Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới

NDO -

Chủ động xúc tiến, đồng hành cùng nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thanh Hóa nói chung, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các khu công nghiêp (KCN) nói riêng hiện là điểm đến của các nhà đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Toàn cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Xúc tiến và đồng hành

Nhiệm kỳ này, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư. Hằng năm lãnh đạo tỉnh trực tiếp tham gia các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở các nước có nguồn lực đầu tư lớn. Thanh Hóa đã thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Nga; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia năm 2017, tỉnh Thanh Hóa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ với 31 chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 141 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,35 tỷ USD. Đến thời điểm này, có sáu dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, 16 dự án đang đầu tư xây dựng, ba dự án lập quy hoạch chi tiết với tổng mức đầu tư khoảng 131 nghìn tỷ đồng, đạt 93,6% tổng số vốn thu hút đầu tư.

Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới -0
Tàu cập cảng nước sâu ở KKT Nghi Sơn bốc xếp hàng hóa. 

Năm nay, sau đợt giãn cách toàn xã hội phòng chống dịch Covid-19, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp quốc gia, thu hút 34 dự án, tổng mức đầu tư 15 tỷ USD; trong đó có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư tổng 2,5 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ với 15 đại diện chủ dự án dự kiến đầu tư 12,5 tỷ USD vào khu vực này. Đồng thời, Thanh Hóa nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, công dân.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải thiện thủ tục hành chính (TTHC), công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, chín tháng đầu năm nay bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tăng cường tuyên truyền, lồng ghép quán triệt nội dung cải cách hành chính, nhất là hướng dẫn phần mềm dùng chung, chữ ký số, tăng cường giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài chấp hành bãi bỏ sáu TTHC trong lĩnh vực xây dựng, môi trường, cập nhật chín TTHC trong xây dựng, đầu tư tại Việt Nam và bốn TTHC sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN; bộ phận Kiểm soát TTHC phối hợp các phòng chuyên môn xây dựng 13 quy trình nội bộ giải quyết TTHC gửi Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa xây dựng quy trình điện tử. Trong tổng số 61 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN có 13 thủ tục dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Ban đã rà soát, đăng ký 23 thủ tục dịch vụ công mức độ 4, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ hơn 90%. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ công việc đều sử dụng thành thạo và 100% văn bản được gửi, nhận trên phần mềm quản lý văn bản TDOffice. Qua đó giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy hiệu quả trong quản lý, điều hành, trao đổi thông tin giữa Ban Quản lý KKT với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân làm thước đo.

Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới -0
 Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhằm thực hiện thắng lợi mục miêu kép, Thanh Hóa quyết liệt lãnh đạo, điều hành phát triển chính quyền điện tử. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tước trao đổi: Trong tổng hơn 2.200 dịch vụ công được thực hiện ở ba cấp chính quyền trong tỉnh, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt gần 71%, mức độ 4 đạt hơn 23 %. Xử lý văn bản, chữ ký số được thực hiện trên môi trường điện tử toàn tỉnh đã đạt hơn 97%. Thanh Hóa là tỉnh thứ hai tích hợp TTHC lên cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ tám về ứng dụng công nghệ thông tin và tham gia trục liên thông văn bản trên phạm vi toàn quốc. Định kỳ hoặc đột suất lãnh đạo tỉnh và các huyện tiếp dân, đối thoại, lắng nghe phản ánh, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để trực tiếp tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Do vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa cải thiện vượt bậc.

Phát huy hiệu quả đầu tư

Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới -0
 Trung tâm điều hành sản xuất ở Nhà máy xi-măng Nghi Sơn.

Ngoài tám KCN, KKT Nghi Sơn ở phía nam tỉnh Thanh Hóa có diện tích 106 nghìn ha, tọa lạc bên trục giao thông đường bộ, đường sắt bắc-nam và có cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là một trong tám KKT ven biển trọng điểm được Chính phủ ưu tiên đầu tư, có cơ chế chính sách ưu đãi hấp dẫn nhất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong KKT Nghi Sơn và các KCN được tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện. Cùng với đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, thiết thực, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm, giải quyết TTHC; đồng thời cam kết bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án, cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và vận hành thương mại. Xác định rõ trách nhiệm hành chính phục vụ, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN cử cán bộ chuyên môn trợ giúp nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu, lựa chọn địa điểm, quyết định đầu tư; đấu nối, phối hợp chặt chẽ các cơ quan trong tỉnh, Trung ương trợ giúp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư và tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Thực tiễn cho thấy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các ban, ngành, địa phương, bộ phận liên quan đã và đang thực hành “2 cam kết, “3 đồng hành” và “4 tăng”: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ, sự hài lòng của tổ chức, công dân; “2 giảm”: giảm thời gian giải quyết TTHC, chi phí thực hiện TTHC; “3 không”: không phiền hà, sách nhiễu, yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc, không trễ hẹn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa nói chung, KKT Nghi Sơn và các KCN nói riêng đã và đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Năm năm qua, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 76 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 114.522 tỷ đồng và hơn 3,6 tỷ USD; đứng thứ  tám cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó KKT Nghi Sơn và các KCN thu hút được 249 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 47.427 tỷ đồng và 3,3 tỷ USD nên lũy kế có 606 dự án với tổng đăng ký 147.459 tỷ đồng và 13,246 tỷ USD đầu tư vào khu vực này. Đến nay có 411 dự án hoàn thành, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là một số dự án trọng điểm như Liên hợp Lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện, cụm cảng nước sâu, xi măng Nghi Sơn, Công Thanh, các dự án may mặc, da giày… có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại của các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn và các KCN dự kiến đạt 577.034 tỷ đồng, vượt 30,8% kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu đạt 8.576 triệu USD, vượt 39% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 56.379 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 104.000 lao động.

Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới -0
Nhật Bản là liên doanh sớm nhất đầu tư xây dựng Nhà máy xi-măng Nghi Sơn ở phía nam tỉnh Thanh Hóa. 

Những năm tới Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm các quy định của pháp luật. Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã và đang đầu tư vào khu vực này, góp phần xây dựng, phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp-đô thị-dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; phát triển sôi động KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo; là đầu mối quan trọng, nơi trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung lãnh đạo, điều hành để KKT Nghi Sơn và các KCN đạt giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại 1.125.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, đóng góp 118.800 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm mới cho 35.000 lao động. Qua đó tạo thêm động lực phát triển vùng Bắc Trung bộ, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, hợp thành tứ giác phát triển phía bắc Tổ quốc và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.