Quảng Trị tích cực, chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển

NDO -

Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số trên những nền tảng sẵn có. Trên cơ sở kết quả của việc xây dựng chính quyền điện tử, Tỉnh ủy Quảng Trị đang quyết tâm chuyển đổi số để phát triển với Kế hoạch 190. 

Cán bộ Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị giới thiệu quy trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Ảnh: LÂM QUANG HUY
Cán bộ Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị giới thiệu quy trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Ảnh: LÂM QUANG HUY

Cam Lộ năng động đi đầu

Cam Lộ là huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Nét nổi bật của địa phương này là trong nhiều năm qua đã triển khai ứng dụng chung hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc cho toàn bộ hệ thống chính trị của huyện.

Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, nhờ đó, mọi văn bản chỉ đạo điều hành của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện khi được ban hành đều nhanh chóng được các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan trung ương và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của huyện đều nắm bắt nhanh sự chỉ đạo, điều hành giao việc của lãnh đạo huyện; đồng thời hạn chế được việc ra văn bản trùng lặp trong điều hành giữa các cơ quan.

Khi một nhiệm vụ mới được triển khai chỉ cần “nhấp chuột” ngay lập tức thông tin điều hành đến cả hệ thống chính trị từ huyện về xã với quy định rõ thời gian trả lời kết quả. Cuối quý, hoặc sáu tháng, một năm, có phần mềm chung cho các công chức tự xếp loại hoàn thành công việc theo từng cấp độ công khai trên mạng. Kết quả này tiếp tục được người đứng đầu của cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án đánh giá cán bộ, công chức, cụ thể là Bí thư huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện chấm cuối cùng.

Phía chính quyền xây dựng được hệ thống hội nghị trực tuyến để kết nối các cuộc họp trực tuyến với các xã, mở rộng thành phần như các trưởng thôn tham gia, cán bộ xã không phải về huyện ngồi họp tập trung nữa, qua đó cơ sở sớm nắm bắt kịp thời thông tin điều hành xuyên suốt. Nhờ thực hiện tốt chính quyền điện tử mà Cam Lộ trở thành mô hình mẫu trong cải cách hành chính của tỉnh Quảng Trị.  

Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị tại địa phương trong việc cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Việc chú trọng triển khai chính quyền điện tử tại Quảng Trị đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị, thành phố để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Quảng Trị tích cực, chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển -0
Một buổi họp trực tuyến của UBND huyện Cam Lộ với các UBND xã. 

Theo ghi nhận của phóng viên, vào lúc 15 giờ, ngày 21-9, tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị có rất nhiều người đến làm thủ tục hành chính (TTHC), trong đó chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở Phường 1, thành phố Đông Hà nộp hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng. Theo quy định TTHC này có thời gian xử lý một ngày làm việc, tuy nhiên trong vòng chưa đến 10 phút thông qua sự hướng dẫn, xử lý của cán bộ làm việc tại trung tâm, chị Huyền Trang đã nhận được kết quả để kịp thời đưa người thân đi khám chữa bệnh.

Ông Lâm Công Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện địa phương này có 1.927 TTHC cấp tỉnh, huyện, thành phố và xã được cập nhật đầy đủ lên Cổng Thông tin điện tử và Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh là 238 thủ tục hành chính. Tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến thông qua dịch vụ công mức độ 3, 4 trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 17.400 hồ sơ, trong đó hồ sơ đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hơn 12.500 hồ sơ và mức độ 4 là gần 5.000 hồ sơ, đa số tập trung vào các thủ tục như: đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; thủ tục thi tuyển công chức…

100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhằm công khai minh bạch và có sự giám sát của các cơ quan trong giải quyết hồ sơ TTHC, tỷ lệ hài lòng của người dân khi làm TTHC được tăng cao.

Theo đồng chí Võ Văn Hưng, cùng với đó việc kết nối liên thông hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với Cổng Dịch vụ công; hệ thống thanh toán trực tuyến quốc gia luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay cơ bản các hệ thống đã kết nối và đồng bộ dữ liệu về tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC lên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ đề xuất triển khai toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ và thanh toán phí/lên phí online.

