Xứng đáng là cái nôi của ngành Điện Cách mạng Việt Nam

NDO -

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc - EVNNPC (6-10-1969 - 6-10-2019), chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Đỗ Nguyệt Ánh, Tổng Giám đốc EVNNPC về truyền thống hào hùng của ngành Điện nói chung và EVNNPC nói riêng; những khó khăn và thách thức hiện nay cũng như phương hướng phát triển trong tình hình mới để đưa EVNNPC lên một tầm cao mới, xứng đáng với truyền thống, sứ mệnh và trọng trách được Đảng, Chính phủ, ngành Điện và nhân dân giao phó.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện.
Công nhân Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện.

PV: Thưa bà, trên chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, EVNNPC đã có những bước tiến quan trọng nào, khẳng định được sức mạnh nội lực của mình?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Đến ngày 6-10 năm nay, EVNNPC kỷ niệm 50 năm ra đời và phát triển. Tuy nhiên, ngược dòng thời gian, có thể nói là lịch sử của EVNNPC có từ rất lâu về trước. Từ năm 1892, khi đội quân của thực dân Pháp lần đầu tiên tới Việt Nam đã xây dựng những công trình rất sơ khai cấp điện cho Thủ đô Hà Nội cũng như miền bắc Việt Nam. Vào thời điểm đó, đã phôi thai ra Công ty Điện lực Miền Bắc, chính là EVNNPC ngày nay.

Có thể nói rằng, kể từ thời điểm đó, cả một quãng thời gian đất nước phát triển, ngành Điện bảo đảm nhiệm vụ và sứ mệnh cung cấp dòng điện và nguồn năng lượng cho đất nước thì bất cứ sự kiện nào cũng có dấu ấn của EVNNPC. Những sự kiện trọng đại như Bác Hồ về thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ, thời điểm đó cũng là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Những sự kiện tiếp theo là những công trình đầu tư xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sự kiện giải phóng miền nam, thống nhất đất nước năm 1976 khi thành lập ba Công ty điện lực ở các miền bắc, trung, nam cũng chính là EVNNPC đã san sẻ nguồn lực của mình, cho sự ra đời, vận hành hai Tổng công ty còn lại.

Rồi những sự kiện sau này, như đầu tư xây dựng những công trình, lưới điện quan trọng đều có dấu ấn của EVNNPC. Như công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, các công trình lưới điện truyền tải 220 kV; đặc biệt là công trình lưới truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc Nam với chiều dài gần 1.500 km và bốn trạm biến áp 500 kV. Những công trình đó được ra đời vào thời điểm mà EVNNPC được giao nhiệm vụ thực hiện những công trình này. Sau đó, đến 1995, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam - nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra đời, EVNNPC đã hoàn thành sứ mệnh truyền tải, phát điện của mình và chính thức bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn phân phối điện trên địa bàn miền bắc Việt Nam.

Có thể nói rằng, chúng tôi rất tự hào, tất cả những bước đường phát triển của ngành Điện đều có dấu ấn của EVNNPC. Chúng tôi cũng rất vinh dự, vì EVNNPC là cái nôi của ngành Điện cách mạng Việt Nam.

PV: Để có được những thành tựu, bước tiến quan trọng đó, EVNNPC đã vượt qua những khó khăn, thách thức gì, thưa bà?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Thách thức khó khăn thì muôn vàn. Thách thức thứ nhất là nguồn lực bị hạn chế. EVNNPC có bề dày lịch sử như vậy thì trong những năm kháng chiến; trong những năm miền bắc đi lên xây dựng CNXH; miền nam thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong những năm đó, cả nước thực hiện chính sách tiết kiệm mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa xây dựng CNXH miền bắc. Trong những giai đoạn này, nguồn lực về vật chất của Tổng Công ty vô cùng hạn hẹp; các điều kiện về tiếp cận công nghệ; đào tạo cán bộ rất hạn chế.

Tuy nhiên, với truyền thống của mình, với sự chỉ đạo rất sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với sự nỗ lực không ngừng vươn lên với tinh thần vì dòng điện cho Tổ quốc, CBCNV EVNNPC đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Xứng đáng là cái nôi của ngành Điện Cách mạng Việt Nam ảnh 1

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc - EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh.

PV: Theo bà, đâu là những yếu tố để EVNNPC gặt hái được thành tựu như ngày hôm nay?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Chúng tôi nghĩ rằng, yếu tố quan trọng nhất đó là tính truyền thống. Tất cả chúng tôi, những người CBCNV ngày hôm nay rất tự hào về truyền thống của mình. Là đơn vị ra đời đầu tiên và gánh trên vai nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng và Chính phủ tin tưởng, sức mạnh nội lực của chúng tôi cần phải phát huy hết sức mình, để xứng đáng với sự kỳ vọng, với nhiệm vụ to lớn được giao phó. Đó là chìa khóa then chốt của toàn thể CBCNV EVNNPC đạt được nhiệm vụ.

