Để hội nhập tự tin trong sân chơi lớn

Các nghệ sĩ, nhà quản lý, tổ chức đại diện quyền, người quan sát đều cho rằng ý thức bản quyền trong thời gian qua tuy đã được cải thiện phần nhiều nhưng vẫn chưa đủ. Vì thế, cần có những thay đổi quan trọng về nhận thức, để có thể có hành động tích cực trong việc bảo vệ tác quyền. Có như thế, chúng ta mới đủ sức hội nhập một cách tự tin, trong sân chơi lớn toàn cầu.

Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC): “Không tôn trọng bản quyền sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sáng tạo”.

Để hội nhập tự tin trong sân chơi lớn ảnh 1

Ở Việt Nam hiện nay, sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài mà không trả tác quyền lại là hiện tượng khá phổ biến. Nguyên nhân phần nhiều là do tâm lý của người sử dụng muốn giảm tối đa chi phí trong quá trình kinh doanh. Ngoài ra còn do sự hạn chế trong nhận thức, ý thức tuân thủ quy định của pháp luật. Trong quá trình làm việc, đến nay chúng tôi vẫn còn gặp những câu hỏi khá “bâng quơ”, “hồn nhiên” như: Vậy nghe nhạc không lời có phải trả tiền không? Thế mở nhạc nước ngoài thì sao, có phải trả phí không, biết ai ở đâu mà trả... VCPMC đã tận tình giải đáp, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân để tìm hiểu quy định, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước từng bước tuyên truyền, vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân tìm hiểu và thực hiện nghĩa vụ khi sử dụng tác phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Một thí dụ điển hình chúng tôi sẵn sàng nêu rõ tại đây, đó là trường hợp Công ty cổ phần Sky Music vừa qua đã có hành vi sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc quốc tế để bán, phân phối, kinh doanh bản ghi mà không thực hiện nghĩa vụ xin phép các chủ sở hữu quyền theo quy định pháp luật cũng như Công ước Berne. Đây là một hiện tượng nhỏ lẻ nhưng nếu không xử lý nghiêm khắc, triệt để sẽ làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với quốc tế, ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng ta trong mắt bạn bè về một thị trường thiếu tôn trọng bản quyền. Hiện VCPMC đã nhận được thư kiến nghị của các tổ chức đại diện tập thể quyền ở một số nước về vấn đề này (Anh, Mỹ, Canada, Hàn Quốc...). Đồng thời VCPMC đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music.

Khi bản quyền tác giả chưa thật sự được tôn trọng, cùng với một số chính sách pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sáng tạo và sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: “Nghệ sĩ phải tự nâng cao ý thức về bản quyền”

Để hội nhập tự tin trong sân chơi lớn ảnh 2

Bản thân tôi cũng đã trải qua rất nhiều lần bị vi phạm tác quyền. Các thiết kế con vật như kiến, gà... của tôi đã bị nhiều người đạo nhái. Mỗi lần như thế, nếu chia sẻ trên báo chí, tôi nhận lại nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người khuyên cần lên tiếng mạnh mẽ, người bảo nên gửi đơn đến thanh tra văn hóa, người can đừng nói gì vì chẳng giải quyết được gì đâu.

Nhìn lại thời gian qua, các vụ vi phạm bản quyền diễn ra rất nhiều. Phim lậu - có, đạo nhạc - có, tranh giả - cũng có... Nhưng điều quan trọng là sự quan tâm của cả xã hội với những vấn đề này còn hời hợt. Bản thân nghệ sĩ cũng xuê xoa, dễ dãi với việc chính mình vi phạm hoặc trở thành nạn nhân bị vi phạm bản quyền. Nhìn trong lĩnh vực mỹ thuật và sáng tạo kiểu dáng sẽ thấy rất rõ điều đó.

