Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở..."

NDO -

“Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020.

Chiều 18-11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 (Open Summit 2020) lần thứ nhất với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia".

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030. Năm 2020 được coi là điểm khởi đầu cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, khởi động cho một giai đoạn mới đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện sáng kiến Mở (Open) để phát triển và làm chủ công nghệ số. Sáng kiến được tổ chức thành Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Nó phải rẻ như không khí, và cách để làm được điều đó là công nghệ mở. Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở; đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở”.

Theo Bộ trưởng, công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành nền tảng của kinh tế - xã hội. Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ sử dụng là công nghệ mở.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, việc mua một "Black Box" từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia.

Theo Bộ trưởng, dữ liệu là dầu mỏ. Vì thế, trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một. Do vậy, việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:
 Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 (Open Summit 2020) lần thứ nhất với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia".

Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, đáp ứng các nhu cầu rất Việt Nam, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu trên Cổng.

"Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của chúng ta là thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.

Việc nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở sẽ cho phép các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, đi sâu hơn, để công nghệ xuất sắc hơn.

Hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Viettel và Vingroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. Vingroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại.

Bộ trưởng cho rằng, sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, sự kết hợp cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn.

 “Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu giữa cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của Việt Nam. Với định hướng này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghệ dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Với tầm quan trọng của công nghệ mở, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng. 

Tại Diễn đàn, các cơ quan nhà nước, đại diện một số doanh nghiệp đã có phát biểu, trình bày định hướng phát triển công nghệ mở Việt Nam, các xu hướng phát triển công nghệ theo cách tiếp cận mở để làm chủ công nghệ, trong đó, điển hình như nền tảng mở cho phát triển camera, mạng truy cập vô tuyến 5G mở, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu mở, cùng cách tiếp cận văn hóa mở, phát triển phần mềm dựa trên dữ liệu mở…

Thông qua Diễn đàn nhiều bài toán thúc đẩy chuyển đổi số được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đưa ra, thảo luận cùng nhau thống nhất chương trình hành động cho năm tới.

Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tuyên bố Chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam. Đây chính là cam kết của cộng đồng mở Việt Nam cùng chung tay phát triển và làm chủ công nghệ số, góp phần thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia.