Tạo động lực cho kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng

Ba tháng đầu năm 2019, kinh tế của TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng cao, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm nay và làm tiền đề cho những năm tiếp theo, đòi hỏi thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên.
Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên.

Ðánh giá về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2019, theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, tình hình kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ba tháng đầu năm nay ước đạt 324.497 tỷ đồng, tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ năm 2018. Hoạt động thu ngân sách đạt hiệu quả, ước đạt 98.365 tỷ đồng, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 24,65% dự toán. Ðáng chú ý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố chiếm 57,7% trong tổng GRDP. Cùng với đó, trong quý I-2019, chỉ số công nghiệp tăng cao nhất trong những năm gần đây, ước tăng 6,24%. Ðiều này cho thấy, ngành công nghiệp phát triển đúng định hướng và dự báo từ đây đến cuối năm, ngành công nghiệp thành phố tiếp tục tăng do một số doanh nghiệp (DN) đã ký kết được nhiều đơn hàng lớn. Số DN trong nước thành lập mới 8.639 DN với tổng số vốn đăng ký là 147.114 tỷ đồng (tăng 2,4% số lượng DN và tăng 46% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2018). Số dự án FDI, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các DN trong nước, thành phố thu hút được 1,55 tỷ USD (tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2018), nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn thành phố đến nay 8.328 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 45,22 USD.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng: Có được những kết quả nêu trên là do trong ba tháng đầu năm, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được triển khai đồng bộ, góp phần hỗ trợ DN mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Ðồng thời, thông qua đó quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam và thành phố, các chính sách thu hút đầu tư mời gọi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều bào tham gia phát triển kinh tế thành phố. Hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động, hợp tác quốc tế của DN. Số DN trong nước thành lập mới và số dự án FDI cấp mới đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ba tháng đầu năm ước đạt 8,98 tỷ USD, tăng 5,7%, nhưng thấp hơn so cùng kỳ năm 2018 (ba tháng đầu năm 2018 tăng 10,6%). Khu vực dịch vụ tăng 7,7%, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,98%). Ðồng thời, thành phố còn các vấn đề tồn đọng như: tiến độ cổ phần hóa DN; nghiên cứu lập quy hoạch mới phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; đề án xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước… còn chậm.

Với quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, cũng như tạo cơ sở cho các năm kế tiếp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu: Ngay trong quý II này, các đơn vị, sở, ngành cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế, xã hội, văn hóa đã đề ra. Ðối với các chỉ tiêu còn khó khăn khi thực hiện, cần đề xuất các giải pháp sáng tạo đồng bộ, kiên quyết để hoàn thành vào cuối năm. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị nên bám sát chủ đề năm 2019 là "Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội" để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tinh thần này phải quán triệt trong hành động của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thành phố chú trọng tìm kiếm những giải pháp và thay đổi cách tiếp cận để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào thành phố. Tiến hành xác định từ 10 đến 15 nhà đầu tư lớn nước ngoài để mời gọi đầu tư vào các ngành chế tạo, dịch vụ trọng yếu. Ðẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thông qua việc tổ chức các hội nghị gặp gỡ các DN thành phố sản xuất các sản phẩm hỗ trợ và các công ty lớn của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học để tìm kiếm các giải pháp mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030. Về nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, thành phố tập trung các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa, phát triển và mở cửa thị trường, thay đổi căn bản trong xúc tiến thương mại, đi sâu vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn. Xây dựng và triển khai chương trình khuyến khích ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nghiên cứu, phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo tại thành phố giai đoạn 2019 - 2025.