Môi trường an ninh mạng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

NDO -

NDĐT - Theo đánh giá của Trung tâm Ứng cứu An toàn thông tin mạng (VNCERT) tại “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm 2019 diễn ra ngày 21-11 tại thành phố Hồ Chí Minh, môi trường mạng tại Việt Nam đứng thứ ba thế giới về nhiễm mã độc. Các chuyên gia cho rằng, đây là điều đáng lo ngại dù doanh nghiệp (DN) và người dân đã ý thức hơn trong bảo vệ an toàn thông tin nhưng chưa đủ an toàn.

Quang cảnh Ngày An toàn thông tin Việt Nam.
Quang cảnh Ngày An toàn thông tin Việt Nam.

Chuyên gia bảo mật Trịnh Ngọc Minh cho rằng, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về nhiễm mã độc chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nguyên nhân là sự “phòng thủ” của chúng ta còn yếu, người dân và đặc biệt DN vẫn bấm vào link lại, email ẩn danh.

Còn Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Thành Hưng cho biết, cổng bảo vệ thông tin của chúng ta còn rất lỏng nên tin tặc dễ xâm nhập lấy cắp dữ liệu, thông tin. Ông Hưng cho rằng, cần xác định phòng bệnh trước khi chữa bệnh.

Sau nhiều năm khuyến khích, cảnh báo người dân về những tác hại của mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, Việt Nam đã xếp hạng thứ 50 trên 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, và tăng 50 hạng so chỉ số năm 2017. Đây là tín hiệu tốt nhưng chưa mang lại sự an tâm đối với DN và người dân. Theo các chuyên gia, vẫn còn 81% DN không biết hoặc không có quy trình xử lý sự cố.

Cũng theo ông Trịnh Ngọc Minh, vẫn còn 81% DN không biết hoặc không có quy trình xử lý sự cố. Thường khi bị tấn công mạng, họ chỉ biết rút dây mạng và tắt máy và như vậy vẫn không bảo vệ được hệ thống. Mã độc vẫn còn đó mà âm ỉ hoạt động. Cái chính là phải có bộ tường lửa để đánh chặn.

Một chuyên gia khác cho rằng, để phòng ngừa, DN phải hiểu và có ngân sách hợp lý. Doanh nghiệp và người dân chưa thấy sự thiệt hại nên chưa đầu tư bảo vệ, khi thiệt hại thì mới cầu cứu, đầu tư. Đây chính là hình thức “mất bò mới lo làm chuồng”.

Chủ tịch chi hội An Toàn thông tin phía nam, Ngô Vi Đồng cho biết, dù đã có Chỉ thị số 14 về việc tổ chức phải chi 10% cho an toàn thông tin nhưng không nhiều tổ chức thực hiện việc này.

Theo khảo sát mới nhất được công bố tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam, năm 2019, chỉ có 14% số người dân và DN trả lời có đầu tư trên 10% cho an toàn thông tin và đây là trở ngại lớn cho việc chuyển đổi một môi trường mạng an toàn hơn cho người dân và DN. Các chuyên gia tại ngày hội cũng kiến nghị các DN nên ưu tiên sử dụng các công cụ nội địa hóa, tự chủ hơn về công nghệ và tạo môi trường cho các DN an toàn thông tin Việt Nam phát triển, coi an toàn thông tin như một đầu tư phòng chống rủi ro với những tiêu chí về hiệu quả rõ ràng. Qua đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin có thể phát triển bền vững cùng sự phát triển của DN.