Chi tiêu cho công nghệ đạt hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2023

NDO -

NDĐT - Tai nghe AR/VR, máy bay không người lái, hệ thống robot, thiết bị nhà thông minh và các dịch vụ theo yêu cầu, như: Netflix, Hulu và Spotify sẽ thúc đẩy chi tiêu dành cho công nghệ tiêu dùng lên tới 2,06 nghìn tỷ USD vào năm 2023.

Chi tiêu cho công nghệ đạt hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2023

Một nghiên cứu mới từ International Data Corporation (IDC) cho thấy, chi tiêu cho công nghệ sẽ đạt 1,69 nghìn tỷ USD trong năm 2019, tăng 5,3% so với năm 2018 và sẽ đạt 2,06 nghìn tỷ USD vào năm 2023.

IDC cho biết, các công nghệ truyền thống và mới nổi sẽ phát triển mạnh mẽ cho đến năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 5,1% (CAGR).

Các công nghệ mới nổi như tai nghe thực tế tăng cường (AR) và tai nghe thực tế ảo (VR), máy bay không người lái, các dịch vụ theo yêu cầu, hệ thống robot, thiết bị nhà thông minh và thiết bị đeo sẽ có CAGR hằng năm là 13,2%, chiếm gần 1/3 trong chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2023. Khoảng 90% công nghệ mới nổi sẽ dành cho các thiết bị nhà thông minh và dịch vụ theo yêu cầu.

Trong khi đó, 3/4 chi tiêu cho công nghệ tiêu dùng sẽ dành cho các công nghệ truyền thống, nhưng với tốc độ CAGR tương đối chậm là 2,2% cho đến năm 2023. Dịch vụ viễn thông di động, cả đàm thoại và dữ liệu sẽ chiếm hơn một nửa trong số này trong suốt 5 năm, tiếp theo là điện thoại di động và các thiết bị máy tính cá nhân.

Stacey Soohoo, Giám đốc nghiên cứu của nhóm phân tích và chăm sóc khách hàng của IDC cho biết, những tiến bộ trong công nghệ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển cũng như sự tiện lợi, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng được kết nối với nhiều thiết bị, như: robot làm sạch và bảo trì cho các hộ gia đình, đến hệ thống giám sát, an ninh nhà thông minh, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ các giải pháp này cho cuộc sống hằng ngày của mình, khi trải qua các quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Ngoài ra, với các dịch vụ theo yêu cầu cho phép truy cập vào mạng, thị trường, nội dung và các tài nguyên khác dưới dạng dịch vụ, dựa trên việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ như: Netflix, Hulu, Spotify và các dịch vụ khác. Khi người tiêu dùng được kết nối với nhiều dịch vụ trên thiết bị của họ, các nhà cung cấp công nghệ phải hiểu việc áp dụng công nghệ và dịch vụ khác nhau này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng trong tương lai.

Hai vấn đề được sử dụng nhiều nhất cho công nghệ tiêu dùng sẽ là truyền thông và giải trí, chiếm hơn 70% tổng chi tiêu trong dự báo. Dịch vụ nhắn tin và đàm thoại truyền thống sẽ chiếm hơn một nửa trong số các chi tiêu. Xem, tải video và phim sẽ chi phối chi tiêu mảng giải trí, cũng như nghe nhạc và tải xuống các trò chơi trực tuyến.

Ramon T. Llamas, Giám đốc nghiên cứu của IDC cho biết, truyền thông và giải trí từ lâu là chủ đạo của người tiêu dùng và sẽ giữ các vị trí hàng đầu trong suốt dự báo. Ngoài ra, một số công nghệ mới nổi, như: thực tế ảo/thực tế tăng cường, nhà thông minh, mà chi tiêu sẽ vượt xa phần còn lại của thị trường công nghệ. Và người dùng trong hệ sinh thái toàn cầu cần có kế hoạch trước để nắm bắt nhu cầu tăng trưởng của các vấn đề này.

Mỹ sẽ là thị trường lớn nhất với chi tiêu công nghệ tiêu dùng sẽ đạt 412 tỷ USD vào năm 2019, tăng 5,5% so với năm 2018. Trung Quốc sẽ là thị trường lớn thứ hai trong năm 2019, với chi tiêu dự kiến ​​đạt tới 328 tỷ USD , tiếp theo là Tây Âu ở mức 227 tỷ USD. Dịch vụ viễn thông di động và điện thoại di động sẽ là hai ngành lớn nhất ở cả ba khu vực. Trung Quốc sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng chi tiêu nhanh nhất với CAGR hằng năm là 6,8%.