Phát triển mạnh ngành dịch vụ logistics

TP Hồ Chí Minh có hệ thống logistics quan trọng nhất ở vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam cũng như cả nước. Để bắt kịp xu thế hội nhập, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống logistics, tạo động lực cho kinh tế của thành phố và cả vùng KTTĐ phía nam phát triển…
Một góc cảng Cát Lái, quận 2. Ảnh: QUANG QUÝ
Một góc cảng Cát Lái, quận 2. Ảnh: QUANG QUÝ

Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa các trục đường bộ đông - tây, bắc - nam kết nối với hệ thống các cảng lớn như: Cát Lái, Hiệp Phước… TP Hồ Chí Minh trở thành cửa ngõ xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) quan trọng của cả khu vực phía nam. Năm 2018, tổng kim ngạch XNK của thành phố đạt 85,2 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch XNK cả nước.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, nhiều năm qua, thành phố luôn dẫn đầu vùng KTTĐ phía nam và cả nước về logistics. Khối lượng hàng hóa vận chuyển của thành phố chiếm 40% của vùng KTTĐ phía nam; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt gần 75% của vùng KTTĐ phía nam và hơn 20% của cả nước.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại dịch vụ logistics, trong đó 70% đơn vị đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, đóng góp 35% doanh thu vận tải, kho bãi của cả nước. Các doanh nghiệp logistics có quy mô từ 1.000 đến 5.000 lao động, chiếm 50% của cả nước. Hiện, thành phố có hơn 40 cầu cảng với tổng chiều dài 14 km, 61 bến phao, sản lượng hàng hóa năm 2018 thông qua các cảng tại thành phố tăng 9% so năm 2017 và dự báo sản lượng năm nay sẽ vượt công suất quy hoạch đến năm 2020.

Tuy đã quá tải hàng hóa thông quan qua các cảng tại TP Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, thành phố chưa có trung tâm logistics đáp ứng tiêu chí và phương án quy hoạch theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, ảnh hưởng việc khai thác thế mạnh các cảng biển của thành phố. Điều này dẫn đến việc ùn tắc hàng hóa tại các cảng và tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường giao thông ra, vào các cảng. Riêng cảng Cát Lái (quận 2) tập trung khoảng 70% lượng công-ten-nơ xuất, nhập của cả nước với lượng xe vận tải công-ten-nơ ra, vào cảng Cát Lái bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm, có thời điểm lên đến 23.500 xe/ngày đêm khiến các tuyến đường ra, vào cảng này thường xuyên bị ùn tắc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết thêm: Chi phí cao, nguồn nhân lực còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa phù hợp, thủ tục chứng từ phức tạp, thiếu kinh nghiệm quản lý chuỗi, thiếu cơ sở vật chất… là những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ của ngành dịch vụ logistics của TP Hồ Chí Minh và cả nước. Do vậy, khi quy hoạch các cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, bãi đậu xe tải - công-ten-nơ…, cần xem xét trong tính liên ngành và liên vùng; chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư giao thông cho khu vực, nhất là hạ tầng vận tải đường thủy nội địa; có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để ngành dịch vụ logistics trở thành động lực cho kinh tế thành phố phát triển, thành phố cần sớm có chính sách hình thành và phát triển nhanh thị trường dịch vụ logistics dựa trên các nền tảng: Hạ tầng bến cảng, kho bãi, giao thông được kết nối hiệu quả nhất; cộng đồng doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, có nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, đủ sức cung cấp dịch vụ logistics trọn gói với giá cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp XNK, phân phối. Đồng thời, chú trọng xây dựng mạng lưới trung tâm logistics để trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối trong nội thành và trung chuyển hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong đó, ưu tiên phát triển dịch vụ logistics theo hai hướng: Trung tâm logistics gắn kết với các khu công nghiệp và trung tâm logistics trong khu vực các cảng cửa ngõ của thành phố…

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành dịch vụ logistics, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công thương thành phố chủ trì xây dựng Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, đề án cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, trở thành đầu mối của khu vực và góp phần kéo giảm chi phí logistics.

Theo đó, việc quy hoạch ngành logistics của thành phố cần chú trọng về phát triển hạ tầng, trong đó xác định vị trí, quy mô thành lập ba trung tâm logistics nhằm kết nối giao thông hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương. Nhiệm vụ này phải đáp ứng được hai yêu cầu: Thứ nhất là lưu trữ, trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối nội thành; thứ hai là trung chuyển, phân phối hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố, hàng hóa XNK thông qua cửa ngõ thành phố.

Cụ thể, xây dựng hai trung tâm logistics (phía bắc và phía nam thành phố), quy mô mỗi trung tâm giai đoạn đến năm 2020 ít nhất 40 ha và giai đoạn đến năm 2030 hơn 70 ha. Phạm vi hoạt động của hai trung tâm này chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận phía bắc và phía nam thành phố, kết nối với cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp... Song song đó, thành phố triển khai xây dựng trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với quy mô giai đoạn một ít nhất từ 3 đến 4 ha, giai đoạn hai từ 7 đến 8 ha…