Thái Nguyên phát huy tiềm năng đất đai đô thị

Nằm ở trung tâm các tỉnh trung du, miền núi phía bắc, trung tâm lớn về giáo dục, y tế, là đô thị loại 1, kinh tế-xã hội TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) phát triển nhanh, nhu cầu về chỗ ở rất lớn. Được sự đồng ý của tỉnh, TP Thái Nguyên đã xây dựng một số khu dân cư nhằm phát huy tiềm năng, tăng giá trị đất đai, tạo quỹ đất ở đô thị, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho nhân dân và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.

Nhiều ô đất ở khu dân cư số 1 đường Việt Bắc, phường Tân Lập, TP Thái Nguyên được đấu giá và người dân xây dựng nhà ở sinh sống lâu dài.
Nhiều ô đất ở khu dân cư số 1 đường Việt Bắc, phường Tân Lập, TP Thái Nguyên được đấu giá và người dân xây dựng nhà ở sinh sống lâu dài.

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội TP Thái Nguyên phát triển nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, thu hút đầu tư tăng cao.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015- 2020, TP Thái Nguyên thu hút gần 100 dự án với số vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng ngoài ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng. Do đó, thu hút nhiều người dân đến làm việc, sinh sống, làm ăn lâu dài nên nhu cầu về chỗ ở là rất lớn và là đòi hỏi của xã hội.

Trước tình hình đó, TP Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng một số khu dân cư để vừa từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại, tạo quỹ đất ở đô thị với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, phát huy tiềm năng, nâng cao giá trị đất đai, không chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở mới cho nhân dân, sắp xếp dân cư tại chỗ mà còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Dọc tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội trên địa bàn phường Tân Lập (TP Thái Nguyên) chủ yếu là các khu dân cư tự phát, chưa có quy hoạch, một số diện tích là đất trống xen kẹt nên hạ tầng thấp kém, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chưa được kết nối, không đồng bộ, chắp vá dẫn đến ô nhiễm môi trường, đời sống nhân dân không được cải thiện.

Khi xây dựng tuyến đường Việt Bắc kéo dài chạy dọc đường sắt tuyến Thái Nguyên - Hà Nội, giao thông thuận lợi nên giá trị đất ở hai bên đường tăng lên. Căn cứ vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với sự chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Thái Nguyên đã lập quy hoạch chi tiết, yêu cầu các cơ quan chức năng lập dự án đầu tư hạ tầng các khu dân cư số 1 đường Vịêt Bắc, mở rộng khu dân cư số 1, khu dân cư số 2 và khu dân cư số 3 đường Việt Bắc, phường Tân Lập với tổng số 1.425 ô đất.

Sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, căn cứ các quy định và thị trường bất động sản, cơ quan chức năng xây dựng giá đất, Hội đồng định giá đất của tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và UBND TP bàn giao các lô đất cho đơn vị có chức năng, nghiệp vụ là Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên (Trung tâm đấu giá) thuộc Sở Tư pháp  tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng các ô đất một cách khách quan để tạo môi trường cạnh tranh, thu số tiền tối đa về cho ngân sách.

Kết quả, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Đấu giá tỉnh Thái Nguyên đã bán đấu giá tổng số 485 ô đất tại bốn khu dân cư nêu trên, thu về cho ngân sách số tiền rất lớn.

Giám đốc Trung tâm Đấu giá tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Quyên cho biết: “Sau khi được uỷ quyền, chúng tôi xây dựng phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu dân cư nêu trên một cách bài bản, theo trình tự, như lập phương án, xây dựng kế hoạch, công khai các thông tin liên quan trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Trung tâm đấu giá, trụ sở UBND phường nơi có đất để thu hút nhiều người tham gia đấu giá. Mời người tham gia đấu giá xem các ô đất, tổ chức bán đấu giá các ô đất với tinh thần cạnh tranh, một ô đất ít nhất phải có hai người đấu giá, đấu từng ô một nên thu được kết quả cao”.

Để cuộc đấu giá đạt được kết quả cao nhất như mong muốn, tìm được người có nhu cầu và có năng lực về tài chính, đơn vị được uỷ quyền bán đấu giá đất yêu cầu người tham gia đấu giá nộp tiền đặt cọc. Để chặt chẽ về mặt quy trình, đúng quy định, Trung tâm Đấu giá tỉnh Thái Nguyên còn phối hợp Thanh tra Sở Tư pháp rà soát lại quy trình, thủ tục, kết quả đấu giá. TP Thái Nguyên phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đốn đốc thu nộp tiền vào ngân sách và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá.

Mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng chỉ tính riêng cuộc đấu giá tổng số gần 230 lô đất cuối năm 2018, ngân sách thu về hơn 330 tỷ đồng. Thời gian tới, toàn bộ hơn 1.400 ô đất tại các khu dân cư nêu trên sẽ được bán đấu giá hết, ngân sách sẽ thu về số tiền rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng để TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên phát triển kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị và giải quyết các vấn cấp bách.

Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuệ chia sẻ: “Việc chính quyền địa phương xây dựng các khu dân cư, sau đó tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất làm cho ngân sách thu về số tiền lớn. Để các cuộc đấu giá lần sau đạt kết quả cao hơn nữa, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan tổ chức bán đấu giá thông báo, tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, có nhiều người tham gia đấu giá; đồng thời tôn tạo, hoàn thiện về mặt cảnh quan các khu dân cư trước khi đấu giá để tăng giá trị các ô đất”.

Ông Tuệ chia sẻ thêm: “Đây là bài học kinh nghiệm bước đầu chúng tôi rút ra không chỉ cho TP Thái Nguyên mà có lẽ là cho toàn tỉnh để phát huy tiềm năng, tăng giá trị đất đai đô thị”, ông Tuệ chia sẻ thêm.