối ưu nguồn lực sẵn có của các trường công lập, kết hợp thêm sự đóng góp của phụ huynh, tạo ra môi trường học tập mới, hiện đại, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các chuẩn kỹ năng và kiến thức tiên tiến, hiện đại.

Trường học nỗ lực chuyển mình

Không thể phủ nhận những ưu điểm mà mô hình trường học tiên tiến theo tiêu chí hội nhập khu vực và quốc tế mang lại, tuy nhiên điều khiến các phòng GD-ĐT quận, huyện hiện nay còn băn khoăn là áp lực về gia tăng dân số. “Để triển khai Trường tiểu học Nguyễn Thái Học theo mô hình tiên tiến, chúng tôi phải cùng lúc chuẩn bị cơ sở vật chất cho hai trường tiểu học khác trên cùng địa bàn tiếp nhận những học sinh trước đây theo phân tuyến học ở Nguyễn Thái Học, nhưng giờ gia đình không có nguyện vọng hoặc không đủ điều kiện cho con theo học trường tiên tiến vẫn có chỗ học ở một trường khác”, đại diện Phòng GD-ĐT quận 1 cho biết. Tương tự, tại quận 3, ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, mặc dù trường nằm trong danh sách 24 đơn vị giáo dục triển khai mô hình tiên tiến do UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ đầu năm học 2016-2017, nhưng đến nay vẫn chưa chính thức áp dụng mô hình này vì gặp khó khăn về sĩ số. Thực tế giảng dạy cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều phương pháp đổi mới dạy và học, là một trong số ít trường THCS ở TP Hồ Chí Minh có phòng học STEM đạt chuẩn hiện đại, học sinh được trang bị kỹ năng mềm, tăng cường giờ học ngoại khóa, nhưng vì chưa đáp ứng được quy định về sĩ số không quá 30 học sinh/lớp nên trường chưa triển khai mô hình tiên tiến. Rõ ràng việc cùng lúc đáp ứng cả hai tiêu chí “tinh về chất, gọn về lượng” vẫn là yêu cầu khó đặt ra cho các đơn vị.

Làn gió mới từ mô hình trường tiên tiến, hội nhập ảnh 1

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) tham gia hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm đầu bếp”. Ảnh trong bài | THU TÂM

Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2019 - 2020 do UBND thành phố ban hành nhấn mạnh, thành phố khuyến khích mỗi quận, huyện xây dựng từ một đến ba trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi bậc học và cấp học. Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố nhấn mạnh, hằng năm, sĩ số học sinh ở TP Hồ Chí Minh tăng lên rất cao, mục tiêu của thành phố là bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả học sinh. Do đó, để đáp ứng đủ nhu cầu trường lớp, nhiều nơi phải chấp nhận sĩ số học sinh/lớp cao, tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày - đặc biệt ở bậc tiểu học khó tăng theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong điều kiện đó, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT thành phố cho biết, trường học cần phát huy tối đa vai trò tự chủ trong chỉ đạo chuyên môn, phát huy tính tích cực, chủ động của tổ chuyên môn trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.