Chính vì thế, để hội nhập, việc đầu tiên là mỗi nghệ sĩ phải nâng cao ý thức về SHTT của chính mình, bên cạnh việc kêu gọi nâng cao nhận thức của cả xã hội. Phải chủ động đăng ký bản quyền, phải đấu tranh để bảo vệ nếu bị xâm phạm, không được ngại va chạm. Để làm tốt điều đó, nghệ sĩ phải tự trang bị những kiến thức luật pháp cần thiết, hoặc thuê luật sư để đại diện cho mình. Nếu mỗi nghệ sĩ không tự vận động thì chẳng ai có thể giúp mình. Từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng, trong thời gian tới, số vụ kiện dân sự liên quan đến tác quyền sẽ gia tăng. Và quan trọng nhất, rất có thể xuất hiện những vụ kiện có yếu tố nước ngoài. Khi đó, chúng ta không thể dàn hòa dễ dàng như cách giải quyết các vụ vi phạm trong nước trước đây nữa. Điều đó sẽ nâng cao ý thức bản quyền của người dân và nghệ sĩ lên rất nhiều.

Ông Đặng Đình Long (CEO của Công ty Aibiz): “Công nghệ đã sẵn sàng, chỉ chờ minh bạch hóa”

Để hội nhập tự tin trong sân chơi lớn ảnh 3

Công nghệ kiểm đếm tác quyền ở Việt Nam hiện nay trên căn bản đã tương đối đầy đủ. Nhờ đó, hoàn toàn có thể đếm chính xác số lượt sử dụng tác phẩm. Lĩnh vực online cũng có nhiều đơn vị đã và đang phát triển và có nhiều thành tựu. Lĩnh vực offline các đơn vị như Sky Music đang làm rất tốt. Lĩnh vực phát thanh, truyền hình thì Aibiz cũng đã phát triển thành công công nghệ vài năm nay. Do vậy, có thể nói về công nghệ kiểm đếm phục vụ việc thu tác quyền và quyền liên quan ở Việt Nam cho đến nay đã cơ bản đầy đủ.

Vấn đề còn lại chỉ còn là tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa hoạt động thu chi của các bên liên quan. Trong đó, việc sẵn sàng chi trả cho công tác kiểm đếm bằng công nghệ là vấn đề quan trọng. Chúng ta không thể cứ kiểm đếm bằng tay, bằng mắt đơn thuần được. Chẳng hạn, với hàng trăm kênh truyền hình phát liên tục, việc kiểm đếm thủ công là không xuể và dễ gây sai sót. Tuy nhiên, nếu có doanh nghiệp đứng ra làm việc kiểm đếm thì người nắm quyền cũng cần trả đủ tiền để họ có thể đầu tư làm việc đó. Như vậy, đó là mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Nhà báo Kiều Trinh (báo Thanh niên): “Ý thức tốt về bản quyền sẽ kéo dài tuổi thọ khai thác tác phẩm”

Để hội nhập tự tin trong sân chơi lớn ảnh 4

Trong buổi học về bản quyền điện ảnh do chương trình Gặp gỡ mùa thu tổ chức hồi 2014, đại diện của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ MPA có hỏi các nhà làm phim Việt, rằng một bộ phim có thể thu tiền trong bao nhiêu lâu. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, sau khi công chiếu phim của ông chỉ có thể phát hành nhiều lắm là thêm chừng 10 năm nữa. Trên thực tế, ở thời điểm đó, phim của đạo diễn này cũng chỉ có tiền doanh thu từ rạp. Cùng lúc, đạo diễn Phan Đăng Di có thu nhập “phức tạp” hơn. Chẳng hạn, với phim Bi đừng sợ, thị trường chính là Pháp, phim được chiếu rạp, sau đó trên truyền hình. Tiền thu được từ truyền hình

Luật sư Ngô Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ, nhận xét, như vậy là với các nhà làm phim Việt, những bộ phim đã “chết” khi quá trẻ. Trong khi, theo Luật SHTT thì thời gian khai thác phim lên tới 70 năm. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng không tính đến việc khai thác phim của mình trên các kênh không phải rạp chiếu.

Thời điểm đó, khán giả có thể xem nhiều bộ phim Việt Nam chất lượng tốt trên mạng, sau khi rời rạp chiếu. Tuy nhiên, giờ đây, mọi chuyện đã khác. Không còn tìm thấy những bản phim chất lượng trên mạng, khi phim dừng chiếu nữa. Các kênh truyền hình trả tiền khác nhau đã “đón” phim. Những bộ phim Mỹ phụ đề tiếng Việt trước đây có thể dễ dàng tìm thấy thì giờ hiếm khi xuất hiện. MPA đã rất nỗ lực để việc chiếu phim lậu trên mạng không còn dễ dàng như trước. Đó là luật chơi, khi ra sân chơi lớn. Bản thân các nhà sản xuất trong nước cũng “canh” phim mình sát sao hơn. Chẳng hạn, có thể thấy Ngô Thanh Vân đã quyết liệt xử lý với người đã livestream phim Cô Ba Sài Gòn. Đó là điều trước đây ít ai nghĩ đến. Chính vì thế tôi nghĩ nếu tất cả các khâu như nhà sản xuất, người xem, đạo diễn... ý thức hơn về bản quyền phim trong sân chơi lớn toàn cầu, tuổi thọ khai thác phim sẽ được nâng lên.

Ca sĩ Đinh Hiền Anh: “Nghệ sĩ vi phạm SHTT không thể đi xa”

Để hội nhập tự tin trong sân chơi lớn ảnh 5

Vấn đề tác quyền vẫn luôn nhức nhối từ xưa đến nay. Chỉ là thời đại bây giờ, thông tin quá bùng nổ nên SHTT mới được dư luận đặc biệt chú ý, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền âm nhạc trong làn sóng chung của nền kinh tế. Tôi cho rằng, nhiều người trẻ hiện nay chưa có ý thức trong sáng tạo đứa con tinh thần của mình, hay nói cách khác là khá dễ dãi, tùy tiện trong ý thức làm nghề. Những biểu hiện xấu xí ấy chắc chắn thị trường sẽ tự đào thải. Với thái độ thiếu ý thức ấy, người nghệ sĩ cũng sẽ tự định vị vị trí thấp kém của mình trong nền âm nhạc và chắc chắn không thể đi xa, trên con đường nghệ thuật.

Để các nghệ sĩ trẻ nâng cao ý thức về vấn đề tác quyền, từ đó có thể phát huy bản sắc thật sự của mình trong âm nhạc, dư luận xã hội cùng với truyền thông chính là những chế tài sắc bén buộc người nghệ sĩ trẻ cần phải tự ý thức trong hoạt động sáng tạo để tránh vướng phải rắc rối trong lĩnh vực SHTT. Hơn nữa, phải có những cơ chế hữu hiệu đến từ nhiều cơ quan hữu quan để có thể khuyến khích những nghệ sĩ làm ra những sản phẩm đặc sắc, mang bản sắc riêng biệt của chính mình.

Tháng 10 năm 2017, MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh đạt con số 30 triệu lượt xem (views) khi đăng tải trên Youtube. Sau khi nhạc sĩ Zack Hemsey (chủ sở hữu tác phẩm/bản ghi âm The Way, có nguồn gốc và được công bố lần đầu tại Mỹ) phát hiện tác phẩm của mình bị Noo cắt xén, sử dụng làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi dài gần phút rưỡi trong MV mà không được sự cho phép của chủ thể quyền. Để xử lý khủng hoảng, Noo Phước Thịnh đã gỡ bỏ phần nhạc nền “xài chùa”, phát hành lại bản mới. Nhạc sĩ Remsey đã nộp đơn khởi kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh tới TAND TP Hồ Chí Minh, với hàng loạt yêu cầu quyết liệt: xóa vĩnh viễn MV có sử dụng tác phẩm My Way trên bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận, công khai xin lỗi trên phương tiện truyền thông, bồi thường thiệt hại bốn khoản với tổng số tiền 850 triệu đồng.