Tự hào truyền thống, hướng tới tương lai

NDO -

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thành lập Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC (6-10-1969 – 6-10-2019), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Thiều Kim Quỳnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPC, về chặng đường lịch sử hào hùng của ngành điện nói chung, EVNNPC nói riêng; những khó khăn, thách thức hiện nay đối với ngành Điện mà Tổng công ty phải đối mặt, để rồi từ đó, với bề dày truyền thống hào hùng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên EVNNPC đoàn kết, nỗ lực, vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế, góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền bắc.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền bắc.

Chủ tịch HĐTV EVNNPC Thiều Kim Quỳnh hào hứng ôn lại giai đoạn lịch sử của ngành Điện. Đặc biệt, giai đoạn 1954-1975 là cả quá trình lịch sử và hào hùng của ngành Điện nói chung, của Công ty Điện lực - tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền bắc ngày nay nói riêng. Giai đoạn này, nhờ nhận được sự ủng hộ của Liên Xô và các nước XHCN anh em, chúng ta có được một số nhà máy điện quan trọng hình thành nên hệ thống điện cơ bản nhưng chưa kết nối. Trong giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang ném bom, đánh phá miền bắc, hầu như những CBCNV ngành Điện đều là chiến sĩ chiến đấu vì dòng điện cho Tổ quốc. Vì mục tiêu “Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”, 123 CBCNV Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu cam go, ác liệt này. Chính nhờ sự hy sinh xương máu, sự nỗ lực không mệt mỏi vượt qua muôn vàn gian khó, thử thách trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng đơn vị vẫn bảo đảm điện cung ứng điện cho sản xuất, đời sống nhân dân và phục vụ chiến đấu; phục vụ công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng XHCN ở miền bắc.

Ngày 6-10-1969, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC) hôm nay được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tiến quản lý kinh tế, hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh tế. Đây là một bước chuyển quan trọng về cơ chế, nhằm tạo ra những bước phát triển mới gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả sản xuất kinh doanh; là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện lực Việt Nam. Sau năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Công ty Điện lực lại chia sẻ nhân lực cho miền Nam để khôi phục lưới điện, nhất là khôi phục hoạt động của công trình Thuỷ điện Đa Nhim…

Với hơn 30 năm trong ngành Điện, từng kinh qua các công trình trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Hoà Bình; từng 18 năm làm Phó Tổng Giám đốc, 5 năm làm lãnh đạo cao nhất của EVNNPC, ông Thiều Kim Quỳnh rất tự tin vào sự phát triển của Tổng công ty. Ông chia sẻ, áp lực đối với ngành Điện lúc nào cũng rất lớn, đó là lúc nào “điện đi trước một bước”. Nhu cầu về điện ngày nay cũng đã khác trước kia. Đến nay, cùng với tốc độ tăng trưởng đất nước, chúng ta đã bảo đảm được công tác an sinh xã hội, trong đó đã cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Nếu xét về quy mô lưới điện trong số 170 nước và vùng lãnh thổ thì Việt Nam đang đứng ở thứ 59. Năm nay, nhu cầu phụ tải vẫn tăng cao, với mức tăng trưởng như hiện nay, mỗi năm cần đưa vào thêm ít nhất 5.000MW công suất, mà không có đủ nguồn thì rất khó khăn. Điều này là càng khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay khi chúng ta chủ trương đầu tư các nguồn điện gắn chặt với chính sách bảo vệ môi trường; cùng với đó, Việt Nam đã dừng đầu tư nhà máy điện nguyên tử, trong khi các nguồn thuỷ điện lớn và vừa đã khai thác hết.

Tự hào truyền thống, hướng tới tương lai ảnh 1

Công nhân Công ty Điện lực Thanh Hóa thuộc Tổng Công ty Điện lực miền bắc chuẩn bị phương tiện và vật tư để tác nghiệp trên lưới điện.

Nhiều năm qua, EVNNPC đều nỗ lực giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng. Năm nay dự kiến, Tổng công ty đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng là hơn 5,03%; nỗ lực giảm con số này hơn nữa. Điều quan trọng nhất tốc độ tăng trưởng phụ tải của miền bắc luôn ở mức cao, năm ngoái đạt 12%. Năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng cao so năm trước. Với mức tăng trưởng dự kiến, EVNNPC vẫn nỗ lực đạt lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng và năm 2020, các con số về sản lượng và lợi nhuận dự kiến sẽ khởi sắc hơn. Ở phía bắc, hiện nay đang có xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài di chuyển sản xuất về đây. Khi nhu cầu điện tăng vượt mức 15%/năm dẫn đến khó khăn về bảo đảm cấp nguồn, thậm chí là phá vỡ quy hoạch về phát triển điện nếu không được quản lý tốt. Do đó, chúng ta phải quản trị bằng phương pháp hiện đại, áp dụng công nghệ số thì mới khai thác hết công năng của hệ thống. EVNNPC đang thực hiện chính sách củng cố, đẩy mạnh công nghệ hoá, công nghệ thông tin hoá, họp trực tuyến. Trong vận hành thiết bị thì cơ bản các trạm biến áp của Tổng công ty hiện nay được quản lý theo phương pháp trực tuyến. Đây là bước đột phá để tăng năng suất lao động, giảm chi phí quản lý điện. Đây là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Từng được đi học hỏi kinh nghiệm ở các nước phát triển, như Pháp có lưới điện hiện đại nhưng họ vẫn mạnh dạn đầu tư hàng tỷ euro để thay thế toàn bộ hệ thống công tơ hiện điện tử hiện đại hơn để tăng cường hiệu quả trong kinh doanh điện, nâng cao năng lực quản trị. Nhìn ra thế giới, các nước chung quanh, chúng tôi nhận thấy mình còn đang tiến chậm, còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, do đó, trong xây dựng chiến lược để ưu tiên giai đoạn 2020 và 2021, EVNNPC xác định phải tập trung nâng cấp mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, số hoá trong quản lý, tiến tới hệ thống lưới điện thông minh, quản trị minh bạch, tăng năng suất lao động. Trong bối cảnh đó, việc hiện đại hoá dẫn đến áp lực lao động dôi dư đòi hỏi Tổng công ty phải giải quyết hài hòa. Phải mở rộng sản xuất, tăng cường dịch vụ liên quan ngành điện.

Vấn đề hiện nay, EVNNPC đang đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp để vươn lên cạnh tranh với các tập đoàn khác ở các nước trong khu vực. Khẩu hiệu “Vì niềm tin của bạn” thực chất cũng để phục vụ việc chăm sóc khách hàng. Với truyền thống hào hùng của đơn vị, mỗi CBCNV EVNNPC phải nhận thức rõ, phải thay đổi thái độ với khách hàng, không còn là kiểu “xin-cho” trong cấp điện nữa. CBCNV EVNNPC cần phải hiểu rằng, khách hàng đã trả tiền thì mình phải phục vụ cấp điện với chất lượng tốt nhất; phải giải thích rõ với khách hàng về chất lượng điện. Lãnh đạo Tổng công ty rất kỳ vọng vào sự thay đổi phong cách làm việc của người CBCNV ngành Điện chuyên nghiệp, vươn tầm như các tập đoàn lớn, các ngành khác, như Viettel; nhìn xa hơn nữa là theo kịp các nước hàng đầu khu vực.