PV: Năm nay cũng đánh dấu mốc quan trọng, mở ra một chặng đường mới của EVNNPC khi thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý từ mô Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc sang mô hình có HĐTV, Ban Tổng Giám đốc. Bà có thể chia sẻ những cơ hội, cũng như thách thức của EVNNPC trong giai đoạn tới?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, thách thức đối với ngành Điện nói chung và EVNNPC là rất lớn. Thách thức đầu tiên đó là nhu cầu về điện đối với sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân tăng trưởng cao. Trong khi đó, nhiều công trình nguồn điện, lưới điện cần thiết phải đầu tư theo quy hoạch điện quốc gia không đạt được tiến độ. Đó là thách thức lớn nhất. Bởi nếu những công trình này không bảo đảm, chúng tôi dù nỗ lực đến mấy cũng rất khó để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thách thức thứ hai là ngành Điện bước sang một giai đoạn quyết định, đặc biệt là khối phân phối điện. Theo Đề án về phát triển thị trường điện cạnh tranh mà Chính phủ đã phê duyệt, năm 2020 và 2021 sẽ phải tiến hành tái cơ cấu khối các Tổng Công ty phân phối điện; sẽ hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Như vậy, đòi hỏi các Tổng Công ty Điện lực chuẩn bị sẵn sàng để bước vào một giai đoạn mới.

Hiện nay, chỉ tiêu của chúng tôi đặt ra đã rất gay gắt. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn đang trong giai đoạn độc quyền tự nhiên. Sắp tới, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thị trường, với rất nhiều yếu tố đa sở hữu tham gia vào thị trường phân phối điện. Nếu chúng ta không chuẩn bị được chu đáo, thì chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà.

PV: Bà có thể chia sẻ những mục tiêu của EVNNPC trong giai đoạn tới?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Mục tiêu chúng tôi đặt ra là phải vượt lên chính mình. Hiện nay, EVNNPC hoạt động trên bình diện độc quyền tự nhiên nên rất khó để so sánh được với các đối thủ trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận so các đơn vị cùng kinh doanh phân phối điện trong khu vực và trên thế giới, thì chúng tôi thấy rằng, vẫn còn có khoảng cách tương đối và có rất nhiều những giải pháp, chỉ tiêu mà chúng tôi cần phải thực hiện để bảo đảm làm sao rút ngắn khoảng cách giữa EVNNPC, ngành Điện Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chúng tôi có đặt ra hệ thống các chỉ tiêu trong lĩnh vực quản trị, sản xuất kinh doanh, quản lý kỹ thuật, dịch vụ khách hàng. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi, là chúng tôi đo lường mọi thứ bằng năng suất lao động, độ hài lòng của khách hàng. Chúng tôi đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp có năng suất lao động tương đương các nước trong khu vực và độ hài lòng khách hàng đạt điểm giỏi (trên 8 điểm).

PV: EVNNPC sẽ triển khai những giải pháp gì để đạt được những mục tiêu này, thưa bà?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Xuất phát điểm từ mục tiêu phải bảo đảm năng suất lao động cao, thời gian tới chúng tôi phải hoàn thiện hệ thống quản trị của Tổng Công ty. Thực ra, hệ thống quản trị của chúng tôi đã được thực hiện trong một thời gian rất dài, tuy nhiên, hiện nay đang là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, có những thành tựu công nghệ và rất nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ chúng tôi đạt mục tiêu này. Chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống quản trị, trên tinh thần số hóa mọi khâu, số hóa mọi quy trình, số hóa mọi phần tử trong hệ thống, làm sao rút ngắn tất cả quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng như bảo đảm thông suốt trong quy trình, không có khâu trung gian; bảo đảm năng suất lao động ở mức tối ưu.

PV: Năm 2019, mục tiêu EVNNPC đặt ra đạt điểm hài lòng 8,13. Để đạt được mục tiêu này, EVNNPC sẽ phải làm những gì? Trong thời gian tới, EVNNPC sẽ thực hiện những giải pháp gì để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: EVNNPC là địa bàn rất đặc thù, hơn 70% là nông thôn, miền núi. Hiện nay, vẫn còn một tỷ lệ nhất định các hộ dân chưa được sử dụng điện. Trải qua một thời gian dài, chúng tôi đã phấn đấu, nỗ lực rất nhiều. Hiện nay, tỷ lệ số hộ dân nông thôn của EVNNPC đã được tiếp cận điện năng đạt mức cao nhất trong toàn Tập đoàn cũng như các nước trong khu vực. Chúng tôi đi khảo sát trong khu vực, bản thân bạn bè quốc tế rất ngạc nhiên về những thành tích EVNNPC đạt được.

