Hóc Môn làm giàu từ trồng hoa lan

Đam mê trồng lan cho nên khi về hưu ông Phạm Thế Bé quyết định góp vốn với mấy anh em mua gần 6.000 m2 đất trồng hơn 60 nghìn cây lan Ngọc Điểm ở xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn từ năm 2016 đến nay…

Ông Nguyễn Văn Ba chăm sóc vườn lan.
Ông Nguyễn Văn Ba chăm sóc vườn lan.

Theo ông Bé, vốn đầu tư ban đầu khá cao, gần 5 tỷ đồng cho cả giống, nhà màng, hệ thống tưới và các chi phí khác. Muốn có giống lan tốt, ông nhập từ Thái-lan với hai loại cây là lan post có giá từ 18 đến 20 nghìn đồng/cây và lan từ chai mô giá từ 80 đến 120 nghìn đồng/chai (cho ra khoảng 25 đến 28 cây) tùy thời điểm. Ông Bé chia sẻ: “Ngọc Điểm là loại lan có giá trị kinh tế rất cao nhưng lại khó trồng hơn lan Dendrobium và Mokara, mà cái gì khó, ít người trồng, thị trường thiếu thì khi trồng thành công sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho nên chúng tôi chọn đối tượng lan này”. Lan Ngọc Điểm cho hoa vào dịp Tết, khi khí trời se lạnh, từ tháng 9 trong năm là đã có khách hàng đặt mua. Hoa có nhiều mầu sắc như đỏ thẫm, đỏ khoang trắng, hồng chấm tím, trắng tuyền… cho nên rất được khách hàng ưa chuộng. Một cây lan giống với giá khoảng 18 đến 20 nghìn đồng, sử dụng giá thể bằng than có giá từ 8 đến 11 nghìn đồng/kg, chậu khoảng 1.200 đến 1.500 đồng/chậu, phân thuốc, công lao động… thì giá thành khoảng 50 đến 60 nghìn đồng/chậu, sau 18 tháng là có thể thu hoạch, giá bán hiện 100 nghìn đồng/chậu, lời gần một nửa. Khách hàng của vườn chủ yếu ở các tỉnh phía bắc. Để lan phát triển tốt, ra hoa đẹp, người trồng trước tiên phải nắm vững kỹ thuật, khi nhập giống về phải xử lý khuẩn, nấm… cho tốt vì cây lan này khi bệnh là bệnh hàng loạt, khó trị cho nên chủ yếu là phòng bệnh là chính. Phải chú ý xịt phân, thuốc đầy đủ. Phải luôn giữ vườn sạch sẽ, có hệ thống tưới phun sương tự động, thường xuyên giữ ẩm. Cần nắm được đặc điểm của lan là ưa ánh nắng vừa phải, nếu nắng gắt sẽ làm cháy lá, còn thiếu nắng cây ốm yếu, lá mỏng, hoa nhỏ hoặc không ra hoa… Bên cạnh đó, mật độ trồng lan cũng không nên quá dày để cây có không gian thoáng mát, giúp sinh trưởng, phát triển tốt. Thêm nữa, cần tận dụng in-tơ-nét để tìm hiểu nhu cầu thị hiếu thị trường, các vấn đề về kỹ thuật và những địa chỉ vườn đẹp, vườn xấu để học hỏi kinh nghiệm từ đó. Quan trọng là phải đam mê, chăm sóc tỉ mỉ, luôn để mắt tới hoa. “Không tỉ mỉ thì hỏng. Trồng lan vừa nhàn hạ phù hợp sức khỏe hưu trí của tôi, vừa thỏa đam mê lại hứa hẹn cho thu nhập cao. Vườn nhà đầu tư khoảng ba năm cho nên năm sau có thể sẽ lấy lại vốn và có lời”, ông Bé vui vẻ nói.

Năm nay tuổi đã quá 70, ông Nguyễn Văn Ba (xã Đông Thạnh) vẫn hằng ngày chăm sóc ba vườn hoa lan. Tưới nước, làm cỏ, phun thuốc, tỉa cành… đều do một tay ông làm. Nghề trồng lan đến với ông vào năm 2004, khi ông đã về hưu, quay lại quê hương sống vui vầy với con cháu, gia đình. Nhưng rồi, rảnh rỗi sinh… thèm việc, thấy đất đai rộng nhưng lợi nhuận thu về không nhiều, tình cờ, ông biết ở Thái-lan trồng hoa lan cho năng suất và thu nhập tốt, liền bàn với vợ gom tiền để qua nước bạn tham quan, học hỏi. “Họ làm đâu ra đấy. Rất chuyên nghiệp. Khi vào vườn lan của họ, tôi cứ tưởng mình lạc vào xứ thần tiên. Thái-lan có điều kiện khí hậu như Việt Nam. Cái mình thiếu là kỹ thuật, giống, công nghệ và cái gan để làm”. Về nhà, ông Ba liền xắn tay vào làm. Vườn xoài hơn 2.000 m2, mỗi năm hai vụ, được ông phá bỏ, rồi nâng nền cho khỏi ngập úng. Bao nhiêu tiền bạc tích lũy dưỡng già của vợ chồng, ông đổ vào vườn lan. “Không tính tiền đất, chỉ riêng chi phí đầu tư, xây dựng hồi đó đã gần cả tỷ đồng. Nếu làm không xong thì coi như hai vợ chồng già tay trắng”, ông Ba nhớ lại. Ông Ba hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa lan huyện Hóc Môn, 14 năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Ước tính mỗi năm, vườn lan của ông sinh lời vài trăm triệu đồng. Những giò lan của vườn ông Ba ban đầu bán cho người chơi, rồi tới các quầy hoa tươi, len lỏi vào các trung tâm, hội chợ, khách sạn. Khách hàng tìm đến đặt hàng nhiều đến nỗi không đủ số lượng giao. Ba vườn lan với tổng diện tích 6.000 m2, các loại lan ở đây gồm: Mokara, bò cạp, cá vàng, cá đỏ… và hàng trăm loại lan kiểng khác. Hiện, ông bán mỗi chậu từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng. Mối lái cứ vài ngày lại ghé vườn lan nhà ông, mang hàng đi cả nước.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố đã xác định hoa là một trong những sản phẩm chủ lực thì sở sẽ là một trong những đơn vị hỗ trợ trong mảng chính sách để làm sao người trồng hoa có đủ điều kiện mở rộng vườn trồng, nâng cao chất lượng và năng suất đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong đợt Tết cũng như hằng năm”. Đến giữa năm 2018, diện tích trồng hoa lan trên địa bàn thành phố có khoảng 360 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, sản lượng cung ứng khoảng 7 triệu chậu và gần 70 triệu cành, với nhiều chủng loại như: Mokara, Dendrobium, lan rừng Ngọc Điểm, Hồng Ngọc… Năm 2017, giá trị sản xuất hoa lan đạt hơn 615 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng lan ở thành phố tăng lên khoảng 400 ha, năm 2025 đạt 550 ha và năm 2030 đạt khoảng 600 ha, trong đó, chủ yếu tập trung phát triển lan cắt cành.