Ứng dụng Bluezone sẽ được tích hợp thêm các tính năng trợ giúp y tế

NDO -

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho biết, sẽ phát triển ứng dụng Bluezone thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân, không chỉ đơn thuần là truy vết những người nhiễm virus.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Cụ thể, qua phần mềm Bluezone, người dùng có thể tiếp cận với các thông tin y tế chính thống của Bộ Y tế, liên kết với các ứng dụng khai báo y tế khác, theo dõi sức khỏe cá nhân (đếm bước chân hoặc nhắc uống thuốc), công cụ cho người dân phản ánh với Bộ Y tế.

Ngày 23-9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng Bluezone.

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT, Bộ Y tế, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành, đại diện các Sở TT-TT, Sở Y tế trên toàn quốc, đại diện các doanh nghiệp BKAV, VNPT, VNPT, Mobifone, Vietnamobile, VNPost.

23% dân số tải Bluezone

Theo ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, kể từ khi ra mắt ngày 18-4 đến nay, ứng dụng Bluezone đã đạt gần 23 triệu lượt tải, chiếm 30% số lượng smartphone và 23% dân số. Đây là một con số thực sự ấn tượng với bất cứ một ứng dụng di động nào trên thế giới.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa, năm địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone trên tổng số smartphone cao nhất gồm: Đà Nẵng (trên 40%), Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế (đạt trên 30%). Năm địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone/tổng số smartphone thấp nhất là: Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Trà Vinh (13%-16%).

Theo đại diện Cục Tin học hóa, sự phối hợp nhuần nhuyễn của tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, các kênh truyền thông là yếu tố quyết định để triển khai một ứng dụng, giải pháp công nghệ đến với mọi người dân trên toàn quốc. Nếu chỉ sử dụng các kênh truyền thống hoặc chú trọng đến các hình thức truyền thông hiện đại thì chỉ có thể tiếp cận một nhóm đối tượng nhất định.

Trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, cuộc vận động triển khai Bluezone đã có sự vào cuộc từ các cơ quan Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của ngành TT-TT và ngành y tế cùng các ngành, các tổ chức đoàn thể khác; sự vào cuộc của tất cả các cơ quan thông tin, tuyên truyền; có sự tham gia, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cả sáu lĩnh vực trong ngành Thông tin Truyền thông; các doanh nghiệp viễn thông.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức “Tuần lễ ra quân” giới thiệu và hướng dẫn cài đặt Bluezone ở Công đoàn cơ sở, trong đoàn viên, người lao động từ ngày 18 đến 25-8. Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội Công đoàn Việt Nam đã lan tỏa đến gần 2,3 triệu lượt người với hàng trăm nghìn lượt tương tác thể hiện quan điểm đồng tình, ủng hộ và xác nhận việc đã cài đặt. Qua thống kê cho thấy hầu hết cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có điện thoại thông minh đều đã cài đặt ứng dụng Bluezone.

Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên tại các địa phương nghèo nơi người dân không được tiếp cận nhiều với thông tin. Chỉ có Đoàn Thanh niên mới có đủ lực lượng và nhiệt tình để đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng. Những tỉnh ven biên giới, miền núi như Hà Giang, Lào Cai đã có những tiến bộ rõ rệt trên bảng xếp hạng nhờ hoạt động tích cực của Đoàn Thanh niên.

“Đây là lần đầu tiên ngành Thông tin và Truyền thông và ngành y tế triển khai một nhiệm vụ có ý nghĩa đối với toàn thể xã hội, có tầm vóc, quy mô lớn trên toàn quốc và trong một thời gian ngắn. Giai đoạn vừa qua chính là một thử thách, một kiểm nghiệm năng lực về tuyên truyền và công nghệ cho ngành TT-TT”, đại diện Cục Tin học hóa khẳng định.

Đưa Bluezone trở thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân

Ứng dụng Bluezone sẽ được tích hợp thêm các tính năng trợ giúp y tế -0
Cục trưởng Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng phát biểu. 

Tại Hội nghị trực tuyến, Cục trưởng Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng nhận định, sau thời gian chống dịch Covid-19 và triển khai Bluezone trên phạm vi toàn quốc với sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đã đạt được một số kết quả khích lệ, Bộ TT-TT và Bộ Y tế đã cùng rút ra các bài học kinh nghiệm.

Ông Dũng cho biết, khi Google và Apple công bố API, Cục đã làm việc ngay với học qua kênh làm việc cao nhất. Nhưng giải pháp của họ là giải pháp toàn cầu và hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của họ, nếu ta sử dụng sẽ rơi vào thế bị động, không thể xử lý nhanh, kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.

Việt Nam có những thế mạnh đặc biệt mà không quốc gia nào có được. Chỉ sau thời gian ngắn, số lượng người cài đặt Bluezone đã là nước dẫn đầu, chỉ đứng sau Singapore.

Việc thiết lập mạng lưới từ Trung ương đến cấp xã với sự đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông đã thể hiện tính hiệu quả và vai trò quan trọng của mạng lưới này. Trên cả nước có 11 nghìn xã. Nếu không có sự vào cuộc của lực lượng tại địa phương của các doanh nghiệp, của Tổ dân phố, Đoàn Thanh niên thì không thể có sự triển khai thành công Bluezone như hiện nay với những con số ấn tượng.

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế, Cục trưởng Cục Tin học hóa đồng tình với ý kiến của đại diện một số Sở TT-TT, Sở Y tế và đại diện Bộ Y tế rằng, hiện nay chúng ta có nhiều ứng dụng, cần tích hợp lại để tạo thuận lợi cho người dân, ít nhất là về mặt cơ sở dữ liệu. Hai hạn chế của Bluezone được nhiều đại biểu góp ý là giao diện còn chưa chuyên nghiệp và chức năng còn nghèo nàn, chưa có ích nhiều cho người dân.

Trong thời gian tới, mặc dù dịch bệnh đã tạm thời được đẩy lùi, nhưng cho đến lúc có vaccine phòng chống, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh để thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ các chiến lược phát triển ứng dụng Bluezone, đưa ứng dụng này trở thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân, không chỉ đơn thuần là truy vết những người nhiễm virus. Cụ thể, qua phần mềm Bluezone, người dùng có thể tiếp cận với các thông tin y tế chính thống của Bộ Y tế, liên kết với các ứng dụng khai báo y tế khác, theo dõi sức khỏe cá nhân (đếm bước chân hoặc nhắc uống thuốc), công cụ cho người dân phản ánh với Bộ Y tế.

Đặc biệt, trong thời gian tới, việc tuyên truyền, truyền thông về việc cài đặt sử dụng Bluezone sẽ không làm dàn trải, chung chung mà tập trung vào những địa điểm công cộng như bệnh viện, siêu thị, sân bay, nhà ga, bến tàu và trên các phương tiện công cộng…

Đề cập đến các giải pháp cụ thể để triển khai, hiện thực hóa các chiến lược nêu trên, đại diện Cục Tin học hóa khẳng định, phải coi Bluezone là sản phẩm công nghệ chung của cả cộng đồng CNTT Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ TT-TT và Bộ Y tế. Tập hợp sức mạnh của cộng đồng CNTT, huy động các DN CNTT để đóng góp tối ưu hóa cho ứng dụng.