Kinh doanh mùa dịch

Như một hội chứng domino, virus SARS-CoV-2 làm cho nhiều ngành kinh doanh xiêu vẹo và có nguy cơ sụp đổ. Theo các chuyên gia kinh tế, hai vấn đề nan giải nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay là thị trường bị gián đoạn và đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc...

Khách sạn phố cổ Hà Nội đóng cửa vì dịch bệnh.
Khách sạn phố cổ Hà Nội đóng cửa vì dịch bệnh.

Doanh nghiệp lao đao vì dịch

Chị Hoàng Tuyết Mai, chủ resort An Lạc ở Kim Bôi, Hòa Bình cho biết, trong suốt thời gian từ Tết đến giờ, lịch học thay đổi của các trường học đã làm cho các hợp đồng ký với các cơ sở đào tạo tổ chức dã ngoại, trại hè đã phải hủy, hoặc thay đổi kế hoạch khiến resort của chị lao đao. Công nhân viên của resort phải tạm thời cho nghỉ việc hoặc chuyển đổi các công việc tạm thời. Đó chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đang lao đao vì dịch bệnh. Anh Minh Giang kinh doanh thuê lại 30 khách sạn tại các khu phố cổ ở Hà Nội và Nha Trang, Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ phá sản khi phải gánh tiền thuê khách sạn và chi trả nhân viên trong khi không có khách.

Dạo quanh một vòng các tuyến phố trung tâm Hà Nội, nhiều cửa hàng thời trang căng biển “xả hàng - trả lại mặt bằng”. Chị Thu Yến, chủ một cửa hàng thời trang lớn trên phố Hàng Đào than thở: “Mọi năm cứ trước dịp 8-3 cửa hàng tấp nập khách, nhưng giờ thì vắng như chùa Bà Đanh. Mà có khách thì cũng khan hàng vì hàng từ Trung Quốc không về được nhiều. Tình hình này kéo dài vài tháng nữa, tôi phải trả lại mặt bằng vì mỗi tháng tiền thuê mất 50 triệu rồi”.

Anh Trần Phong, chủ một nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch Âu, Mỹ trên phố Gia Ngư, cả tuần nay chỉ ngồi uống nước chè và đọc báo theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19. Anh Phong chỉ vào nhà hàng vắng ngắt, lắc đầu: “Mỗi ngày chỉ đón được khoảng 10 thực khách, chưa đủ tiền trả tiền điện. Hai tháng nay mỗi tháng bù lỗ 120 triệu đồng tiền mặt thuê nhà, tiền lương nhân viên. Tôi ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, nếu tạm đóng cửa thì nhân viên tứ tán hết, sau mở lại khó khăn hơn. Mà cứ bù lỗ mãi thì phá sản”.

Tại các cuộc hội họp, gặp mặt của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhìn đâu cũng thấy các nét mặt âu lo. Không chỉ những ngành dịch vụ, bán lẻ gặp khó khăn, các “đại gia” ngành hàng không, rạp chiếu phim, kinh doanh giải trí cũng đang đứng trước những khó khăn chồng chất khi nguồn thu bị đứt gãy trong khi các chi phí phòng, chống dịch liên tục gia tăng.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc đã tác động tiêu cực lên tăng trưởng sản xuất các ngành công nghiệp của Việt Nam. Đơn hàng mới từ Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11-2015. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung cho hai tháng đầu năm chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ 2018 và 9,2% của cùng kỳ 2019. Động lực chính của ngành sản xuất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,4%, thấp hơn so với mức 11,4% của cùng kỳ 2019.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng hai, dù tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 7,9% so với tháng trước. Tính chung cả hai tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,3%, thấp nhất kể từ 2014 đến nay.

Vốn đầu tư FDI thực hiện trong hai tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua. Chỉ số CPI tháng giảm 0,17% so với tháng trước do dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân giảm khiến cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí cùng với giá xăng dầu giảm. Đáng chú ý, trong hai tháng gần đây, đã có gần 16.200 doanh nghiệp tạm dừng việc kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, các số liệu thống kê nêu trên cho thấy khó khăn mới chỉ bắt đầu. Do diễn biến lan rộng của Covid-19 ở Hàn Quốc và các quốc gia khác, nhiều khả năng tình hình có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, khi nguồn hàng tồn kho và dự trữ nguyên vật liệu của doanh nghiệp sản xuất không còn nhiều. Kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu cú sốc từ nhu cầu trên toàn cầu sụt giảm và từ phía cung gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên vật liệu.

