Để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính lớn

Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, được kỳ vọng không chỉ giúp thành phố chuyển đổi mô hình phát triển từ bề rộng sang chiều sâu, mà còn tạo sức lan tỏa, bứt phá cho cả nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, để biến khát vọng đã ấp ủ từ cách đây gần 20 năm sớm thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều cấp, nhiều ngành.
Giới thiệu phần mềm thông minh quản lý đầu tư TP Hồ Chí Minh.
Giới thiệu phần mềm thông minh quản lý đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Bài 1: Tập trung khai thác các yếu tố thuận lợi

Với lợi thế tự nhiên và là động lực lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và khu vực, TP Hồ Chí Minh đang có nhiều cơ hội để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực và quốc tế. Đây cũng là xu hướng tất yếu, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển không chỉ riêng thành phố mà chung cho cả nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

“Chìa khóa” bứt phá kinh tế

Từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh đã xác định thế mạnh về thị trường tài chính và đặt mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực. Trong gần 20 năm qua, thành phố luôn chú trọng việc phát triển thị trường tài chính như là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, với nhóm ngành kinh tế công nghiệp - thương mại - tài chính, thành phố tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm nhiều mặt của cả nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển thị trường tài chính trên địa bàn thành phố đã diễn ra không được như kỳ vọng, việc vươn lên để trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của khu vực ASEAN còn khá xa. Làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế, khát vọng thành hiện thực đang là bài toán không chỉ đối với thành phố, mà còn là vấn đề lớn của cả nước.

Nhiều năm qua, ngành tài chính thành phố tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong chín ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của thành phố. Ngành tài chính cũng đã giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, 50% số doanh nghiệp cả nước nằm ở thành phố và nếu tính của cả Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam là 65%. Mặc dù đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng nhìn chung mức độ phát triển và quy mô giao dịch của thị trường tài chính thành phố vẫn còn nhỏ và nhiều khó khăn, chưa thật sự hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khi thành phố trở thành trung tâm tài chính, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư. Trước hết, thành phố là một đô thị đặc biệt với dân số đông nhất cả nước, là hạt nhân của Vùng KTTĐ phía nam, khu vực được đánh giá là năng động nhất cả nước. Nếu tăng đầu tư vào khu vực này sẽ còn tăng trưởng mạnh và đem lại thu nhập cho nhà đầu tư cao hơn, đồng thời thúc đẩy Vùng KTTĐ phía nam phát triển, kéo theo cả nước cùng phát triển.

Với ý chí kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, thành phố phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Bởi, đây là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá trong thời gian tới.

Tận dụng những lợi thế sẵn có

TP Hồ Chí Minh có những điều kiện để phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ngoài việc là đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố đang dần hình thành Khu đô thị sáng tạo phía đông, có tới 80 trường đại học và cao đẳng với 600 nghìn sinh viên theo học, mỗi năm có tới 120 nghìn sinh viên ra trường, là điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường.

Cùng với đó, thành phố đang đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, tập trung nguồn lực cho việc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và lập kế hoạch chi tiết các bước triển khai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hoàn thiện hạ tầng giao thông trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Thành phố cũng là địa phương đầu tiên cả nước thí điểm mạng 5G, dự kiến đến năm 2025 sẽ phủ sóng toàn thành phố để hỗ trợ hình thành hệ sinh thái phát triển trung tâm tài chính đồng bộ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh đang có những lợi thế tự nhiên sẵn có để thực hiện phát triển trung tâm tài chính lớn. Việc dễ dàng kết nối thông qua đường hàng không với những nền kinh tế như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng là lợi thế không nhỏ. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đã kết nối với 72 thành phố của hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, sân bay phục vụ hơn 38,4 triệu hành khách, vượt 1,56 lần công suất thiết kế. Dự báo đến năm 2025, số lượng hành khách khu vực thành phố sẽ đạt khoảng 65 triệu và đạt mức 85 triệu vào năm 2030, tăng bình quân 6,7%/năm. Việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ giúp nâng tổng công suất của khu vực lên 75 triệu hành khách một năm và tăng lên 100 triệu hành khách vào năm 2030.

TP Hồ Chí Minh đang đóng góp khoảng 24% GDP, một phần ba ngân sách, 22% tổng vốn FDI cả nước. Điều này cho thấy nhu cầu hoạt động tài chính ở thành phố nói riêng và cả Vùng KTTĐ phía nam là rất lớn. Rõ ràng, TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để nhanh chóng trở thành một trung tâm tài chính mới của khu vực và quốc tế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Chủ trương xây dựng Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn rất cần thiết. Đây không phải là vấn đề riêng của thành phố, mà chính là một bộ phận trong chiến lược kinh tế của quốc gia với định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Tuy nhiên, mọi ý tưởng xây dựng thành phố thành một trung tâm tài chính lớn vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò giảm dần. Xét về quy mô thị trường tài chính, tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn thành phố so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% năm 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018, xếp sau Hà Nội (34%).

Vậy, liệu thành phố có còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính của nước ta và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn hay không? Phải chăng chủ trương của UBND thành phố xây dựng Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là sự nối tiếp công việc trước đây bị gián đoạn trong điều kiện mới, hay nâng vị trí vai trò của thành phố với một tầm nhìn mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay? Đây là những vấn đề cần làm rõ về tính khả thi của đề án.

(Còn nữa)