Ðẩy mạnh hợp tác thương mại giữa các địa phương

TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác thương mại (HTTM) với các tỉnh, thành phố trên cả nước trên cơ sở phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhằm tìm kiếm nguồn hàng hóa ổn định, bảo đảm chất lượng để cung cấp cho thị trường thành phố. 

Các doanh nghiệp giao thương, kết nối cung - cầu tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2020.
Các doanh nghiệp giao thương, kết nối cung - cầu tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2020.

Thiết lập chuỗi cung ứng ổn định

Theo Sở Công thương thành phố, trong khuôn khổ chương trình HTTM, tính đến nay đã có 28 doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường của thành phố đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi, trồng tại các địa phương thuộc khu vực Nam Bộ với tổng vốn đầu tư hơn 18 nghìn tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân sản xuất, thu mua nông sản đạt bình quân 3.200 tỷ đồng/năm. Từ năm 2012 đến 2020, chương trình HTTM và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố và các địa phương khác có quy mô ngày càng mở rộng, chủng loại hàng hóa ngày càng phong phú; số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Giai đoạn 2012 - 2020 có gần 700 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Phần lớn DN bình ổn thị trường của thành phố đều xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh. Ðiển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) có hệ thống dịch vụ hậu cần, siêu thị phủ khắp cả nước và là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ mặt hàng nông sản với sản lượng lớn và cung cấp ra thị trường. Còn Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) liên kết với nhiều trang trại chăn nuôi tại các địa phương, tiêu thụ bình quân 31 nghìn tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm; VISSAN còn tổ chức mạng lưới phân phối với gần 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 100 nhà phân phối và hơn 130 nghìn điểm bán hàng trên cả nước…

Bên cạnh đó, mạng lưới ba chợ đầu mối của thành phố tiếp tục là đầu mối tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày những mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương để tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng không ngừng nâng cao năng lực thương mại, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa đi nhiều địa phương khác; góp phần điều phối, lưu thông hàng hóa, cân đối cung - cầu hàng hóa tại khu vực phía nam. Không những vậy, phần lớn DN bình ổn thị trường của thành phố áp dụng chính sách "một giá" và có hệ thống phân phối trên cả nước. Vì vậy, sản phẩm hàng hóa bình ổn thị trường của thành phố cũng được phân phối đến các địa phương khác trên cả nước, góp phần thực hiện công tác bình ổn giá hàng hóa tại các địa phương. Theo Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ, việc mở rộng HTTM, kết nối cung - cầu hàng hóa là con đường giao thương tất yếu; giúp DN mở rộng thị trường và thị phần, cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh. Chương trình HTTM giữa thành phố và các địa phương khác đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa thành phố và các địa phương khác; tạo điều kiện thuận lợi cho DN liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và là cầu nối giao thương, cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường; cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Ðẩy mạnh hợp tác theo chiều sâu

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ, thời gian tới, thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường thông qua việc sớm triển khai Ðề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam". Những năm gần đây, thành phố đã giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng hoạt động sản xuất nông nghiệp của các tỉnh và đã thực hiện rất tốt vai trò này thông qua việc đề ra những tiêu chuẩn đầu vào cho hàng hóa khi muốn vào thị trường thành phố như: Bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, yêu cầu về bao bì... Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh đã có chuyển biến tích cực, dần hình thành được những chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng cao… Cùng quan điểm, đại diện các địa phương khác cũng cho rằng: Thành phố cần tăng cường cung cấp thông tin về nhu cầu mua hàng của các DN ở thành phố; các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm khi tham gia thị trường thành phố… Những thông tin này không chỉ giúp các tỉnh định hướng hoạt động sản xuất mà còn từng bước giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng tầm sản phẩm để hướng đến thị trường quốc tế.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành công thương thành phố sẽ nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình HTTM thông qua triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường và Chương tình kết nối cung - cầu hàng hóa tại mỗi địa phương, tạo điều kiện cho DN thành phố và các địa phương gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chương trình HTTM sẽ hướng tới mở rộng tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, gia dụng (sản phẩm may mặc, nhựa...). Bên cạnh đó, tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi, trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi, trồng đến phân phối. Ðồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa lưu thông, hàng hóa cung ứng cho thị trường thành phố từ các địa phương khác trên cơ sở tăng cường thực hiện kiểm soát tại nguồn… Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Ðức lưu ý: Hiện nay nước ta đã ngày càng hội nhập sâu và rộng về kinh tế khi đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với việc phát triển thị trường cho cộng đồng DN, người sản xuất hàng hóa. Vì vậy, các DN cần liên kết chặt chẽ hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể đứng vững và phát triển bền vững.