Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội

NDO -

NDĐT - Ngày nay, việc sử dụng các trang mạng xã hội (MXH) trên internet đã trở nên thông dụng ở nhiều độ tuổi, giới tính, nhất là ở giới trẻ. Không gian MXH mang lại nhiều giá trị tích cực ở nhiều lĩnh vực, vấn đề trong cuộc sống nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy đối với không ít người sử dụng. Sử dụng MXH thế nào để hữu ích cho bản thân, tạo lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội vẫn là vấn đề đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh xã hội ngày nay.

Sinh viên Trường đại học mở TP Hồ Chí Minh trao đổi, thảo luận về ứng xử trên mạng xã hội.
Sinh viên Trường đại học mở TP Hồ Chí Minh trao đổi, thảo luận về ứng xử trên mạng xã hội.

Nhiều hệ lụy từ mạng xã hội

Mới đây nhất, một vụ bạo lực xảy ra giữa một nữ sinh và nhóm nữ sinh khác của một trường THPT trên địa bàn quận Gò Vấp, thành phố (TP) Hồ Chí Minh khiến nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh bất bình và phẫn nộ. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này được cho là có mâu thuẫn từ việc sử dụng MXH khiến các nữ sinh có hành vi bạo lực với “nạn nhân” là bạn học cùng trường ngay trên đường phố. Hình ảnh này đã được ghi lại và sau đó phát tán trên MXH Facebook.

Nguyên nhân của vụ việc này vẫn đang được các cơ quan chức năng, phụ huynh và nhà trường tích cực phối hợp làm rõ, nhưng những lệ lụy từ vấn đề này rõ ràng là không hề nhỏ, nhất là các em đang trong độ tuổi đến trường.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 10-2019, cũng xuất phát từ những mâu thuẫn trên MXH, một nhóm bạn trẻ cũng cầm hung khí truy sát nhau tại khu dân cư khiến nhiều người dân hoảng hốt.

Tương tự, một hành vi lợi dụng MXH để nói xấu, xuyên tạc sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm người khác cũng vừa được Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP Hồ Chí Minh đưa ra xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với một chuyên viên văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh.

Theo công bố của We are Social và Hootsuite (công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội một dịch vụ quen thuộc với các blogger) về digital Việt Nam, tại Việt Nam, internet và MXH đang có bước đà tăng tốc ngoạn mục, phát triển với tốc độ chóng mặt.

Năm 2018, nước ta có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Hiện có 400 mạng xã hội được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó Facebook có khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số và là một trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng Facebook lớn nhất thế giới. Trong đó, lượng người học đang bị ảnh hưởng bởi MXH quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau. Tại TP Hồ Chí Minh, con số này chiếm tỷ lệ rất lớn khi đây là địa phương có lượng người trẻ, học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn nhất cả nước.

Tại buổi tọa đàm về ứng xử văn hóa của giới trẻ trên mạng xã hội do báo Tiền phong và Trường đại học mở TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Hà cho rằng, không thể phủ nhận những điều tích cực mà các MXH mang lại khi nó lan tỏa nhiều điều tích cực, bài học, kiến thức giá trị, kết nối con người lại với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Đó cũng là nơi người dùng có thể chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Truyền thông xã hội, nhất là MXH liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, MXH cũng đang để lại những mặt trái, hệ lụy khôn lường đối với con người, xã hội, như: tuyên truyền văn hóa đồi trụy, kích động, mâu thuẫn… Nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ chia sẻ, bình luận theo số đông. “Văn hóa” này đang dẫn đến những xu hướng, chuẩn mực mới tác động tiêu cực lên chuẩn mực chung của xã hội.

Thực tế đã chứng minh, nhiều hệ lụy đau lòng xảy ra trong cuộc sống, nhất là với giới trẻ từ thế giới ảo của MXH. MXH đang như “con dao hai lưỡi” có thể tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống nhưng cũng làm hư hoại những giá trị tốt đẹp vốn có. Kỹ năng và nhận thức của người sử dụng sẽ quyết định vấn đề đó.

Tạo “đề kháng” cho bản thân

Cũng tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, TS Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường đại học An ninh nhân dân cho biết, trên MXH có thể chia ra ba nhóm người sử dụng; trong đó, nhóm có ý thức tốt, nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, bôi đen và nhóm ba là nhóm bị lôi theo, hùa theo những ý kiến phản động.

Nắm rõ điều đó và thực hiện đúng những quy tắc, như: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẽ trên mạng xã hội là sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn; không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội;… thì người dùng MXH sẽ không “sa” vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ MXH.

Đứng ở góc nhìn tâm lý học, TS Tâm lý học Đào Lê Hòa An cho biết, MXH là ảo và diễn biến rất nhanh, thông tin đa dạng nên đòi hỏi người sử dụng cần có những kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của MXH lên bản thân. Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn, tuy nhiên khả năng của bản thân thì không đáp ứng được.

Vì thế, khi tham gia MXH cần xác định rõ mục đích, mục tiêu sử dụng, trong đó, luôn cố gắng hướng bản thân đến những điều tích cực trong đời sống. Bản thân người dùng phải luôn nỗ lực tạo “đề kháng” trước sự cám dỗ và những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng của mạng ảo này.

Trước tình trạng báo động về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong học sinh như hiện nay, ngành giáo dục, các ban ngành đoàn thể đã chủ động triển khai các chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho học sinh.

Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai các chuyên đề kỹ năng về ứng xử văn hóa khi sử dụng MXH cho học sinh các trường trên địa bàn thành phố; trong đó, chú trọng việc tiếp nhận và xử lý thông tin trên MXH, xây dựng văn hóa giao tiếp phù hợp với lứa tuổi; kỹ năng giao tiếp - ứng xử trong môi trường học đường,…

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng thực hiện các buổi nói chuyện với học sinh THCS và THPT về nội dung sử dụng MXH có chọn lọc và an toàn. Từ đây, các chuyên gia, thầy cô sẽ cung cấp cho các em kiến thức và kỹ năng về sự thấu cảm và trách nhiệm với tư duy “Suy nghĩ trước khi chia sẻ”, góp phần định hướng học sinh phổ thông sử dụng MXH đúng mục đích, có ích cho bản thân và xã hội.

Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội ảnh 1

Thay vì dành thời gian quá nhiều cho mạng xã hội, các bạn trẻ nên trau dồi các kỹ năng thực hành ngoài xã hội. Trong ảnh: Các bạn trẻ tham gia một lớp kỹ năng tự vệ tại Nhà Thiếu nhi thành phố.