Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cần thể hiện thái độ với thông tin xấu, độc, giả trên mạng

NDO -

NDĐT – Sáng 8-11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chính. Các vấn đề về tin giả, tin xấu độc, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, việc bảo vệ thông tin cá nhân, việc quản lý mạng xã hội và xây dựng mạng xã hội Việt Nam… được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cần thể hiện thái độ với thông tin xấu, độc, giả trên mạng

Sẽ xây dựng luật để xử lý tin giả, tin xấu, tin độc

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) hỏi: Hiện nay người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông, trong đó có nhiều trang mạng xấu, độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác dụng xấu đến đời sống xã hội. Đại biểu Nhường đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục bất cập này để không bị động, chạy theo xử lý hậu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cần thể hiện thái độ với thông tin xấu, độc, giả trên mạng ảnh 1

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu, độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với vấn đề tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội. Liên quan đến hành lang pháp lý, chúng ta đã có Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia phải có một quy định pháp luật riêng nhằm xử lý tin sai, tin giả như Singapore gần đây nhất đã ban hành một đạo luật về xử lý tin giả. Những người tung tin giả không chỉ bị phạt vài chục triệu đồng như Việt Nam mà có thể phạt đến hàng triệu đô la và đi tù đến 10 năm. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, và Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm xây dựng luật để xử lý vấn đề tin giả.

Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) nói: “Thực tế tôi thấy rằng thông tin xấu, độc như một bệnh dịch lan tỏa rất nhanh. Do vậy cần phải có bộ lọc, phát hiện, cách ly để làm sao cho người đọc không lan tỏa thông tin xấu độc đó”.

Theo đại biểu Tuấn, thực tế có nhiều trang mạng làm ra giả những trang của Chính phủ, của Đảng, của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ và đưa ra thông tin rất chính thống, sau đó lại khéo léo lồng ghép với thông tin trái lề vào nên người dân, cử tri không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, vì họ đang dùng chiêu hư hư thực thực. “Rất mong Bộ có bộ lọc để giúp chúng tôi biết đâu là thật, đâu là giả để chúng tôi tiếp nhận thông tin”, đại biểu này đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cần thể hiện thái độ với thông tin xấu, độc, giả trên mạng ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc xây dựng bộ lọc với mạng xã hội nước ngoài rất khó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đấu tranh rất mạnh mẽ để loại bỏ bớt thông tin xấu, độc. Còn với các mạng xã hội Việt Nam mới xuất hiện như Gapo, Lotus, Bộ đã chỉ đạo ngay từ đầu tiên phải có công cụ tự động nhận dạng những thông tin xấu, độc và tự lọc, chặn luôn.

Bộ lọc thứ hai, theo Bộ trưởng là từ chính quyền. Bộ đã đầu tư xây dựng là Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và có thể chia sẻ thông tin cho các bộ, chính quyền địa phương để rà soát, phát hiện thông tin rác trong lĩnh vực, địa phương của mình và yêu cầu trực tiếp với nhà mạng để gỡ bỏ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần phải có sự chung tay để hành động. Các bộ, ban, ngành cũng phải đầu tư một nguồn lực, các địa phương cũng phải đầu tư con người để quan sát không gian mạng. “Rất nhiều lực lượng quan sát trong thế giới thực, nhưng lực lượng để quan sát trên không gian mạng lại ít. Vấn đề là ở chỗ xử lý chứ còn công cụ phát hiện thì có”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Trung tâm tiếp nhận những phản ánh về thông tin xấu, sai để làm đầu mối xử lý.

Xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 10 vừa qua, từ 24 triệu sim rác được kích hoạt trước để bán không có thông tin khách hàng, các nhà mạng đã dùng biện pháp kỹ thuật chặn lọc đến nay chỉ còn khoảng 6 triệu, tức là đã giảm được 75%. Cách tiếp cận mới này vấn đề sim rác sẽ giúp hạn chế tin nhắn rác.

Hiện nay mỗi tháng chúng ta chặn từ 10 đến 15 triệu thông tin, tin nhắn rác, sự phàn nàn của khách hàng đã giảm đi. Nhưng các nhà mạng hiện nay mới tập trung vào cquảng cáo bất động sản và bán sim số đẹp, còn các lĩnh vực khác chưa chú ý đến, nên hiện nay bắt đầu xuất hiện nhan nhản những quảng cáo khác. Do đó, sắp tới Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chỉ đạo việc này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về cuộc gọi rác, Bộ trưởng cho biết tin nhắn rác đã diễn ra nhiều năm còn cuộc gọi rác thì mới xuất hiện một vài năm trở lại đây. Hiện nay, các nhà mạng mỗi tháng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người với hàng triệu cuộc gọi. Một tháng trước, Bộ Thông tin và Truyền thông cách đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý.

Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã cho thí nghiệm giải pháp kỹ thuật vì cuộc gọi rác có đặc điểm là gọi vào rất nhiều người khác nhau và khi gọi lại không trả lời. Căn cứ vào đấy để phát hiện và thực hiện chặn lọc. Trong năm 2019 sẽ thí điểm thành công các công cụ chặn cuộc gọi rác như công cụ mà chúng ta chặn tin rác. Tôi hy vọng đến năm 2020 sẽ áp dụng đại trà”.

Nhưng cũng nói thêm là 80% trong số 10.000 thuê bao, cuộc gọi rác là từ sim rác cho nên gốc vẫn là câu chuyện sim rác, Bộ trưởng kết luận.

Bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet

Thực trạng báo chí, thông tin mạng khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư, gây bất lợi, thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trả lời đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về báo chí khai thác quá sâu bí mật thông tin cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Báo chí có chế tài xử phạt đối với vi phạm này. Trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử ba vụ liên quan đến việc thông tin quá chi tiết về đời tư người dân. Xử phạt này vừa mang tính nghiêm minh của pháp luật, vừa là nâng cao tuyên truyền, giáo dục cho người dân.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một quy định pháp luật rất tường minh, rõ ràng về những doanh nghiệp sở hữu những thông tin cá nhân này thì sử dụng như thế nào, được phép sử dụng vào việc gì, cái gì thì cần phải xin phép khách hàng, người sử dụng thì mới được công bố. “Các quốc gia đều có Bộ luật về bảo vệ thông tin cá nhân và Việt Nam cũng cần có luật này. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ và bước đầu tiên, chúng ta sẽ ban hành Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân”, Bộ trưởng nói.

Phát triển mạnh mạng xã hội Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện có 50 triệu người tham gia mạng xã hội Việt Nam. Với tốc độ này, đến năm 2020, có thể đạt tới 90 triệu người dùng mạng xã hội Việt Nam. Để đẩy mạnh mạng xã hội trong nước, các doanh nghiệp trong nước đều mong muốn tránh chuyện bảo hộ ngược. “Như mạng xã hội Lotus có cách tiếp cận mới, khác các mạng xã hội khác”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, các mạng xã hội đời mới, tự xây dựng nền tảng, cho nên giá trị họ thu được nhận 10%, còn 90% họ trả lại cho những người chơi ở trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, những mạng xã hội này đã phát triển theo hướng phục vụ từng nhóm đối tượng như bộ, cộng đồng, một tỉnh… nên mạng này có những cách phát triển riêng, mang tính văn hóa.

“Tôi nghĩ rằng nếu như tiếp cận theo những cách mới, chúng ta có những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thì tôi rất tin rằng chúng ta cũng sẽ dần dần chiếm được thị phần thỏa đáng”, Bộ trưởng cho hay.

Nói thêm về mạng xã hội Lotus, trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện có một triệu người dùng mạng này và Lotus đang tạm dừng để chấn chỉnh và khi đi vào hoạt động ổn định, thuận lợi, Lotus sẽ mở chiến dịch truyền thông, quảng cáo, khuyến mại để tăng số thuê bao. Cách tiếp cận này là phù hợp.

Đến khi mạng xã hội Lotus đạt được khoảng hơn năm triệu người dùng, tức là nó bắt đầu là một mạng xã hội hội ổn, Bộ Thông tin và Truyền thông với trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ đánh giá cả về độ an toàn thông tin, về hạ tầng kỹ thuật, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ khuyến nghị cho các cơ quan sử dụng.

Về vấn đề quản lý mạng xã hội chưa tốt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm có một vấn đề Bộ Thông tin và Truyền thông làm chưa tốt là việc kiểm tra, thanh tra đối với các trang tin, các mạng xã hội, đặc biệt là bảo đảm an toàn thông tin.

“Hiện nay, chúng ta có hệ thống thông tin ở cấp độ 4 và cấp độ 5. Chúng ta phải đánh giá xem thông tin thuộc cấp độ nào và đề nghị các cơ quan chủ quản, mạng xã hội đăng ký cấp độ về an toàn thông tin. Sau đó, chúng ta tổ chức đánh giá, tổ chức rà soát thường xuyên riêng”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, nó là một cơ cấu mềm và liên quan đến đạo đức.

Đối với vấn đề mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, trả lời câu hỏi có phải do luật pháp Việt Nam chưa đủ mạnh và chưa đủ nguồn lực không?, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam có đủ cơ bản văn bản pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài nhưng việc yêu cầu các mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải từng bước.

“Trong năm 2019, chúng ta đã đạt được một sự thống nhất các cấp về các biện pháp, các tình huống, các kịch bản xử lý đối với mạng xã hội”, Bộ trưởng nói.