Thành lập Văn phòng liên lạc qua biên giới đối phó với tội phạm ma túy Việt – Lào

NDO -

Ngày 13-1, Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức buổi lễ ra mắt Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) Cha Lo, tỉnh Quảng Bình. 

Ra mắt Văn phòng liên lạc qua biên giới Cha Lo, tỉnh Quảng Bình.
Ra mắt Văn phòng liên lạc qua biên giới Cha Lo, tỉnh Quảng Bình.

Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) mới thành lập sẽ hoạt động tại khu vực biên giới đối biên với tỉnh Khăm Muồn và Xavannakhet của CHDCND Lào, chính thức gia nhập mạng lưới văn phòng BLO, trở thành văn phòng liên lạc qua biên giới thứ 21 tại Việt Nam do UNODC hỗ trợ.

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cho biết: “Trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy tại khu vực biên giới thuộc các tỉnh giáp biên Lào tiếp tục diễn biến khá phức tạp, tính chất ngày càng manh động và nguy hiểm hơn. Tội phạm ma túy hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển xuyên quốc gia đưa ma túy từ khu vực “Tam giác Vàng” qua tuyến này vào Việt Nam. Từ đó, tiềm ẩn nhiều đường dây, tụ điểm và hình thành hàng chục, hàng trăm tuyến đường vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam”.

Quảng Bình với đường biên giới dài hơn 200km, nhiều cửa khẩu, tiểu ngạch, là một trong những điểm nóng phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Trong năm 2020, Công an Quảng Bình đã bắt giữ 10 vụ với 12 đối tượng phạm tội về ma túy từ Lào về Quảng Bình, thu giữ gần 70.000 viên ma túy tổng hợp và 249kg ma túy dạng đá.

Tham gia trực tuyến buổi lễ, bà Valentina Pancieri, Điều phối viên Chương trình Quản lý biên giới của UNODC khu vực phát biểu: “Quản lý biên giới và hợp tác quốc tế là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự ASEAN, trong đó hợp tác quốc tế được coi là kết nối an ninh khu vực trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Và các văn phòng BLO đã có đóng góp cực kỳ quan trọng trong công tác có ý nghĩa này”.

Thiếu tướng Đỗ Đức Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống BLO với vai trò là kênh trao đổi thông tin quan trọng, hỗ trợ tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các lực lượng phòng, chống ma túy hai nước ngày càng gắn bó và phát triển. “Nhờ vậy, đã có nhiều vụ ma túy lớn, có yếu tố nước ngoài được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh trật tự và sự bình yên khu vực biên giới”.

Thành lập Văn phòng liên lạc qua biên giới đối phó với tội phạm ma túy Việt – Lào -0
 Các trang thiết bị được hỗ trợ cho Văn phòng BLO Quảng Bình. 

Cũng tại lễ ra mắt, UNODC hỗ trợ văn phòng BLO Quảng Bình cung cấp trang thiết bị, phương tiện từ cơ bản đến nâng cao, bao gồm ống nhòm ngày và đêm, máy tính bảng, máy chiếu, máy tính xách tay, thiết bị văn phòng, máy quay phim, máy ghi âm, thiết bị quay phim không người lái hồng ngoại, máy in, máy nội soi công nghiệp, bộ phát wifi.

Đại tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, chánh Văn phòng BLO Cha Lo, Quảng Bình tiếp nhận quyết định thành lập và bàn giao thiết bị cho Văn phòng BLO. “Trong thời gian tới, ngay sau khi văn phòng BLO thành lập, trọng tâm của chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với an ninh của hai tỉnh Khăm Muồn và Xavanakhet, Lào để nắm chắc các hoạt động đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam”, Đại tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh cho biết.

Thành lập văn phòng BLO và hỗ trợ kỹ thuật cho các cán bộ thực thi pháp luật nơi tuyến đầu biên giới là một trong các hoạt động của chương trình Quản lý Biên giới của UNODC. Trong năm 2021, Việt Nam dự kiến mở thêm một văn phòng BLO mới tại tỉnh Gia Lai, nâng tổng số 22 BLO ở Việt Nam.

Trong khu vực, UNODC đã hỗ trợ hơn 100 văn phòng BLO tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Bên cạnh đó, UNODC tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ tại tất cả văn phòng BLO tại Việt Nam, tăng cường năng lực thu thập phân tích, chia sẻ thông tin giúp dẫn đến những vụ thu giữ tang vật, bắt giữ bắt giữ đối tượng cũng như phân tích về xu thế và tuyến đường vận chuyển; hỗ trợ cho các hoạt động phối hợp điều tra các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.