Biến áp lực thành cơ hội

Được trao nhiều quyền hơn, được tự quyết các hoạt động của mình, nhưng không phải cơ sở giáo dục công lập nào cũng hào hứng, đón bắt và nhân lên cơ hội tự chủ đại học. Tuy nhiên với nhiều đơn vị, những vướng mắc về cơ chế chính sách, những khó khăn chủ quan do tính đặc thù riêng lại là động lực để họ cùng nhau gỡ khó, tháo dần từng nút thắt với mục tiêu hàng đầu: Xây dựng đơn vị mình thành cơ sở giáo dục hàng đầu, thu hút được sinh viên giỏi cũng như đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, như ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý tại các trường đại học uy tín...

Sinh viên học tập, nghiên cứu tại thư viện Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh | HÀ CẦU
Sinh viên học tập, nghiên cứu tại thư viện Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh | HÀ CẦU

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Biến áp lực thành cơ hội ảnh 1

PGS, TS Phạm Xuân Hoan - Trưởng ban kế hoạch tài chính Đại học Quốc gia Hà Nội: Trước hết phải thấy khó khăn là ĐHQG Hà Nội thuộc một trong số khá ít các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thu học phí tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ mà không thu thêm bất cứ khoản “trá hình” nào từ người học. Điều này đã được khẳng định qua kết quả các cuộc Kiểm toán nhà nước kiểm toán tại ĐHQG Hà Nội nhiều năm qua. Lẽ thường thực hiện đúng quy định của nhà nước sẽ tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy. Mức trần học phí theo Nghị định tương đối thấp, nên hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều áp đặt mức trần, tức là áp dụng mức học phí bằng với học phí của ĐHQG Hà Nội, trong khi chúng tôi đào tạo rất bài bản nên phát sinh chi phí tương đối cao. Học phí giống nhau, nhưng chúng tôi tập trung đào tạo các ngành khoa học cơ bản không hấp dẫn thị trường, với chi phí đào tạo cao hơn để bảo đảm chất lượng, nên đã tạo ra sức ép tương đối lớn cho ĐHQG Hà Nội...

Biến áp lực thành cơ hội ảnh 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Đúng là hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất và thông thoáng là điều vô cùng cần thiết. Hiện nay, các văn bản đã ban hành mới chủ yếu dựa vào căn cứ là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động để phân loại và giao mức độ tự chủ cho các trường chứ chưa xây dựng được căn cứ, nguyên tắc chung để giao quyền tự chủ, giao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp năng lực của từng đơn vị. Hoạt động TCĐH cũng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của các Luật hiện hành có liên quan, từ luật: Viên chức, Khoa học và Công nghệ, Đấu thầu, Đầu tư công, Xây dựng, Đất đai, Bảo hiểm xã hội, Ngân sách và các luật về Thuế, tài chính; các Nghị định của Chính phủ cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác... Tuy thế cơ sở pháp lý về TCĐH chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường theo hướng tự chủ. Do đó, cần rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và việc ban hành một luật sửa đổi một số điều của các Luật liên quan đến TCĐH là một gợi ý khả thi. Chính phủ đang soạn thảo một Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH bao gồm nhiều điều khoản nhằm triển khai TCĐH thuận lợi hơn.

Biến áp lực thành cơ hội ảnh 3

PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương: Kinh nghiệm của nhà trường cho thấy, tự chủ thành công trước hết phải xác định lại chiến lược phát triển trong bối cảnh mới. Đại học Ngoại thương đã xác định phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành đại học có uy tín trong khu vực, lấy ngành kinh tế và quản trị là cốt lõi cho sự phát triển. Trường đẩy mạnh gắn kết tính thực tiễn trong các chương trình đào tạo, rà soát, loại bỏ một số chương trình chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập, phát triển và thêm một số chương trình mới đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Nhà trường cũng tập trung xây dựng lại cơ cấu tổ chức, giải thể những đơn vị không đáp ứng yêu cầu và thành lập mới những đơn vị đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Nhằm bảo đảm công bằng, khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ viên chức, nhà trường xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng cá nhân, chú trọng xây dựng đề án vị trí việc làm, trên cơ sở đó xác định được nhu cầu nhân lực của từng bộ phận để điều chỉnh phù hợp. Để phát huy năng lực và chủ động, sáng tạo, trường đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị thành viên, chú trọng tới sự phối hợp công tác và công tác kiểm tra, giám sát; quy định rõ trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong trường, tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ. Đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, vai trò giám sát của quần chúng, cán bộ giảng viên, công đoàn. Thực tế cho thấy chỉ khi phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị xã hội mới tạo ra được môi trường tốt, dân chủ, phát huy được sự tham gia của các cá nhân và tổ chức tham gia xây dựng nhà trường, thực hiện tốt cơ chế tự chủ.

Biến áp lực thành cơ hội ảnh 4

GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội): Theo tôi nên thực hiện TCĐH theo lộ trình nhưng có hạn định để các trường chủ động, tránh sức ì. Cần tổng rà soát hệ thống các trường đại học công lập về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo... qua đó đánh giá phân loại và căn cứ vào kết quả kiểm định, cơ sở nào đủ năng lực mới giao quyền tự chủ. Làm chậm mà chắc, tránh theo phong trào, thả nổi cho “tự bơi”, chất lượng không tốt, thậm chí rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Có thể tính toán cho các trường tự chủ từng phần, trước tiên là những ngành “hot”, thu hút đông người học. Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) hiện có 25 ngành đào tạo, muốn tự chủ thành công thì 6 ngành có thể triển khai sớm, 19 ngành còn lại khó tuyển sinh hơn như triết học, nhân học, tôn giáo học, thông tin thư viện... phải thực hiện sau. Cần đánh giá chính xác những ưu thế và hạn chế, bất cập trong thực hiện thí điểm tự chủ của 23 trường ĐHCL để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh khi triển khai thêm các trường tự chủ sau này.

Quan trọng là tầm nhìn của chính các trường đại học

PGS, TS Bùi Anh Tuấn: Trên cơ sở Đề án thành lập Hội đồng trường (HĐT) đã báo cáo Bộ GD&ĐT, sắp tới trường chúng tôi sẽ tái lập HĐT nhằm phát huy vai trò định hướng chiến lược, huy động thêm trí tuệ, nguồn lực ngoài trường. Việc thành lập HĐT bảo đảm thực chất, tránh hình thức, lãnh đạo HĐT có đủ trình độ, năng lực, uy tín mới phát huy hiệu quả. Cần quy định rõ hơn về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực trong nhà trường, để HĐT thật sự trở thành cơ quan quyền lực đại diện cho chủ sở hữu nhà trường theo hướng tách bạch rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu (cơ quan chủ quản/nhà đầu tư) với HĐT (định hướng và giám sát) và Ban giám hiệu (quản lý và điều hành). Những quyền trước thuộc về cơ quan quản lý phải chuyển về cho trường thông qua thiết chế HĐT. HĐT phải có thực quyền, bản thân nhân sự phải độc lập, có đủ ảnh hưởng với trường. Các trường ĐHCL tự chủ vẫn cần được Nhà nước hỗ trợ. Trong bối cảnh phần lớn nguồn thu của các trường chỉ duy trì được hoạt động, tích lũy đầu tư còn hạn chế, việc mở rộng khuôn viên và tăng cường cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn. Mong Nhà nước xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển đại học để các trường có thể vay đầu tư và có phương án trả dần, bảo toàn vốn, nhất là khi muốn xây dựng những công trình hiện đại trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Một điểm quan trọng nữa trong thực hiện TCĐH là cần có tầm nhìn chiến lược phát triển mạng lưới quy hoạch ngành nghề, dự báo được nhu cầu đào tạo của xã hội, chú ý quy hoạch hệ thống các trường đại học bảo đảm bền vững, tránh khủng hoảng thừa dẫn đến lãng phí. Mặt trái từ áp lực cơ chế tự chủ tài chính khiến việc mở rộng về quy mô đào tạo, mở nhiều ngành đào tạo chỉ nhằm tăng nguồn thu, thậm chí xuất phát từ mục đích kinh tế mà ít chú ý tới nhu cầu thực tế đòi hỏi của thị trường lao động và xã hội, chưa chú ý đến nâng cao chất lượng giảng dạy, chưa bảo đảm được các yêu cầu, chỉ tiêu đầu ra dẫn đến hệ quả là sinh viên ra trường thất nghiệp, gây lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội. Sự đánh đổi giữa chất lượng với quy mô đào tạo còn thể hiện qua việc các trường hạ thấp điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế, đầu vào thấp nên đầu ra kém, giảm uy tín nhà trường. Các trường cũng cần thay đổi cơ bản tư duy, từ đào tạo những gì mình có, buộc người học phải theo còn dấu ấn từ thời bao cấp mà phải xem người học thật sự là “khách hàng”, là đối tượng phục vụ để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Khi được “khách hàng” đánh giá tốt, người học sẽ đông, nhà trường xây dựng được thương hiệu, nhiều đối tác tìm đến hợp tác, trường sẽ có thêm nguồn thu khác ngoài đào tạo. Việc thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo thông qua các tổ chức kiểm định độc lập trong nước và quốc tế để có kết quả khách quan, chính xác cũng góp phần nâng cao thương hiệu nhà trường, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, hợp tác của các tổ chức quốc tế.

GS, TS Phạm Quang Minh: Dù thế nào đi nữa, Nhà nước vẫn cần đầu tư thích đáng để bảo đảm chất lượng đào tạo, đặc biệt là một số ngành đặc thù, trọng yếu, liên quan đến an ninh quốc phòng, phát triển bền vững của quốc gia, những ngành khoa học cơ bản, ít hấp dẫn người học, có thể thông qua cơ chế đặt hàng. Việc đầu tư không dàn trải mà ưu tiên có chính sách riêng với nhóm trường thuộc “tốp trên”, hỗ trợ củng cố để nhóm trường “tốp dưới” phát triển. Nhà nước cũng cần dành một khoản kinh phí để hỗ trợ đầu tư thêm cho các trường tư bởi họ cũng đóng góp đào tạo nhân lực cho đất nước. Muốn tăng nguồn thu, các trường không thể thụ động trông chờ các đối tác tới “đặt hàng” mà cần chủ động “tiếp thị”. Các trường sẵn có ý tưởng, đi đến các nước, các địa phương, doanh nghiệp đề xuất ý tưởng, đề án thuyết phục, có căn cứ khoa học, tích cực mời gọi đầu tư, hợp tác sẽ đạt kết quả khả quan. Thời gian qua, trường chúng tôi đã tư vấn, hỗ trợ một số địa phương triển khai nhiều đề tài, dự án về lịch sử, văn hóa, du lịch... đạt hiệu quả cao bởi sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Ngoài ra, trên cơ sở thế mạnh của mình, các trường cũng cần tăng cường tư vấn chính sách cho Chính phủ, chiến lược phát triển kinh tế xã hội các địa phương, chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bởi nhu cầu thực tiễn rất lớn, qua đó cũng đóng góp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, hợp tác quốc tế càng quan trọng khi thực hiện TCĐH. Các trường sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác và triển khai thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác nước ngoài, thu hút thêm nhiều chuyên gia nước nước ngoài hỗ trợ giảng dạy, tư vấn, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, nhà trường có cơ hội quảng bá, phối hợp với các nước triển khai các dự án về đào tạo, nghiên cứu khoa học, giảng viên có điều kiện ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm.

PGS, TS Phạm Xuân Hoan: Đúng vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã áp dụng giải pháp là xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao theo đặc thù đơn vị, trình xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Tài chính thông qua, theo đó học phí áp dụng đủ để bù đắp chi phí đào tạo. Thực tiễn cho thấy, tất cả các đề án chúng tôi trình đã được chấp thuận, chứng tỏ chất lượng đào tạo và mức thu học phí là hợp lý. Đến nay ĐHQG Hà Nội đã có 5 chương trình đại học và thạc sĩ đặc thù được cho phép triển khai. Tuy nhiên việc phải lập đề án và trình xin từng đề án một lại mất nhiều thời gian, công sức và chi phí hành chính, nên không phải đơn vị thành viên, trực thuộc nào của ĐHQG Hà Nội cũng sẵn sàng triển khai.