Xử lý triệt để nạn “ngáo đá”

Những năm gần đây, xuất hiện các trường hợp “ngáo đá” do sử dụng chất ma túy tổng hợp, sau đó gây ra những vụ án mạng nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng… Thực tế “ngáo đá” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân và trở thành “thuật ngữ” chung để chỉ những kẻ sử dụng các chất ma túy đến độ mất năng lực kiểm soát hành vi bản thân, rơi vào ảo giác.

Người dân rất lo lắng khi hiện tượng này ngày càng gia tăng và nhiều đối tượng “ngáo đá” là các thanh niên. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp “mạnh tay” xử lý tình trạng này; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy.

Theo Bộ Công an, trên thế giới và ở nước ta đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều dạng mới của ma túy, số người nghiện tiếp tục gia tăng. Đánh giá về tội phạm xuất phát từ sử dụng chất ma túy, Bộ Công an nêu rõ: Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Khi đối tượng nghiện lên cơn thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để có ma túy sử dụng. Điều đáng lo ngại là số người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng. Phần lớn số người nghiện lại đang ở ngoài xã hội khiến nhân dân lo lắng và bất an. Vì vậy, công tác phòng, chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn cho người dân có môi trường an lành là mục tiêu quan trọng của ngành công an.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó có các trường hợp “ngáo đá”) chưa đủ sức răn đe. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục thực hiện. Đây là một trong những bất cập và là nguyên nhân khiến tình trạng nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp dẫn đến “ngáo đá” diễn biến phức tạp, xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… do đối tượng “ngáo đá” gây ra.

Bộ Công an đang tham mưu với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, phối hợp sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng nghiêm khắc hơn; đơn giản quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế tình trạng người sử dụng ma túy gây hệ lụy cho xã hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, thông báo rộng rãi các hình thức, biểu hiện “ngáo đá” để người dân cảnh giác, phòng tránh, phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời cho các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.

Thực tế trong những năm qua, lực lượng công an đã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào nước ta, đồng thời tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trong nước, góp phần ngăn chặn, làm giảm “nguồn cung” ma túy vào trong nước; bắt giữ, điều tra, đề nghị truy tố hàng chục nghìn vụ án, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Các cơ quan tư pháp đã áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, số bị cáo phạm tội bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất trong các loại tội phạm, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

Để “ngáo đá” không còn là nỗi ám ảnh trong xã hội, trong thời gian tới, công an các địa phương cần tiếp tục các kế hoạch, chuyên đề phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an và tại phòng, đơn vị ở công an các thành phố, tỉnh, huyện… cần mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động sản xuất, vận chuyển, triệt phá các đường dây buôn bán, các điểm, tụ điểm phức tạp về tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, lực lượng công an cần phối hợp các cơ quan hữu quan tăng cường công tác nghiệp vụ biên giới, đẩy mạnh công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy với công an các nước có chung đường biên giới. Tăng cường phối hợp các trường học, tổ chức chính trị - xã hội làm công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ma túy, nhất là tác hại của ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gây nghiện mới để thanh thiếu niên nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nói “không” với ma túy.