Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Đem hàng hóa tham gia các phiên chợ, hội chợ, tuần hàng là một kênh xúc tiến thương mại hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị phần, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng thông qua kênh xúc tiến thương mại đưa hàng hóa vào TP Hồ Chí Minh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp Lào giới thiệu sản phẩm thảo dược của cơ sở sản xuất thuộc tỉnh Sa-vẳn-na-khệt.
Doanh nghiệp Lào giới thiệu sản phẩm thảo dược của cơ sở sản xuất thuộc tỉnh Sa-vẳn-na-khệt.

Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Lào diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo người dân thành phố. Gần 100 gian hàng của các doanh nghiệp Lào, với 126 tấn hàng hóa gồm 139 loại sản phẩm, được chia thành 7 nhóm như gạo, nếp và các sản phẩm từ gạo; đặc sản vùng, miền như khô bò, khô heo, gà chế biến; trái cây, củ quả sấy như chuối, dứa, mít, bí, khoai lang, khoai môn, khoai sọ... được canh tác theo hướng hữu cơ; các loại thảo dược và thực phẩm dinh dưỡng gia truyền của các dân tộc Lào; các mặt hàng đồ gỗ, nội thất... Khu vực ẩm thực bày đủ các món ngon, hương vị truyền thống đặc trưng của Lào như thịt gà nướng và gỏi đu đủ, gian hàng các loại bia Lào mời khách dùng thử. Chị Nguyễn Thị Đào, đại diện chủ cơ sở Tân Hoàng Minh, chuyên gia công, chế biến thực phẩm khô chia sẻ: “Tôi đang tìm kiếm sản phẩm mới để nhập hàng, đồng thời tìm hiểu thông tin đối tác để giới thiệu sản phẩm của cơ sở mình, với mục đích thăm dò thị trường, tìm đường xuất khẩu”.

Thời gian gần đây, việc kết nối, giao thương giữa Việt Nam và các nước đang ngày càng rộng mở, nhất là trong năm 2018 khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực. Doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đưa sản phẩm vào nước ta giới thiệu, mà doanh nghiệp trong nước cũng được TP Hồ Chí Minh tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa ra nước ngoài quảng bá. Cụ thể, giữa tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của đoàn đại biểu cấp cao TP Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong dẫn đầu, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Aichi với chủ đề: “Lễ hội Việt Nam tại Aichi 2018 – TP Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển”. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, TP Hồ Chí Minh thu hút gần một tỷ USD, gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2017 và bằng gần một phần ba cả nước. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của thành phố. Nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TP Hồ Chí Minh đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo…

Trước đó, ITPC cũng phối hợp Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất tổ chức chương trình khảo sát thị trường Trung Đông - một trong những thị trường tiềm năng và có sức mua lớn. Chuyến đi này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thâm nhập, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, nhất là các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như: thực phẩm, nông sản, gạo, trái cây... Đợt khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư tại Cu-ba gần đây cũng là một hoạt động hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả. Theo ITPC, hiện nay Cu-ba đang thúc đẩy kêu gọi đầu tư nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế như xây dựng cảng biển mới, đầu tư cho hệ thống đường sắt, cảng hàng không, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đổi mới ngành công nghiệp luyện kim và khai thác khoáng sản; kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống. Ngoài ra, Cu-ba cũng mong muốn xuất khẩu các nhóm hàng như dịch vụ du lịch, dịch vụ y tế chuyên sâu, sản phẩm y dược và công nghệ sinh học… Với lợi thế này, tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp của cả hai nước trong việc khai thác thị trường của nhau và hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch là rất lớn. Hiện tại, Việt Nam có nhiều thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản… cũng như kêu gọi hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế và du lịch.

Giám đốc ITPC Phạm Thiết Hòa chia sẻ: Trong năm 2018, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được thực hiện theo chiều sâu. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại các thị trường truyền thống, ITPC sẽ đẩy mạnh khảo sát, khai thác các thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao như EU, Mỹ, thị trường các nước tiềm năng như Nga, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, Cu-ba và một số nước ASEAN. “ITPC sẽ phối hợp các hiệp hội, hội ngành nghề chọn những doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng với giá cả cạnh tranh để đẩy mạnh kết nối giao thương với các tập đoàn bán lẻ, các nhà mua hàng quốc tế, các hệ thống siêu thị hiện đại trong và ngoài nước. Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phiên chợ hàng Việt cũng được tổ chức tại các quận, huyện của thành phố và mở rộng sang các tỉnh, thành phố khác” - ông Hòa cam kết.