Ông Lê Châu Long, Giám đốc Trung tâm Tin học tỉnh Quảng Trị phân tích, một trong những cái mới của địa phương này so với các tỉnh đó là trong nhiều năm qua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đều được cấp một tài khoản để sử dụng đăng nhập một lần vào tất cả các phần mềm dùng chung phục vụ công tác, và qua đó truy cập vào kho dữ liệu văn bản, hệ thống thông tin dành riêng cho cán bộ, công chức của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc cập nhật, tra cứu dữ liệu phục vụ công tác.

Để thực hiện tốt cho chính quyền điện tử, trong hai năm 2019 và 2020, tỉnh đã tổ chức gần 100 lớp đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, đào tạo về an toàn, an ninh thông tin và tập huấn chuyển giao quản trị hệ thống một cửa điện tử cũng như khai thác sử dụng dịch vụ công trực tiếp của tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch 3224/KH-UBND, ngày 17-7-2019 về “Triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng năm 2025” được triển khai thực hiện đến tận các cơ quan, đơn vị các cấp.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm

Để chi tiết hóa việc thực hiện Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về những nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, Tỉnh ủy Quảng Trị vừa có Kế hoạch số 190-KH/TU, ngày 12-8 đề ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.  

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 2020-2025 sắp diễn ra, xác định: Để thực hiện tốt Kế hoạch số 190, điều cần nhất là tư duy giải quyết vấn đề bằng công nghệ trong quản lý, kinh doanh và tận dụng hiệu quả nền tảng công nghệ đang có tại địa phương phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó người dân và doanh nghiệp là trung tâm trên cơ sở dịch vụ công minh bạch, hiệu quả.

Bài toán đặt ra là tỉnh Quảng Trị cần giải quyết trong tám nhóm nhiệm vụ trên, trước hết cần thực hiện quyết liệt hơn nữa cải cách hành chính để phục vụ phát triển mọi mặt xã hội. Theo đó, nhận thức vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Đây thực chất là quá trình chuyển đổi từ không gian truyền thống sang không gian số. Trong đó, tư duy chấp nhận cái mới, yếu tố thể chế, nhận thức, chính sách quan trọng hơn yếu tố công nghệ.

Thực hiện chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu mang lại rất nhiều lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau.

Quảng Trị tích cực, chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển -0
 Người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng thẳng thắng thừa nhận, tuy có cố gắng lớn trong thời gian qua nhưng nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa sẵn sàng kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu, việc này ảnh hưởng đến quá trình điều hành của tỉnh.

Mỗi lần tỉnh cần nắm bắt, tìm hiểu sự việc phải đợi báo cáo (bằng bản giấy) từ các sở, ban ngành, điều này làm chậm thời gian giải quyết công việc. Vì vậy, đề nghị các sở, ban, ngành cần phải xây dựng đầy đủ hệ thống dữ liệu phục vụ việc điều hành, chỉ đạo của hệ thống chính trị một cách chủ động, đồng bộ.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng, cần mạnh dạn kết nối liên thông giữa cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc…trên nền tảng công nghệ thông tin, để mỗi hoạt động, điều hành của chính quyền đều được cơ quan đảng, đoàn thể biết, không phải đợi chính quyền báo cáo khi cần thiết.

Với việc nắm bắt thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cần có phần mềm giám sát. Thí dụ UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành bao nhiêu đầu việc, nhiệm vụ; cuối năm trên cơ sở phần mềm giám sát để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cơ quan, đơn vị được tỷ lệ bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm chưa hoàn thành, tránh được báo cáo công việc gì cũng hoàn thành xuất sắc, nhưng thực tế thì không phải.

Do đó cần phải hoàn thành các cơ sở dữ liệu của tỉnh, tạo nền tảng cho chuyển đổi số; đồng thời, tập trung phát triển nền tảng để kết nối, chia sẻ, giám sát, phân tích và tổng hợp dữ liệu. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chuyển đổi số với các thành phần, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức.  

Để thực hiện tốt chuyển đổi số cần phải có vai trò của các doanh nghiệp công nghệ với nhiệm vụ là những người dẫn dắt, tạo nền tảng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Tại Quảng Trị, các chi nhánh của các doanh nghiệp như FPT, VNPT, Viettel, Mobifone đều có hạ tầng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Thực tế, tỉnh Quảng Trị đã có những chuyển biến đáng ghi nhận sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52. Việc chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà tỉnh Quảng Trị đặt ra và quyết tâm thực hiện.