Làm rõ dấu hiệu sai phạm ở dự án Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang

NDO -

NDĐT - Dự án Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang nằm khu vực trung tâm của thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nhưng sau 14 năm triển khai thực hiện, tiến độ mới đạt khoảng 50%. Sự chậm trễ này không những gây lãng phí mà còn phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần sớm giải quyết…

Nhiều diện tích đất trong Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang bỏ hoang, lãng phí như thế này.
Nhiều diện tích đất trong Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang bỏ hoang, lãng phí như thế này.

Dự án 14 năm, tiến độ thực hiện đạt khoảng 50%!

Năm 2004, Dự án Khu thương mại và dân cư phường VII, thành phố Vị Thanh, do Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Hoàng Hùng làm chủ đầu tư, có diện tích 35,5 ha, với tổng số lô nền của dự án là hơn 1.470. Đến năm 2008, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Hoàng Hùng chuyển nhượng dự án này lại cho Công ty cổ phần 586 Hậu Giang tiếp tục triển khai thực hiện và được đổi lại tên dự án là Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang.

Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai thi công rất chậm, chủ đầu tư chỉ mới xây dựng gần 300 căn (trong đó có 200 căn đã bàn giao cho khách hàng vào ở và thực hiện góp vốn 250 lô, nền). Diện tích đất chưa san lấp mặt bằng (bỏ trống) còn khá nhiều, chỉ mới đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh theo thiết kế quy hoạch (đường, vỉa hè, diện, nước...) đạt khoảng 50%. Đối với phần đất giao đợt II (đất ở) chưa làm gì cả, chỉ để nuôi bò, chưa kể chủ đầu tư cho lấy đất một phần để sử dụng làm gạch.

Làm rõ dấu hiệu sai phạm ở dự án Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang ảnh 1

Nhiều căn nhà xây dựng dở dang do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Nguyễn Văn Hòa: Điều người dân bức xúc hiện nay là: khu dân cư này đã có 243 hộ vào sinh sống, nhưng chưa được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), vì chủ đầu tư đã thế chấp ở ngân hàng. Hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông, chiếu sáng, công viên cây xanh…) chưa hoàn chỉnh, nhất là không thanh toán tiền điện, nước, nên thường xuyên bị cắt.

Ông Hòa giải thích thêm: Do chủ đầu tư bỏ vốn xây dựng hệ thống và trực tiếp ký hợp đồng mua bán với ngành điện, nước để cung cấp cho người dân sử dụng và trực tiếp thu tiền điện, nước của hộ dân. Nhưng từ tháng 7-2017 đến nay, Ban Quản lý dự án khu dân cư này không một bóng người, không ai thu và thanh toán với ngành điện, nước.

Theo ngành điện, nước, do hệ thống điện, nước ở khu dân cư này là tài sản của chủ đầu tư, ngành điện, nước không ký hợp đồng với người dân, nên không thể trực tiếp đi thu tiền của người dân được. Do vậy, số tiền điện, nước còn nợ chưa thanh toán lên đến gần 670 triệu đồng.

Trước đó, ngày 18-4, UBND thành phố Vị Thanh cùng các ngành có liên quan và đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần 586 Hậu Giang có buổi làm việc đã thống nhất đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống cấp điện và cấp nước theo phương án thiết kết của Công ty Điện lực Hậu Giang và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang, và triển khai thi công bảo đảm đến hết tháng 7-2018 hoàn thành, để ổn định cuộc sống cho người dân và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn “im hơi lặng tiếng”. Do đó, để tạm thời có điện, nước cung cấp cho người dân sử dụng, cũng như tạo sự minh bạch trong sử dụng và chia sẻ phần hao hụt điện, nước, UBND thành phố Vị Thanh quyết định thành lập Tổ Quản lý về điện, nước và thu gom rác thải tại khu dân cư này, giao cho UBND phường 7 quản lý và có trách nhiệm thu tiền điện, nước của hộ dân và thanh toán với ngành điện, nước.

Có dấu hiệu vi phạm?

Làm rõ dấu hiệu sai phạm ở dự án Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra toàn diện Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh Hậu Giang giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND thành phố Vị Thanh thành lập tổ kiểm tra, tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ, quá trình thực hiện dự án Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang. Kết quả cho thấy: Ngoài phần chênh lệch sau khi điều chỉnh diện tích đất giao đợt I gần 1,5 ha và hơn 3,1 ha phần diện tích đất giao đợt II, vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, thì có những dấu hiệu sai phạm, cần điều tra làm rõ.

