Hiệu quả từ chương trình kích cầu đầu tư

Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá chương trình kích cầu đầu tư của thành phố nhằm lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, tổ chức cũng như các sở, ngành để khắc phục những nhược điểm của Quyết định số 50, tạo điều kiện cho chương trình thiết thực hơn.
Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Từ khi thực hiện Quyết định số 50 (ngày 30-10-2015) đến nay, về kích cầu đầu tư trên địa bàn, UBND thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.798 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư một dự án đạt 84,69 tỷ đồng, và cứ bình quân một đồng ngân sách bỏ ra thu hút được 13,45 đồng từ xã hội. Tuy nhiên, theo ý kiến các đơn vị được hỗ trợ từ chương trình này, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc khi doanh nghiệp, tổ chức muốn tham gia, nguồn vốn chưa đáp ứng so với nhu cầu. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Anh Tuấn cho biết, với mục đích tiếp tục hỗ trợ các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển, thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành, như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; các lĩnh vực an sinh xã hội như y tế, giáo dục… bước đầu đã phát huy tác dụng. Đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, từ khi bệnh viện tham gia chương trình kích cầu đầu tư đã vay hơn 300 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện. Nhờ những thiết bị hiện đại, thời gian qua, bệnh viện đã điều trị kịp thời những bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ tử vong cao. Sắp tới bệnh viện sẽ đưa mô hình cấp cứu bằng máy bay lên thẳng vào hoạt động, phẫu thuật bằng rô-bốt để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị UBND thành phố xây dựng nghị quyết về chương trình kích cầu đầu tư của thành phố làm cơ sở điều chỉnh, thay thế Quyết định số 50 nhằm phù hợp tình hình thực tế của các dự án và xu hướng phát triển kinh tế thành phố. Đồng thời, bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp khởi nghiệp, bổ sung danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách có khả năng chuyển đổi sang các hình thức tham gia chương trình kích cầu đầu tư, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn và có khả năng mang lại nguồn thu. Bên cạnh đó, đề xuất cho phép nâng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất của một dự án từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Theo ông Trần Anh Tuấn, chương trình là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn phương án đầu tư hiệu quả. Thông qua chương trình, nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, y tế - giáo dục.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, từ khi thực hiện chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50, UBND thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.798 tỷ đồng. Số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất 11.209 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư 84,69 tỷ đồng/dự án. Trong đó có 17 dự án lĩnh vực công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 3.006 tỷ đồng; vốn được hỗ trợ lãi suất 1.051 tỷ đồng; 15 dự án công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đầu tư 1.393 tỷ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 584 tỷ đồng; một dự án nông nghiệp, chăn nuôi với tổng vốn đầu tư 205 tỷ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 99,77 tỷ đồng. Trong lĩnh vực hạ tầng có 188 dự án với tổng vốn đầu tư 9.567 tỷ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 5.619 tỷ đồng; tám dự án môi trường với tổng mức đầu tư 1.521 tỷ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 712 tỷ đồng. Ngoài ra, có 26 dự án giáo dục, đào tạo và 25 dự án y tế. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh khẳng định, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho vay, tuy nhiên, doanh nghiệp muốn vay ngân hàng phải đủ điều kiện và có tài sản thế chấp. Hiện ngân hàng có thay đổi cho vay thế chấp bằng dòng tiền với điều kiện doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về tài chính. Hình thức cho vay này chiếm gần 15% trong tổng dư nợ của thành phố, mặc dù có những rủi ro đối với ngành ngân hàng.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đánh giá chương trình kích cầu đầu tư thành phố, đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại thay thế hàng nhập khẩu; thúc đẩy xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực. Thông qua chương trình kích cầu đầu tư, thành phố đã có nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, có giá trị gia tăng cao, cải tiến công nghệ, trình độ quản lý và tạo thêm nhiều việc làm trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu. Trong các lĩnh vực y tế, giáo dục nhờ đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến cùng kết cấu hạ tầng hiện đại đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân thành phố. Đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá, hội nghị này giúp thành phố nhận diện được các “điểm nghẽn” trong chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, từ đó bổ sung hoàn chỉnh, tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm ăn lâu dài tại địa phương. TP Hồ Chí Minh cũng bổ sung các lĩnh vực văn hóa, thể thao, nông nghiệp… vào danh mục được hỗ trợ lãi suất vay từ chương trình kích cầu đầu tư.