Bước sang một giai đoạn mới, chúng tôi đã đạt được những thành tích về bề rộng, cung cấp đủ điện; bảo đảm độ phủ điện đến khách hàng. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu chăm sóc khách hàng và thực hiện công tác dịch vụ khách hàng theo chiều sâu. Tức là, không những bảo đảm cung cấp điện cho khách hàng mà còn đạt chất lượng, độ an toàn, thời gian nhanh nhất. Chúng tôi có bộ chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng; có phân tích từng khâu từ khâu thủ tục, trong khâu vận hành, khâu quản lý, chăm sóc sau bán hàng… Từ đó, đưa ra giải pháp cho từng khâu.

Đặc biệt, chúng tôi sử dụng Tổng đài Chăm sóc khách hàng là nơi tiếp nhận mọi ý kiến của khách hàng. Chúng tôi cũng sử dụng Tổng đài này chính là nơi giám sát từng đơn vị trong Tổng công ty thực hiện công tác cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tổng đài Chăm sóc khách hàng cũng chính là cầu nối, kênh tương tác giữa Tổng Công ty với khách hàng. Qua đó, chúng tôi đánh giá được sự hài lòng của khách hàng; đánh giá được những vấn đề mà khách hàng còn quan tâm để thực hiện tốt hơn.

PV: Điện khí hóa nông thôn là một trong những điểm sáng của EVNNPC, bà có thể cho biết hoạt động trong thời gian qua Tổng Công ty đã làm để đạt được những thành tựu này?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Trong EVN, EVNNPC được coi là là đơn vị khó khăn nhất, bởi địa bàn có tới 70% là địa bàn nông thôn, miền núi. Khác với lưới điện của các đơn vị khác, lưới điện của EVNNPC được hình thành từ rất nhiều nguồn gốc khác nhau, đa sở hữu, đa nguồn gốc, từ thời các HTX chung tay, Nhà nước và nhân dân cùng làm; những tài sản bàn giao từ nông trường, khách hàng công nghiệp; gần đây là những tài sản ngành Điện bàn giao. Đối với những tài sản đó, quy chuẩn xây dựng không đồng nhất, chỉ phục vụ một nhóm khách hàng. Do đó, khi EVNNPC tiếp quản, vấn đề đặt ra là rất nặng nề, đó là làm sao vận hành bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng cũng phải bảo đảm cấp điện cho khách hàng của mình với chất lượng, quy mô lớn nhất.

Chính vì thế, EVNNPC ngay từ khi mới thành lập, đặc biệt là giai đoạn những năm 1990, khi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp nhận lưới điện khu vực nông thôn, để hoàn thiện, đầu tư cấp điện cho khách hàng, EVNNPC được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của EVN đã tiến hành chương trình cấp điện cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

Tính đến tháng 8-2019, từ chỗ lưới điện chắp vá, cũ nát, lạc hậu, độ phủ điện chỉ đạt 40-50%, đến nay, EVNNPC đã có được thành tích rất đáng tự hào: 100% số huyện, 100% số xã, 98,65% số hộ dân nông thôn đã được EVNNPC cấp điện bằng lưới điện quốc gia. Đó là một trong những chỉ tiêu cao nhất trong khu vực và đạt tầm là cao nhất trên thế giới.

PV: Bên cạnh điểm sáng về điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho công nghiệp cũng được khách hàng đánh giá cao, nhất là khách hàng FDI. Bà có thể, chia sẻ những thông tin liên quan đến đầu tư, việc cấp điện cho nhóm khách hàng này?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Cấp điện cho công nghiệp cũng là một điểm sáng và một đặc thù của EVNNPC. Về cơ cấu khách hàng của EVNNPC, đến 65% là khách hàng công nghiệp. Khác biệt so các đơn vị khác như Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, khách hàng sinh hoạt là chủ yếu. Với tỷ lệ 65% như vậy, và trong những năm qua, với chính sách mở cửa và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ, có một làn sóng các doanh nghiệp đầu tư vào miền bắc, do những yếu tố về chính sách thu hút đầu tư, cam kết, hoặc nhìn nhận Việt Nam là môi trường lý tưởng trong đầu tư.

Chúng tôi cũng nhìn nhận đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của EVNNPC bên cạnh việc cấp điện cho khách hàng, cũng góp phần làm GDP của cả nước được tăng trưởng. Chính vì thế, chúng tôi luôn xác định, nhiệm vụ cấp điện cho công nghiệp là tối quan trọng trong công tác kinh doanh của EVNNPC.

Với khu vực 65% khách hàng công nghiệp này, tốc độ tăng trưởng trung bình trong những năm qua đạt từ 13-15%/năm; có những năm tốc độ tăng trưởng đạt hơn 20%. Do đó, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực bố trí vốn, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình điện, bảo đảm rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng khu công nghiệp đến mức tối đa; đồng thời, chúng tôi có chủ trương cấp điện từ nhiều nguồn khác nhau, bảo đảm cho sản xuất được liên tục và không bị ảnh hưởng bởi chất lượng điện. Nhờ đó, sản lượng điện trong khu vực khách hàng công nghiệp của EVNNPC ngày một tăng lên. Các khách hàng, đặc biệt là khách hàng khối FDI, khách hàng trọng điểm như Samsung, LG, các khu công nghiệp khác rất hài lòng về dịch vụ của chúng tôi; được thể hiện ở sự tăng trưởng về sản lượng, đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất mạnh mẽ hơn; đặc biệt có những khách hàng chuyển các nhà máy từ các khu vực khác sang Việt Nam.

PV: 50 năm là chặng đường tương đối dài và là một mốc quan trọng, với tư cách là người chèo lái con thuyền NPC, bà có nhắn nhủ tới các khách hàng sử dụng điện?

TGĐ EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Điều đầu tiên, cho phép chúng tôi trân trọng cảm ơn và tri ân tới tất cả các khách hàng sử dụng điện của ngành Điện nói chung, không chỉ là khách hàng của miền bắc; chính các bạn là những người truyền cảm hứng cho chúng tôi, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng quốc phòng, an ninh quốc phòng…

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong các bạn hiểu rằng, năng lượng là nguồn tài nguyên hữu hạn, chúng ta cần phải sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, tiết kiệm được chi phí của gia đình, cũng như chúng ta đóng góp một phần vào sự phát triển đất nước. Rất mong các bạn hãy cùng với ngành Điện, sát cánh cùng ngành Điện thực hiện các chương trình của Chính phủ về tiết kiệm điện năng, sử dụng điện an toàn theo đúng hướng dẫn.

Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn mà những công trình điện mà EVNNPC đi qua. Chúng tôi biết rằng, khi tiến hành đầu tư các công trình điện trên địa bàn, ở một khía cạnh nào đó, các bạn sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích. Nhưng chúng tôi mong rằng, các bạn hãy cảm thông và chia sẻ, đây là chúng ta đều vì cái chung, mỗi người chúng ta đều chung tay vì sự nghiệp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; bảo đảm cung cấp điện ổn định cho đất nước.

PV: Thưa bà, để có những thành tựu hết sức to lớn, những bước chuyển tích cực, không thể không kể đến vai trò lãnh đạo của EVNNPC. Bà có thể chia sẻ những hoạt động mà Ban lãnh đạo đã truyền lửa xuống cho tất cả CBCNV Tổng Công ty?

TGĐ EVNNPC: Năm 2019 là một năm rất đặc biệt của EVNNPC. Đó là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng Công ty và cũng là năm mà Ban lãnh đạo mới của Tổng Công ty ra đời, với sự khác biệt căn bản về chất. Từ năm nay, Ban lãnh đạo Tổng Công ty hoạt động với mô hình là HĐTV và Ban điều hành riêng biệt. Với mô hình này, công tác quản trị của EVNNPC đã đi lên một tầm cao mới.

Nếu như trước đây, Tổng Công ty hoạt động nặng về điều này, thì nay sẽ hoạt động theo định hướng tập thể ra nghị quyết, điều hành, sau đó có cơ chế giám sát thực hiện. Với cơ chế mới như vậy, chắc chắn những chỉ đạo của Tổng Công ty, những định hướng, đường hướng của Tập đoàn EVN về đầu tư, phát triển khách hàng, ứng dụng công nghệ sẽ được áp dụng sâu rộng và triệt để hơn; đồng thời cũng sẽ có những cơ chế giám sát, bảo đảm tất cả những chương trình và định hướng này được triển khai bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Với tinh thần như vậy, ngay sau khi Ban lãnh đạo của Tổng Công ty ra đời, Chúng tôi đã triển khai tinh thần xuống tất cả các đơn vị và việc đầu tiên là hoàn thoàn thể chế; xây dựng lại các quy trình, quy định từ Tổng Công ty, HĐTV, Ban Tổng Giám đốc đến tất cả các đơn vị và chúng tôi phân định rõ các nhiệm vụ, tất cả các quy định cũng như các hình thức mà để kiểm soát các cấp với nhau. Qua đó, giám sát được, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, khi tham gia vào các quyết định của Tổng Công ty.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!