Chuyện pháp luật

Thúc đẩy hài hòa pháp luật trong phòng, chống ma túy

Vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn Liên minh nghị viện các quốc gia Đông - Nam Á về ma túy lần thứ ba (AIPACODD 3) với chủ đề "Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy".

Thông điệp chung của các nhà lãnh đạo Quốc hội/nghị viện các nước, giới chuyên gia tổ chức quốc tế và trong nước nhấn mạnh hiểm họa ma túy trên thế giới và khu vực Đông - Nam Á ngày càng trở nên phức tạp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay, cộng đồng thế giới nói chung và ASEAN nói riêng đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Trình bày báo cáo và đưa ra những đề xuất, kiến nghị mang tính thực tiễn, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Đối với Việt Nam, để thực hiện tốt công tác dự phòng nghiện và điều trị cai nghiện ma túy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp và hướng tới chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện và điều trị nghiện ma túy. Điểm quan trọng khác là đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị, cai nghiện tại cộng đồng; đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng...

Đại diện lãnh đạo bộ, ngành và các chuyên gia quốc tế cũng kiến nghị, thời gian tới cần tiếp tục hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác dự phòng, điều trị nghiện ma túy theo khuyến cáo của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016; tăng cường chia sẻ thông tin về kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý và điều trị nghiện ma túy tổng hợp. Trước xu hướng hợp pháp hóa ma túy và kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc đưa cần sa và các chiết xuất từ cần sa ra khỏi danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc, Việt Nam khẳng định ủng hộ quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy...

Thời gian qua, Chính phủ nước ta ban hành nhiều chính sách, từ đó thể chế hóa các quy định của luật, thông qua các cơ chế, chính sách thực hiện công tác dự phòng nghiện và điều trị, cai nghiện ma túy. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao việc chúng ta thực hiện thí điểm mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy". Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến nhân viên công tác xã hội tại xã, phường để sàng lọc, đánh giá, động viên người nghiện tới các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng. Hiện nay, mô hình đang được triển khai tại 12 phường thuộc sáu quận tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mang lại những kết quả bước đầu. Hay như mô hình "Quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy" thuộc các xã khu vực biên giới đang được thực hiện tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Vì vậy, như báo cáo và ý kiến phát biểu của đại diện cơ quan lập pháp các quốc gia, chiến lược phòng, chống ma túy tại các quốc gia với sự quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội/nghị viện các nước và cộng đồng xã hội, cần được điều chỉnh phù hợp tình hình mới. Từ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển các mô hình điều trị nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện ma túy dựa vào cộng đồng tại Việt Nam; các nhà lập pháp các nước cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ các nước xây dựng, hoàn thiện các biện pháp tăng cường dự phòng sử dụng ma túy thông qua việc can thiệp sớm cho thanh thiếu niên; về phòng, chống ma túy gắn với giảm nghèo và tạo sinh kế bảo đảm phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau". Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy. Hơn nữa, cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Quốc hội Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Sắp tới, Quốc hội sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan, từ đó điều chỉnh phù hợp, ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy về lâu dài.

Giai đoạn 2011 - 2019, Việt Nam tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 51 nghìn lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức). Đến nay, có 29 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho gần 6.500 người nghiện; quản lý và hỗ trợ tư vấn tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện tại nơi cư trú cho hơn 24.600 người...

(Nguồn: Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)