Tác động domino xấu đến kinh tế

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo chín nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực của virus chủng mới gồm: dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không vừa công bố đã nhanh chóng lỗi thời vì không chỉ chín nhóm ngành hàng mà rất nhiều các lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh. Như một hội chứng domino, dịch Covid-19 làm cho nhiều ngành kinh doanh xiêu vẹo và có nguy cơ sụp đổ. Ngay cả một ngành tưởng như ăn nên làm ra thời dịch bệnh như may khẩu trang cũng gặp khó vì thiếu nguyên liệu.

Từ đầu tháng 2-2020 gần 700 xe nông sản xếp hàng dài nằm chờ ở cửa khẩu biên giới phía bắc. Nhiều xe chở thanh long, dưa hấu, chuối... không có thùng đông lạnh buộc phải quay về xuôi bán cắt lỗ. Hàng loạt cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngừng giao thương dẫn tới nông, thủy sản dồn ứ lại, tiểu thương và nhiều bà con nông dân “chết đứng”. Lại bắt đầu những chiến dịch “giải cứu” tôm hùm, ngao hoa, dưa hấu, thanh long... Giá cả loại nông sản này rớt giá thảm hại, có lúc dưa hấu chỉ có giá một nghìn đồng/1 kg, nông dân “vừa bán vừa khóc”.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, thậm chí phá sản vì thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Các doanh nghiệp ô-tô bắt đầu “ngấm đòn” Covid-19. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần bốn tỷ USD phụ tùng linh kiện ô-tô, trong đó gần 18% từ Trung Quốc (0,7 tỷ USD), xấp xỉ 29% từ Hàn Quốc với kim ngạch hơn 1,1 tỷ USD... Riêng với sản xuất ô-tô tải, hơn 70% linh kiện phụ tùng nhập từ Trung Quốc, nên các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này gặp khó khăn hơn cả. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc một doanh nghiệp lắp ráp xe tải ở Hải Dương cho biết, lượng xe xuất xưởng đã giảm hơn một nửa trong tháng hai và sang tháng ba thì gần như chỉ hoạt động cầm chừng vì “tắc” từ nhà cung cấp Trung Quốc. Thực tế trên thị trường toàn cầu, hàng trăm nhà sản xuất lớn có liên kết mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạm ngừng sản xuất tại Trung Quốc như Rober Bosh GmbH (nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới), Honda Motor, Nissan Motor... đã phải chấp nhận kịch bản doanh số sẽ sụt giảm ít nhất trong nửa đầu năm 2020.

Công ty nhựa Duy Tân bị Covid-19 tác động nghiêm trọng cả đầu vào lẫn đầu ra. Những tưởng khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc gián đoạn thì đã có nguồn thay thế từ Hàn Quốc. Nhưng khi Hàn Quốc thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới, nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp này rơi vào cảnh khốn đốn. Mặt khác, kinh tế khó khăn nên nhu cầu mua sắm giảm bớt, bởi nhựa không phải ngành hàng nằm trong nhóm nhu yếu phẩm.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo nếu sau tháng ba vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ phải đóng cửa, người lao động mất việc. Sang tháng ba, Công ty may Hưng Yên đã thiếu hụt lượng nguyên liệu cho sản xuất tương đương nửa tháng chạy máy. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương, bảo hiểm cho người lao động, khiến chi phí tài chính tăng lên. Chưa kể, nếu không kịp giao hàng còn có thể bị đối tác hủy. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may cho biết, nhiều đơn vị đã phải đàm phán kéo dài thời gian giao hàng cho đối tác hai, ba tuần vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông ước tính, việc chậm nguyên liệu trong nửa tháng có thể khiến toàn ngành dệt may thiệt hại 1,5 - 2 tỷ USD.

Không chỉ tác động xấu tới doanh nghiệp lớn, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra cũng đã khiến nhiều tiểu thương lao đao. Các tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), An Đông (TP Hồ Chí Minh) giờ bỗng dưng rảnh rỗi so với trước kia vì khách hàng chỉ còn lác đác. Chị Hà Linh - một chủ sạp ở chợ An Đông buồn bã nói: “Giờ cả ngày chỉ ngồi ngáp dài vì ế hàng. Mà thật ra thì hàng cũng không có để mà ế”. Ước tính số khách mua hàng giảm hơn 80% so với bình thường. Buôn bán ế ẩm, nhiều ki-ốt tiểu thương thuê bán hàng hiện bỏ trống. Đây là điều chưa từng có tại chợ An Đông.