Kiên Giang thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ

Kiên Giang là một trong những địa phương của nước ta có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc kêu gọi, thu hút các nhà đấu tư đến với lĩnh vực này còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, mà thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã nổ lực, tăng cường nhiều hoạt động xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với lĩnh vực này

UBND tỉnh Kiên Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019.
UBND tỉnh Kiên Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019.

Nhiều hoạt động xúc tiến

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (gọi tắt Trung tâm), thực hiện Kế hoạch số 123/KH-UBND, ngày 21-8-2017 của UBND tỉnh Kiên Giang về thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức thành công hai Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư, một tổ chức tại TP Rạch Giá và một tổ chức TP Hồ Chí Minh.

Hai diễn đàn tổ chức rất thành công, thu hút rất nhiều đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, rất nhiều đại biểu là khách quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến dự.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo, cho biết: Tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư tỉnh Kiên Giang được tổ chức năm 2018 tại TP Rạch Giá, Trung tâm đã ký kết được bảy biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về việc liên kết hợp tác, đầu tư vào các dự án của tỉnh đang kêu gọi. Tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư tỉnh Kiên Giang tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm cũng đã ký hai biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Trung tâm đã ký sáu biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp nhà đầu tư trong và ngoài nước để tìm hiểu thông tin đầu tư vào một số dự án.

Thành công hơn cả là tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang được tổ chức năm 2019 tại TP Rạch Giá, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 18 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký 150.409 tỷ đồng. Trong đó, các dự án thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) được trao chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: Xây dựng nhà máy sản xuất ba lô, túi sách xuất khẩu của Công ty cổ phần Thái Bình Kiên Giang, mở rộng một số dự án đầu tư nhà máy sản xuất và gia công giày thể thao xuất khẩu của Công ty TNHH Hwaseung Rạch Giá, mở rộng Nhà máy sản xuất gia công đế giày dép của Tae Sung Rạch Giá (Công ty TNHH Tây Hoa)...

Sau các diễn đàn và hội nghị xúc tiến này, Trung tâm đã phối hợp các sở, ban ngành, địa phương cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Công ty cổ phần Tập đoàn Khánh Long, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Cường Phát Land, Công ty TNHH Năng lượng tái sinh Trác Việt Châu Á, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, Công ty ION Exchange (Ấn Độ)… tiến hành khảo sát thực tế các dự án về mỏ than bùn, nông nghiệp sạch, du lịch, điện gió, các dự án xử lý nước thải và rác thải, dự án Cảng Đá chồng, các dự án công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp (Thạnh Lộc (Châu Thành) và Thuận Yên  (Hà Tiên)…

Đến nay, Trung tâm đã ký kết sáu biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để tìm hiểu thông tin, đầu tư một số dự án trên các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ... với tổng số vốn đăng ký hơn 8.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang triển khai tại Kiên Giang như: Cơ khí chế tạo; chế biến gỗ MDF; Dự án nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp hàng điện tử, máy tính, công suất 500 nghìn sản phẩm/năm; Dự án nhà máy sản xuất bao bì, đồ nhựa gia dụng, công xuất 4.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án nhà máy sản xuất và gia công valy, túi sách, giày da xuất khẩu, công xuất 5 triệu sản phẩm/năm, Dự án nhà máy sản xuất sản phẩm từ plastic, composite, công suất 5.000 sản phẩm/năm...

Theo đánh giá của bà Nguyễn Duy Linh Thảo, những năm qua ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Kiên Giang đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương thông qua các chính sách, cơ chế ưu đãi mạnh mẽ, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Thông qua các Diễn đàn và Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Kiên Giang đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực đầu tư vào các dự án của tỉnh, trong đó có nhiều dự án trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

“Từ đó, cho thấy, các hoạt động xúc tiến đầu tư mà Trung tâm nỗ lực triễn khai thời gian qua đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các hoạt động này đã đến Kiên Giang tìm hiểu và ký kết đầu tư vào các dự án mà Kiên Giang mời gọi, trong đó có nhiều dự án trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” - bà Nguyễn Duy Linh Thảo chia sẻ.

Tiếp tục nỗ lực kết nối

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm cũng nhìn nhận hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư ở Kiên Giang còn gặp một số khó khăn nhất định, nên hiệu quả chưa thật sự như mong muốn. Đó là, Kiên Giang nằm xa trung tâm thành phố lớn, trong khi đường giao thông yếu, quá tải. Bên cạnh, điều kiện về hạ tầng cơ sở của tỉnh còn hạn chế, các nhà đầu tư ngán ngại. Từ đó, việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ còn chậm, chưa tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Thêm vào đó, Kiên Giang chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về môi trường đầu tư, chưa hình thành "hệ sinh thái công nghiệp" đa dạng và đồng bộ... phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp...

Kiên Giang thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ -0
 Khu công nghiệp Thành Lộc, nơi có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ hoạt động.

"Sự phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp trọng yếu của tỉnh Kiên Giang còn nhỏ lẻ và chưa phát triển. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa định hình rõ nét, số lượng cơ sở công nghiệp hỗ trợ còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Hiện trạng các doanh nhiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, nên năng lực vốn, công nghệ và phạm vi thị trường còn rất hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển" - bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết.

Báo cáo đánh giá mới đây của Trung tâm cho thấy, từ các nguyên nhân nêu trên dẫn đến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Các sản phẩm công nghiệp chính của tỉnh Kiên Giang hầu hết sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu hoặc phải mua từ các doanh nghiệp khác trong nước do các sản phẩm trong tỉnh chưa cung cấp được hoặc chỉ có khả năng cung cấp các chi tiết có yêu cầu kỹ thuật thấp.

Để kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các đơn vị sản xuất công nghiệp,  Trung tâm đề ra giải pháp là đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật...

Song song đó, Trung tâm tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư; tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội chợ triển lãm để trưng bày các sản phẩm; hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trung tâm cùng với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, bao gồm các hoạt động giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm; hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp mua bán quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, kêu gọi các thương gia và nhà khoa học là kiều bào... Nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực để từng bước xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ vững chắc” - bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết.