Quản lý an toàn thực phẩm cần sự chính quy

Là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước, nhưng chỉ trong ba năm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hồ Chí Minh đã là “người gác cửa” đáng tin cậy cho sức khỏe hàng triệu người dân thành phố…
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Tháng 3-2017, với sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban Quản lý ATTP trên cơ sở hợp nhất bộ máy nhân sự từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Sở Công thương, ba đơn vị chia nhau “gác cửa” vấn đề này của thành phố từ nhiều năm trước. Việc thành lập Ban Quản lý ATTP là lời “tuyên chiến” đanh thép của thành phố với tình trạng thực phẩm bẩn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Trước đây việc quản lý ATTP giao cho ba sở cùng quản lý khiến đôi lúc xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc lúng túng trong phối hợp. Tuy nhiên với Ban Quản lý ATTP, vấn đề này là lẽ sống, là duy nhất và chúng tôi quyết tâm làm tốt. Từ lúc ra đời, Ban đã liên tục đưa ra các chương trình hành động thiết thực nhằm hạn chế thực phẩm bẩn xâm nhập vào thị trường, thành công nhất là triển khai hiệu quả mô hình các đội quản lý ATTP đến tận từng quận, huyện. Hiện Ban đã xây dựng được 10 đội quản lý ATTP, gồm: hai đội quản lý hai chợ đầu mối là chợ Bình Điền và Hóc Môn được phân công kiểm soát toàn bộ thực phẩm về chợ mỗi đêm. Cùng với đó là tám đội quản lý ở 24 quận, huyện. Đây được xem là những “cánh tay nối dài” của Ban đến tận các ngóc ngách của thành phố. Ban đã sử dụng 300 trong số 400 nhân sự hiện có để cơ cấu vào các đội này cũng như vào lực lượng thanh tra. Đây là lực lượng chủ chốt trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát vấn đề ATTP tại các địa phương. Từ khi có các đội quản lý ATTP, công tác kiểm soát trở nên hiệu quả hơn bởi các đội bám rất sát địa bàn. Chỉ trong ba năm, lần lượt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và phân phối thực phẩm trên địa bàn thành phố đều được tập huấn, thanh tra, hậu kiểm… đầy đủ. Việc thanh tra thường xuyên giúp các cơ sở có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về ATTP bởi họ luôn canh cánh nỗi lo có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào”.

Liên tục thanh tra, tích cực lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm và xử phạt nghiêm khắc nếu có vi phạm nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn là những hoạt động xuyên suốt được Ban thực hiện trong thời gian qua. Chỉ trong ba năm, việc lấy mẫu, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm đều tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Đặc biệt, lực lượng thanh tra của Ban còn rất linh động trong xử lý các vi phạm về ATTP bằng cách áp dụng các quy định về hàng lậu, hàng giả, tiêu hủy tại chỗ các thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thay cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm như trước đây, đồng thời kiên quyết bằng mọi giá xử lý nhanh gọn thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm, bởi nếu chờ đến khi có kết quả kiểm nghiệm thì toàn bộ thực phẩm này đã được đem đi tiêu thụ.

Các chợ tự phát hiện là vấn đề “đau đầu” vì vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trong thời gian thí điểm, Ban được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp sở, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên toàn thành phố, nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp lại không hướng dẫn cụ thể cho mô hình thí điểm này, cho nên còn nhiều lúng túng. Việc xử phạt vi phạm vẫn còn khá phức tạp, khiến đơn vị này nhiều khi rơi vào tình huống bị động, không biết phải xử lý như thế nào. Bên cạnh đó, dù hoạt động hiệu quả nhưng hệ thống các đội quản lý ATTP lại đang thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ vượt quá chức năng, nhiệm vụ của Phòng Thanh tra. Trong khi đó, nguồn nhân lực lại chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Biên chế bố trí thiếu và khó khăn cả trong tuyển dụng, chỉ trông cậy vào những người chuyển công tác từ nơi khác đến. Hiện Ban có 524 biên chế nhưng “dù cố gắng hết sức” mới có 406 người làm việc. “Chúng tôi hy vọng, sau thời gian thí điểm ba năm sẽ được chấp thuận chuyển đổi thành Sở Quản lý ATTP, nhằm tạo điều kiện cho chúng tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý, phát huy hiệu quả công tác, phù hợp với thực tế hoạt động”, bà Phong Lan kiến nghị.

Đồng tình với kiến nghị này, đại diện Hội Lương thực thực phẩm thành phố cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, khi mà quy mô, chủng loại hàng hóa và mức độ trao đổi thương mại ngành thực phẩm ngày càng lớn, đa dạng như hiện nay, vấn đề quản lý ATTP càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Một đầu mối để quản lý, một cơ quan để chịu trách nhiệm với vấn đề ATTP, bảo vệ sức khỏe cho người dân là nhu cầu cấp thiết của một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh.