Mạnh tay với tội phạm mua bán người

NDO -

NDĐT- Cuộc chiến chống tội phạm mua bán người (MBN) của lực lượng Biên phòng tỉnh Lào Cai vẫn còn rất gian nan bởi các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt theo đường dây khép kín. Nhiều cô gái may mắn được kịp thời giải cứu, nhưng vẫn còn không ít nạn nhân vẫn đang phải chịu kiếp sống tủi nhục nơi xứ người.

Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai bắt giữ đối tượng Ly Seo Ca phạm tội mua bán người tại biên giới.
Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai bắt giữ đối tượng Ly Seo Ca phạm tội mua bán người tại biên giới.

Những cái bẫy tinh vi

Quen một thanh niên tên Vàng Thành qua mạng, ngày nào cũng được rót vào tai những lời tán tỉnh ngọt ngào, Thào Thị X ở Sa Pa (Lào Cai) nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Khi Thành rủ về thăm nhà anh ta ở Bắc Hà, X tỏ vẻ băn khoăn nhưng Thành bảo chỉ đi ba ngày thôi về sẽ xin bố mẹ cưới nên X đã nhận lời. Lên xe, X thắc mắc sao đi mãi vấn chưa đến. Tới khu vực thuộc thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, X kêu cứu thất thanh. Trong lúc hai người đang giằng co, các chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) lập tức vây bắt, đối tượng định bỏ chạy nhưng không thể thoát thân.

Tại đồn biên phòng Si Ma Cai, Vàng Thành hiện nguyên hình là kẻ buôn người. Tên thật của hắn là Ly Seo Ca, dân tộc Mông, trú tại thôn Bùn Giao, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đã có một đời vợ và hai con. Ca là đối tượng nằm trong chuyên án 455 T mà đồn theo dõi từ lâu. Trong thời gian sang Trung Quốc làm thuê, một người đàn ông gạ Ca về Việt Nam tìm phụ nữ bán cho ông ta. Bằng thủ đoạn thả thính làm quen các nạn nhân qua Zalo, Facebook và vờ yêu đương, từ tháng 8- 2018 đến nay, Ly Seo Ca đã lừa bán trót lọt hai thiếu nữ với giá 3.000 NDT, khi định bán X để kiếm năm nghìn NDT thì bị bắt. Phải mất ba tháng kiên trì đeo bám, tổ công tác mới tóm gọn Ca và kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu nạn nhân Vàng Thị D trở về đoàn tụ với gia đình. Riêng Giàng Thị Q ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa bị lừa bán vẫn bặt vô âm tín, gia đình đang đau đớn mòn mỏi ngóng chờ.

Nếu không được các chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai kịp thời bắt giữ tên Tráng A Lử thì giờ có lẽ Cứ Thị Đ ở Văn Bàn, Lào Cai đã phải sống trong chuỗi ngày tủi nhục nơi đất khách quên người. Nghe lời rủ rê xuống thành phố Lào Cai bán quần áo, Đ cả tin đi theo chẳng chút mảy may nghi ngờ. Lử và đồng bọn chở Đ đi xe máy din ba vào ban đêm. Hồi 2 giờ sáng ngày 10-6-2019, xe tới thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, Đ sinh nghi, chần chừ không chịu xuống thuyền qua bên kia biên giới thì bị chúng khống chế, ép buộc. Lử bị bắt, tên còn lại trốn thoát.

Nhiều năm trực tiếp đấu tranh và tiếp nhận, giải cứu nạn nhân MBN, Trung tá Nguyễn Thế Bằng, đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai rất trăn trở khi chứng kiến nhiều nạn nhân còn nhỏ tuổi bị lừa bán trở về, cuộc đời dở dang, gánh chịu nỗi đau âm ỉ kéo dài. Qua công tác trinh sát, trưa 25-3-2019, tại bờ sông biên giới thuộc thôn 8, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, đồn Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai bắt quả tang Quảng Văn Thớm trú tại Nậm Hăn, Sìn Hồ (Lai Châu) và Lý Kin Thành ở Ma Ly Pho, Phong Thổ, Lai Châu khi đang tìm cách vượt biên đưa nạn nhân đi bán. Hai đối tượng này nằm trong mắt xích của đường dây buôn người do tên Hoàng Văn Quyết cầm đầu. Ban đầu, bọn chúng mộc mực chối tội, dùng chiêu bài “không biết, không nghe, không thấy”. Tuy nhiên, đồn phối hợp chặt chẽ với công an Lai Châu, Điện Biên xác minh nhanh cùng với kiên trì đấu tranh từ những chứng cứ thu thập được, cuối cùng chúng đã phải nhận tội.

Qua công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản và kết quả đấu tranh các chuyên án, vụ án cho thấy phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này đa dạng, phức tạp, tinh vi, xảo quyệt. Thủ phạm thường là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp có tiền án, tiền sự về tội MBN, thậm chí có những đối tượng trước đây từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người Trung Quốc khi về thăm quê lại dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình.

Mạnh tay với tội phạm mua bán người ảnh 1

Nạn nhân Thào Thị X tố cáo kẻ lừa bán mình.

Nạn nhân chủ yếu cư trú ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi nên khi các đối tượng vẽ ra viễn cảnh đi làm ăn kiếm thu nhập cao như nấu ăn, bán hàng, làm nhân viên quản lý nhà hàng, quán ăn…hoặc lấy chồng người Trung Quốc giàu sang, sống sung sướng nên dễ dàng “sập bẫy”. Khi qua bên kia biên giới, họ bị ép lấy chồng người Trung Quốc, bán vào các động mại dâm, cưỡng bức lao động…

Nhiều đối tượng còn chủ động làm quen, dựng lên màn kịch giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn để tạo thiện cảm với các cô gái mới lớn hòng dụ dỗ, lừa gạt trót lọt. Để tránh bị phát hiện, chúng liên tục thay đổi thủ đoạn như môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên giới, đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa Trung Quốc, sử dụng điện thoại di dộng để chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, chuyển giao nạn nhân. Các đối tượng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng trong nước. Nạn nhân tập trung ở các địa bàn Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa (Lào Cai) và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang…, trong đó không ít nạn nhân là học sinh. Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên đồn biên phòng Mường Khương cho biết, có tên còn tạo vỏ bọc hào nhoáng, giới thiệu là doanh nhân thành đạt đang sinh sống tại Trung Quốc để “con mồi” dễ “cắn câu”.

Vượt biên trót lọt, các đối tượng thu điện thoại và tất cả giấy tờ tùy thân nên nạn nhân không thể liên lạc với gia đình và tố cáo hành vi phạm tội của chúng với cơ quan chức năng. Do quen biết qua mạng, những kẻ lừa bán lại hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân, thậm chí lấy tên giả nên các nạn nhân thường chỉ nhớ lờ mờ, không biết rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể của đối tượng, có đường dây mỗi đối tượng chỉ thực hiện một khâu: làm quen, tiếp cận, chuyển giao, mua bán, nhận tiền, khống chế ép buộc các nạn nhân lên biên giới nên việc lần tìm manh mối, tung tích của đối tượng càng khó khăn. Một số vụ chỉ bắt giữ, xử lý các đối tượng ở Việt Nam, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu người Việt Nam ở Trung Quốc rất khó khăn, do đó không xử lý toàn bộ vụ việc....

Đẩy mạnh phòng, chống

Để kiềm chế tội phạm MBN gia tăng, lực lượng Biên phòng tỉnh Lào Cai tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, phát động nhân dân tố giác tội phạm, dựng chân dung các đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng công an, hải quan đấu tranh, trấn áp. BĐBP tỉnh Lào Cai cũng chủ động phối hợp với BĐBP các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, lực lượng chức năng nước bạn để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn, giải cứu nạn nhân. Vì thế tình hình MBN năm nay đã “hạ nhiệt” so với năm 2018.

Cùng với đẩy mạnh đấu tranh, BĐBP tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, tập trung về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm MBN và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân bị lừa bán nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Bên cạnh tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn, phát tờ rơi, các buổi truyền thông phòng, chống MBN tại các chợ phiên, trường học đã thu hút sự tham gia của nhiều học sinh và bà con đi chợ, qua đó, cung cấp các kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị mua bán, kỹ năng đi làm ăn xa an toàn… từ đó nâng cao nhận thức để người dân tự bảo vệ mình và kịp thời báo tin cho lực lượng công an, BĐBP lập đấu tranh, triệt phá các đường dây MBN.

Mạnh tay với tội phạm mua bán người ảnh 2

Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai tiếp nhận nạn nhân MBN lực lượng chức năng nước bạn trao trả tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Thượng úy Ma Tỉn Hóa, Đội trưởng vận động quần chúng đồn biên phòng Mường Khương cho biết, để bà con nắm rõ thủ đoạn tinh vi của tội phạm MBN, anh và đồng đội lựa chọn cách tuyên truyền trực quan ngắn gọn, cô động, trong đó đặt nhiều tình huống như nếu có người lạ rủ đi làm ăn xa, có nhiều tiền thì có nghe theo không, hay dẫn chứng từ câu chuyện có thiếu nữ dại dột tin lời kẻ xấu đã bị lừa bán, sống rất khổ cực, mãi mới tìm cách bỏ trốn về được. Thiếu tá Nguyễn Đình Quang, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, năm 2019 đồn phát hiện hai vụ, bắt giữ bađối tượng MBN, giải cứu ba nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và phối hợp với Hội Nông dân xã Bản Phiệt, Đồng Tuyển tổ chức giao lưu tìm hiểu pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới và Luật Phòng, chống MBN, tuyên truyền phòng chống MBN cho hơn 1.000 học sinh trường Tiểu học và THCS xã Đồng Tuyển.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận gần 700 nạn nhân MBN, trong đó nhiều nạn nhân là người dân tộc. Các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe, không có tiền bạc hay giấy tờ tùy thân. Công tác hỗ trợ nạn nhân được triển khai nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu như: ăn, ở, mặc; chăm sóc sức khỏe, phục hồi tâm lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm ...để tránh bị tái mua bán trở lại. Nhà Nhân Ái đã trở thành điểm tựa giúp nhiều nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian tới lực lượng biên phòng tỉnh sẽ tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm MBN, đồng thời thường xuyên tổ chức, phối hợp tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho chị em, nhất là các cháu học sinh để tránh sa vào cạm bẫy của các đối tượng MBN, không vượt biên đi lao động trái phép; phát động nhân dân tích cực báo tin, tố giác tội phạm để hỗ trợ lực lượng biên phòng ngăn chặn, giải cứu kịp thời các nạn nhân khi tội phạm chưa kịp đưa qua biên giới. Và muốn trấn áp hiệu quả, đòi hỏi mỗi CBCS phải nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ, tâm huyết, không ngại khó ngại khổ bám nắm địa bàn, thu thập thông tin lập án đấu tranh và không thể thiếu sự đầu tư kịp thời trang, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống.