Tăng khả năng cạnh tranh bằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Tinh thần khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã lan tỏa tới khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Giờ đây, khởi nghiệp ĐMST đã trở thành yếu tố sống còn để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thời gian qua, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được thành lập bởi đội ngũ những người trẻ giàu khát vọng khởi nghiệp, luôn có tư duy mới, dấn thân và không sợ thất bại. Điển hình là ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia những năm gần đây đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự, với hàng trăm gian hàng khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ, doanh nghiệp… Qua đó đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được những khoản tài trợ hay mang đến những cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Bùi Thế Duy cho rằng, đây là yếu tố quan trọng để có thể phát triển, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới. Nhưng theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên 60 nền kinh tế cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Nhưng khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và đưa ra mô hình kinh doanh vào thực tế thì Việt Nam lại nằm ở 20 nền kinh tế nửa sau. Điều này cho thấy, tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam là không thiếu, nhưng vẫn chưa có những hoạt động hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp bài bản, hiệu quả để biến ý tưởng thành hiện thực.

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN) cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở nhiều bộ, ngành và tại địa phương. Khá nhiều tín hiệu tích cực khi đến thời điểm này, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã phát triển rộng khắp với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 30 cơ sở ươm tạo, hơn mười tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Việt Nam đang là nơi thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới khi được xếp thứ ba trong danh sách những quốc gia tốt nhất thế giới nên đầu tư vào. Tuy vậy, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures Trần Hữu Đức cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để doanh nghiệp có thể thành lập và giải thể được thuận lợi, dễ dàng. Đồng thời đẩy nhanh các thủ tục hành chính, nhất là các chính sách phải đồng bộ và thông thoáng hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo các chuyên gia, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia cũng như phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần đi vào thực chất. Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, hình thành nên những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, tăng trưởng nhanh và bền vững, rất cần có sự định hướng và đi theo chiều sâu, cũng như phải dựa trên nền tảng thế mạnh của vùng và địa phương. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đưa sản phẩm của mình ra ngoài thị trường, phục vụ cuộc sống. Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Mai Thanh Quang cho rằng, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm là khâu quan trọng nhất và các nhóm khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ này phải đến ngay từ giai đoạn đầu “ươm mầm” cho các dự án khởi nghiệp.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN Phạm Hồng Quất cho biết, để một dự án từ ý tưởng thành sản phẩm, sau đó chuyển sang mô hình kinh doanh và nhân rộng, cần sự chung tay hỗ trợ từ nhiều chủ thể khác như: chính quyền địa phương, đội ngũ doanh nhân đi trước, huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư… Vì vậy, các chương trình hỗ trợ của Trung ương và địa phương theo Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ (Đề án 844) đóng vai trò quan trọng. Trong đó, chính quyền địa phương cần thể hiện sự quyết tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của tỉnh, thành phố. Trung tâm khởi nghiệp cần được thiết lập để từ đó có thể thu hút được các nhà đầu tư, các doanh nhân, doanh nghiệp… từ các tỉnh lân cận tham dự, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường lớn hơn. Ngoài ra, mỗi địa phương nên tập trung một đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp. Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ chỉ cần đến một điểm là có thể gặp được các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ và kết nối. Hiện tại, ở TP Hồ Chí Minh đang phát triển mô hình này và dự kiến trong Đề án 844 sẽ hình thành tổ hợp hỗ trợ đầu tiên mang tính thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng, triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, trở thành mạng lưới quốc gia về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đổi mới sáng tạo đã trở thành một triết lý tiến bộ về tư duy và phát triển kinh tế - xã hội. Hướng tới một nền kinh tế phát triển dựa trên vai trò dẫn dắt của ĐMST là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ nếu muốn thúc đẩy và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi Việt Nam có những doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST liên tục được ra đời với nhiều mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh thì mới có thể đưa hoạt động khởi nghiệp vươn ra toàn cầu và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.