Năm 2013, UBND tỉnh có Công văn số 774/UBND-KTTH chỉ đạo, sau khi được cơ quan chuyên môn và UBND thành phố Vị Thanh xác nhận cơ sở hạ tầng đủ điều kiện bố trí dân vào sinh sống thì mới cho phép Công ty cổ phần 586 Hậu Giang chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại dự án này. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh chuyển nhượng giữa Công ty với các hộ dân và Công ty với nhân viên Công ty, trong khi dự án chưa bảo đảm điều kiện cần thiết (điện, nước...), phải điều chỉnh quy hoạch.

Người dân bức xúc chuyện Công ty cổ phần 586 Hậu Giang đã bán nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất cho các hộ dân phát sinh trước đó, nhưng giấy CNQSDĐ thì bị Công ty mang thế chấp ở ngân hàng. Thay vì giải quyết bất cập này, bảo đảm quyền lợi cho người dân, thì cơ quan tài nguyên và môi trường lại ký xác nhận thế chấp 897 giấy CNQSDĐ cho Công ty tại ngân hàng.

Trong thời gian từ năm 2012 đến 2013, Giám đốc Công ty cổ phần 586 Hậu Giang yêu cầu nhân viên Công ty phải ký hợp đồng mua bán nhà ở, hoặc hợp đồng góp vốn với Công ty cổ phần 585 Hậu Giang, trên cơ sở hợp đồng này các nhân viên đứng tên vay hộ cho công ty tại ngân hàng. Nếu nhân viên nào không thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến việc làm. Số tiền thế chấp các hợp đồng, trên thực tế do Giám đốc Công ty cổ phần 586 Hậu Giang nhận và các nhân viên Công ty cũng không có nhận nhà ở và đất như đã ký hợp đồng với công ty.

Cụ thể, 28 nhân viên đã ký hợp đồng thế chấp hình thành trong tương lai với tổng số 282 lô nền và 17 căn nhà để vay vốn ngân hàng. Thực chất đây là hợp đồng khống, mục đích huy động vốn để sử dụng mục đích khác, không có xác nhận của cơ quan chức năng điều kiện bảo đảm thế chấp. Từ đó, dẫn đến một thửa đất thế chấp hai lần (vừa thế chấp giấy CNQSDĐ vừa thế chấp hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng góp vốn), có trường hợp thế chấp 25 nền/nhân viên, ba căn nhà/nhân viên, với giá trị quyền sử dụng đất, hợp đồng góp vốn 4,5 triệu đồng/m2, cao hơn so với giá UBND tỉnh quy định nộp tiền sử dụng chỉ 807 nghìn đồng/m2 cho đất ở. Sự “biến hóa” này càng làm cho nợ đọng của Công ty cổ phần 586 Hậu Giang tại các ngân hàng thuộc dạng nợ xấu tăng cao. Tính đến tháng 12-2017, cả vốn gốc và lãi là hơn 274 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán...

Mới đây, sau khi khảo sát thực tế khu dân cư, làm việc với các ngành có liên quan và UBND thành phố Vị Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ban, ngành có liên quan thành lập Đoàn thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư thương mại 586 Hậu Giang. Trước mắt, nhằm ổn định cuộc sống cho 243 hộ dân đang sinh sống tại khu dân cư này có điện, nước sử dụng, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ban, ngành có ngay phương án pháp lý phù hợp để chấm dứt hợp đồng giữa Công ty cổ phần 586 Hậu Giang với ngành điện và nước. Trên cơ sở đó, ngành điện và nước triển khai phương án đầu tư cho hoàn chỉnh hệ thống và bán điện, nước theo đúng hợp đồng giữa các đơn vị và người dân, mà không cần thông qua Công ty cổ phần 586 Hậu Giang.

Ngoài mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm quyền lợi của người dân ở khu dân cư này, dư luận cũng đặt ra hai vấn đề cần điều tra, làm rõ. Đó là việc Giám đốc Công ty cổ phần 586 Hậu Giang lập hợp đồng “ép” 28 nhân viên với số lượng 282 nền nhà và 17 căn nhà không có thật và sử dụng các hợp đồng này thế chấp tại ngân hàng chồng lên giấy CNQSD đất đã thế chấp trước đó (thế chấp hai lần), dẫn đến nợ đọng tại các ngân hàng. Làm rõ mức chênh lệch quá lớn trong việc định giá quyền sử dụng đất vay ngân hàng so với giá lập hợp đồng mua bán nhà, góp vốn và thế chấp giấy CNQSD đất tại các ngân hàng, sau khi ký hợp đồng mua bán nhà gắn liền quyền sử dụng đất, hợp đồng góp vốn với người dân, dẫn đến mất khả năng thanh toán các khoản nợ ngân hàng.