Trầm cảm:

Kẻ thù không giấu mặt

Những năm gần đây, dư luận xã hội đã hơn một lần rúng động và đau lòng khi được thông tin về các vụ án mẹ giết con mới đẻ. Kết quả điều tra hầu hết đều xác minh, bà mẹ bất hạnh trong những trường hợp thương tâm này đều là nạn nhân của hội chứng trầm cảm sau sinh.

Kẻ thù không giấu mặt

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm thần thường diễn ra ở 10-20% các bà mẹ (tại Việt Nam con số này có thể cao hơn), nhưng các triệu chứng (tuy không được xác định bệnh lý) dễ nhận thấy ở nhiều hơn nữa số sản phụ mới sinh em bé và rối loạn này hết sức nguy hiểm nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời...

Từ gia đình đến trường học...

Năm 2017 một bé trai hơn tháng tuổi tại Thạch Thất - Hà Nội được phát hiện tử vong ở chậu nước trong nhà. Quá trình điều tra, đau đớn thay xác định, chính mẹ của bé là người gây nên cái chết ai oán này bởi đã mắc chứng trầm cảm sau sinh nặng. Trước và sau thời điểm 2017, hầu như năm nào cũng có thông tin về vụ việc mẹ đẻ hủy hoại chính con mình hay cùng con nhỏ tìm đến cái chết. Thủ phạm hay cũng chính là nạn nhân của những thảm cảnh ấy đều mới trải qua cơn sinh nở và có dấu hiệu trầm cảm mà không được gia đình phát hiện kịp thời...

Mới đây, TS Đặng Hoàng Giang - tác giả của nhiều đầu sách thu hút người đọc trong vài năm qua như Bức xúc không làm ta vô can, Thiện ác và smart phone, Hành trình cận tử hay Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đưa lên facebook cá nhân bài viết tự bạch của một người mẹ trẻ đang chống chọi với hội chứng trầm cảm sau sinh. Những tâm sự chân tình, khắc khoải ấy lập tức nhận được sự cảm thông, chia sẻ của đông đảo người đọc thể hiện qua lượng like, comment, share vào hàng kỷ lục. Quá trình sinh nở, chăm sóc con mới đẻ của H. tên sản phụ diễn ra trong trạng thái thờ ơ, vô trách nhiệm của chồng, lại nhắm đúng vào mùa dịch Covid-19 vốn đã gây ra nhiều sức ép về công ăn việc làm, thu nhập..., tạo gánh nặng khiến cô nảy sinh các cảm xúc tiêu cực. May mắn là H. có hiểu biết căn bản về trầm cảm sau sinh, đối diện với những thay đổi bất lợi của bản thân và bình tĩnh gỡ rối. Tuy nhiên, không đơn thuần như suy nghĩ của số đông người và phần lớn các bà mẹ, nhất là các sản phụ trẻ rằng có thể tự xoay xở xử lý được bệnh trạng của mình, trầm cảm sau sinh được chứng minh nguy hiểm hơn nhiều và hoàn toàn cần đến thăm khám, tư vấn chuyên môn để tránh những diễn tiến xấu.

Trầm cảm không chỉ “tấn công” các bà mẹ trong thời kỳ nuôi con nhỏ mà còn len lỏi vào thế giới học đường và bất kỳ ai trong xã hội hiện đại. Vẫn có những thông tin mà không ai muốn đọc được đăng tải rộng rãi trên truyền thông. Tháng 11-2019, một bé gái 11 tuổi để lại thư tuyệt mệnh và nhảy từ tầng 39 khu chung cư lớn ở Hà Nội tự tử khiến nhiều người choáng váng. Sau đó không lâu, một nữ sinh tuổi teen ở Hà Tĩnh cũng viết thư vĩnh biệt rồi nhảy sông tìm đến cái chết. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận một nữ sinh 12 tuổi, thắt cổ tự tử vì bị cô giáo phê bình nói chuyện riêng trong lớp. Trong 25% người dân Việt Nam có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm, khoảng 16% thuộc về lứa tuổi học sinh, sinh viên. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cũng từng công bố con số khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại: chừng 8-29% trẻ em Việt Nam gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần và một phần của con số đó luôn có ham muốn tự tử...

Kẻ thù không giấu mặt -0
 

Vòng tay gia đình là liều thuốc hữu hiệu nhất

Lý giải căn nguyên của bệnh lý trầm cảm thường xảy ra trong các đối tượng nhạy cảm là phụ nữ sau sinh và học sinh các độ tuổi, những nhà khoa học, y học lâm sàng thường nhấn mạnh đến yếu tố gia đình cùng môi trường xã hội... Áp lực bài vở, học tập; những căng thẳng ngấm ngầm của bạo lực học đường thường âm thầm diễn ra trong các trường học; sự xâm nhập của game, các thiết bị công nghệ cao vào cuộc sống thường ngày của trẻ em cùng với sự bùng nổ của các kênh truyền thông mạng như youtube, facebook khiến ở lứa tuổi vẫn còn chưa ổn định trong nhận thức, trẻ em dễ nảy sinh ước mơ được sống, được giống như các “thần tượng” mạng rồi mặc cảm, tự ti khi không đạt được mục đích đó. Ít có điều kiện thụ hưởng các hoạt động ngoài trời, ít tập luyện thể dục thể thao, ở nhiều trường học, vì lý do an toàn và cơ sở vật chất thiếu thốn nên học sinh độ tuổi tiểu học lẫn trung học luôn bị hạn chế ra khỏi phòng học, kể cả trong giờ giải lao... Tuy nhiên, tất cả các nguyên nhân thống kê ở trên sẽ khó lòng phát tác tác hại nếu trẻ em được sống trong một gia đình êm ấm, thuận hòa, có sự quan tâm thấu hiểu giữa cha mẹ và các thành viên với nhau. Tiếc rằng thực tế, nhiều trẻ em đang và đã cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Cũng tương tự với phụ nữ, sự thiếu hụt và thay đổi hoóc môn sau sinh, những bỡ ngỡ của việc làm mẹ, chưa hội tụ đủ kiến thức cũng như kỹ năng chăm sóc con nhỏ, thiếu tiền, thiếu tiện nghi sinh hoạt..., đã là sức ép lớn giáng xuống những đôi vai đang yếu ớt run rẩy. Nhưng trên hết sự lơ là chăm sóc, quan tâm từ người thân ngay trong gia đình đã khiến trầm cảm có cơ hội khởi phát và đeo bám từng con người bất hạnh.

Sẽ rất nguy hiểm nếu những người mắc hội chứng trầm cảm phải tự xoay xở, đối phó với bệnh trạng của mình bởi trầm cảm không tự mất đi nếu không được điều trị y tế, các chuyên gia tâm thần học luôn cảnh báo. Theo số liệu vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương công bố trong hội thảo Loạn thần tâm thần học học đường, năm 2019, viện đã tiến hành một khảo sát nhỏ trong 834 học sinh ở Hà Nội và 726 học sinh Hưng Yên. Kết quả khảo sát rất đáng quan ngại khi con số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội lớn hơn hẳn Hưng Yên: tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31%, Hưng Yên xấp xỉ 19%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội xấp xỉ 43%, Hưng Yên 36,5%; tỷ lệ stress ở Hà Nội là 39%, Hưng Yên 22%... Đừng để trẻ em bơ vơ ngay trong chính ngôi nhà của mình là thông điệp mà các bác sĩ nhi khoa luôn muốn truyền tải rộng rãi đến từng bậc phụ huynh và toàn xã hội. TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng cho biết, Viện có đề án phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tư vấn tâm lý cho trẻ học đường, giúp các em phần nào vượt qua những sang chấn tinh thần, phòng ngừa và kịp thời phát hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần ở lứa tuổi vẫn cần nhiều quan tâm đặc biệt...

Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em như: Triệu chứng đau cơ thể: đau đầu, bụng, ngực kéo dài kèm cảm giác lo âu buồn chán ngột ngạt, hay cáu kỉnh, không còn ham học, ham các hoạt động tập thể hay rèn luyện sức khỏe...; trẻ tự cô lập mình, không muốn giao tiếp xã hội, không giao tiếp với ai...; chán ăn mất cảm giác ngon miệng, giảm cân hoặc ăn uống và tăng cân mất kiểm soát; trẻ mất ngủ hay nằm nhiều nhưng ít ngủ hoặc ngủ vô tội vạ; trẻ có các biểu hiện rối loạn hành vi như quậy phá, la hét, gia tăng sự chống đối với bố mẹ, người thân và xã hội... Một trẻ đang sinh hoạt bình thường, có các triệu chứng không bình thường kéo dài từ hai tuần trở lên, cần có các thăm khám y tế kịp thời...